Đề xuất của Bộ Y tế với Chính phủ đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. tiến sĩ Dương Quốc Trọng - tổng cục trưởng Tổng cục dân số (Bộ Y tế) đã trả lời phỏng vấn xung quanh giải pháp nhằm giảm mất cân bằng giới tính này.
- Bộ Y tế đang đề xuất lên Chính phủ chính sách hỗ trợ cho các gia đình sinh con một bề là gái. Tại sao lại có chính sách này thưa ông?
- Đây là một trong những giải pháp được chúng tôi đưa ra nhằm thực hiện giảm mất cân bằng giới tính khi sinh.
Tổng cục trưởng Dương Quốc Trọng cho biết đến lúc nào đó, khi việc sinh con trai và con gái cân bằng thì không còn cần giải pháp hỗ trợ này nữa.
Mấy năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2006 đến nay, hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh có ở hầu hết các tỉnh thành trong nước. Năm 2012, tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh giảm còn 0,4 điểm phần trăm (trong khi từ 2006 đến 2011 là 0,7 đến 1,15 điểm phần trăm).
Như vậy đã là một cố gắng lớn nhưng nếu cứ tiếp tục như vậy thì tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta vẫn khó có thể đạt được ở mức dưới 113 bé trai/100 bé gái vào năm 2015, như chiến lược dân số sức khỏe sinh sản Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt.
Vì vậy, Bộ Y tế đã báo cáo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và được yêu cầu phải có biện pháp quyết liệt hơn đưa tỷ số giới tính khi sinh đạt mức cân bằng. Kinh nghiệm ở các nước có tình trạng tương tự như Việt Nam cho thấy từ nay đến năm 2020 chúng ta chưa thể giảm ngay được tỷ số giới tính khi sinh, mà trước mắt chỉ có thể giảm được tốc độ gia tăng của tỷ số này.
Có 3 nhóm giải pháp để giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh:
Thứ nhất là tăng cường truyền thông vận động để người dân coi con gái cũng như con trai. Đây là giải pháp quan trọng nhất và có ý nghĩa bền vững nhất. Khi mọi người đều nhận thức được điều đó thì không còn cần các giải pháp khác. Thế nhưng giải pháp này lại có kết quả chậm nhất. Muốn thay đổi nhận thức không thể tính bằng năm mà bằng thập kỷ. Trong đó, vai trò của cơ quan truyền thông đại chúng cực kỳ quan trọng, giúp thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của người dân.
Thứ hai là giải pháp về kinh tế. Thực tế, tại nhiều nơi, người ta mong sinh được con trai để làm kinh tế, nhất là ở các vùng nông, lâm ngư nghiệp. Chẳng hạn vùng ven biển đánh bắt xa bờ thì chỉ nam giới mới thực hiện được. Vì thế cần cơ cấu lại ngành nghề kinh tế địa phương.
Ngoài ra, Việt Nam có câu "trẻ cậy cha già cậy con". Điều này cũng có lý khi hiện nay, hơn 70% người cao tuổi chưa có chế độ lương hưu nên họ cần sự hỗ trợ của con cái. Ngay cả những người có lương cũng vẫn trông mong vào con trong việc chăm sóc, dưỡng bệnh... Và "con" theo quan niệm của người Việt Nam ở đây hàm ý là con trai.
Để khắc phục điều này cần có chính sách ưu tiên khuyến khích các gia đình sinh con một bề là nữ.
Giải pháp thứ ba là thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, nghiêm cấm mọi hình thức lựa chọn giới tính trước sinh. 14 quốc gia khác trên thế giới có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cũng có những quy định tương tự và được thế giới ủng hộ, thậm chí có nơi còn coi việc lựa chọn giới tính trước sinh như là vi phạm hình sự.
- Nhiều người cho rằng việc thưởng tiền, hỗ trợ cho các gia đình sinh con gái làm phát sinh tâm lý coi việc sinh con gái như một điều bất thường và gián tiếp củng cố tư tưởng trọng nam khinh nữ. Ông nghĩ gì về điều này?
