Việt Nam yêu chuộng hòa bình nhưng cũng kiên quyết bảo vệ chủ quyền
Thưa Viện sĩ, ông nhìn nhận như thế nào về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, cũng như về mối quan hệ chiến lược với Trung Quốc?
Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa lớn, nhà thao lược quân sự, nhà chính trị Nguyễn Trãi đã đúc kết điều đó trong bài Bình ngô Đại cáo rằng, người Việt Nam “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn / Lấy chí nhân thay cường bạo”. Lịch sử Việt Nam có lúc thịnh, lúc suy, nhưng không một thế lực nào có thể đồng hóa được dân tộc Việt Nam. Dân tộc Việt Nam là dân tộc ưa chuộng hòa bình hơn ai hết, song cũng kiên quyết bảo vệ chủ quyền. Lập trường đó của ta rất rõ ràng. Mỗi khi đất nước lâm nguy thì khối đại đoàn kết dân tộc lại càng được hun đúc và sức mạnh Việt Nam được tăng lên gấp bội. Không có thế lực nào có thể phá vỡ được sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
Thượng tướng - Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu
Đến thời đại Hồ Chí Minh, câu nói nổi tiếng nhất của Người là: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Với ý chí kiên định đó, chúng ta đã đánh thắng hai đế quốc lớn. Đó là sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh nghệ thuật độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam kết hợp với sức mạnh thời đại…
Hiện nay, chúng ta vẫn kiên định đường lối “độc lập, tự chủ” theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong thời kỳ đổi mới, Việt Nam sẵn sàng làm bạn và là đối tác tin cậy của các nước, nhất là các nước láng giềng. Trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, hai Đảng, hai Nhà nước đã thỏa thuận được phương châm 16 chữ vàng “Láng giềng thân thiện / Hợp tác toàn diện/ Ổn định lâu dài / Hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “Láng giềng tốt / Bạn bè tốt / Đồng chí tốt / Đối tác tốt”. Chúng ta đã xây dựng niềm tin lẫn nhau. Từ đó, hai bên