- Việt Nam có Luật bình đẳng giới, và tỉ số giới tính khi sinh cũng được coi là một trong những chỉ số đánh giá về bất bình đẳng.
Theo tôi, để giải quyết được vấn đề mất cân bằng giới tính, không chỉ dừng ở vấn đề bình đẳng mà phải có chế độ chính sách ưu tiên với nữ. Vì tâm lý đa số người dân là mong có con trai hơn con gái, họ chấp nhận chỉ có 1-2 con nhưng trong đó phải có con trai. Trong khi, nếu để xác suất tự nhiên, nếu như cặp vợ chồng có một con thì xác suất sẽ là 49% con gái và 51% là con trai. Nếu có hai con thì 24% số cặp vợ chồng sẽ không có con trai và 26% không có con gái. Khi đó, 24% không có con trai sẽ tìm mọi cách để có con trai, còn 26% không có con gái thì cảm thấy bình thường và chấp nhận.
Đất nước ta hiện nay đang cần sinh con gái hơn con trai và vì thế cần có các chính sách để khuyến khích việc này. Cũng tương tự như giá dầu thế giới tăng, để ổn định giá dầu trong nước, Nhà nước hạ thuế suất xuống còn bằng không, nhưng khi giá dầu ổn định, mức thuế này trở lại bình thường. Vì thế mới nói đây là giải pháp tình thế trong giai đoạn này. Đến lúc nào đó, khi việc sinh con trai và con gái cân bằng thì không còn cần giải pháp này nữa. Vì thế, không thể nói việc này gián tiếp củng cố tư tưởng trọng nam khinh nữ.
Khi người dân đẻ ít con, nhiều nước như Nga, Bắc Âu còn khuyến khích đẻ nhiều và thưởng tiền những ai làm điều này. Ở Hàn Quốc, năm qua chính phủ còn yêu cầu khi chiều đến công sở phải tắt đèn để các cặp vợ chồng về nhà, tăng cơ hội có con.
Chính sách ưu tiên con gái có tác dụng tức thì. Kinh nghiệm của các quốc gia từng áp dụng cách này cho thấy, khi khuyến khích trực tiếp, tỉ số giới tính khi sinh sẽ giảm.
Tương tự như khi muốn giảm mức tăng dân số, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho những người thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, triệt sản, đặt dụng cụ tử cung miễn phí, còn hỗ trợ thêm tiền cho những người này. Những người vận động người dân thực hiện các biện pháp trên cũng được hỗ trợ.
Đây là một giải pháp tình thế và mang ý nghĩa nhân văn.
- Nếu thực hiện chính sách này cần một khoản kinh phí khổng lồ, vì thế có thể sẽ không khả thi trong điều kiện kinh tế hiện nay của Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?
- Vì đây mới là đề xuất nên chúng tôi cũng chưa thể tính toán cụ thể chi phí nhưng tôi tin rằng chi số tiền này còn rẻ hơn rất nhiều những gì chúng ta phải gánh nếu "thả nổi" sự mất cân bằng như hiện nay. Đây là khoản đầu tư cho tương lai, nếu không làm, có thể để lại hậu quả nặng nề sau này.
Chính phủ đang yêu cầu các bộ ngành chức năng thẩm định đề án. Tôi tin Chính phủ và các bộ ngành sẽ ủng hộ vì ý nghĩa của chính sách này và hy vọng giữa năm 2013 sẽ được thông qua.
Hệ lụy mất cân bằng giới tính khi sinh phải sau 20 nữa mới vấp phải. Theo ước tính, 20 năm nữa, nước ta sẽ "thừa" khoảng 2,3-4,3 triệu nam giới tức là những người đàn ông này sẽ không có cơ hội lấy vợ Việt Nam. Chúng ta không muốn giẫm phải bước chân sai lầm của nhiều nước khi để tình trạng này ngày càng gia tăng. Tại Trung Quốc hiện "thừa" 67 triệu nam giới, đây là một "thảm họa" và chúng ta kiên quyết không mắc phải.
Những bé gái sinh ra trong các gia đình sinh con một bề theo đúng luật (chỉ sinh 1-2 con) có thể được hưởng nhiều ưu tiên. Ảnh minh họa
- Nhiều gia đình khá giả không cần sự hỗ trợ khi sinh hai con gái và sẽ sẵn sàng sinh thêm con dù bị phạt, trong trường hợp đó, chính sách này sẽ không phát huy hiệu quả. Ông nghĩ sao?
- Mỗi chính sách đưa ra đều có nhiều ý kiến khác nhau. Có những cán bộ dân số đến các gia đình giàu có, sau khi có hai con gái hoặc có cả trai lẫn gái rồi vẫn tiếp tục sinh con thứ 3. Khi cán bộ dân số đến vận động họ nói rằng họ sinh thì họ nuôi và con họ chắc chắn được chăm lo hơn con nhiều người chỉ sinh 1-2 con. Thực tế, họ không nhận thức được rằng việc sinh con không chỉ ảnh hưởng đến gia đình mình mà còn ảnh hưởng tới xã hội, đất nước. Họ sinh thêm một con là thêm một chỗ trong lớp học, thêm một phần việc làm, thêm một phần đất đai để sống...
- Một số tỉnh đã thực hiện chính sách ưu tiên nữ, cụ thể ra sao thưa ông?
- Đúng là một số tỉnh như Nghệ An, Thái Bình, TP HCM... đã sáng tạo và thực hiện việc hỗ trợ, khuyến khích các gia đình sinh con một bề là gái. Đa số các nơi mới chỉ vinh danh, trao quà mang tính tượng trưng cho những hộ này.
Cuối năm 2012 tôi đã tham dự một buổi tổng kết công tác dân số của tỉnh Thái Bình, trong đó chi cục dân số đã vinh danh, động viên các gia đình chỉ sinh hai con gái và trao tặng cho họ một chiếc quạt cây trị giá khoảng một triệu đồng. Tôi nghĩ món quà giá trị nhỏ nhưng có ý nghĩa lan tỏa, tuyên truyền rất lớn.
Tôi hy vọng các địa phương khác, bằng khả năng sáng tạo, có thể nghĩ ra nhiều cách khác nhau để vinh danh các gia đình sinh con một bề nữ, từ đó làm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân.
- Kinh nghiệm của các nước khi thực hiện chính sách hỗ trợ các gia đình sinh con gái để giảm mất cân bằng giới tính khi sinh?
- Nhiều nước ở châu Á đã thực hiện việc này. Chẳng hạn Trung Quốc hỗ trợ tiền ngay các gia đình khi sinh con gái. Các bé gái đi học được miễn học phí. Họ còn có chính sách "tình thương", nghĩa là các cán bộ cấp thôn, xã, huyện phải hỗ trợ các gia đình sinh con một bề nữ. Khi chia nhà, các gia đình sinh con gái được thêm một suất. Bố mẹ của những người sinh con gái khi về già nếu không có lương hưu sẽ được nhà nước chu cấp cho mỗi người 600 nhân dân tệ...
Còn Hàn Quốc đã hủy bỏ luật chỉ có nam giới mới được thừa kế mà cả con trai lẫn con gái đều được thừa hưởng như nhau, khuyến khích phụ nữ tham gia vào phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia, tạo điều kiện huy động lực lượng lao động nữ, mở rộng ngành nghề phụ nữ có thể tham gia... Giai đoạn 1990-2000, những khẩu hiệu như “Nuôi một con gái lớn lên bằng 10 con trai”, “Hãy yêu con gái của bạn” được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, cùng với các hội thảo có nhóm chuyên trách thực hiện riêng về mất cân bằng giới tính khi sinh...
Theo VNE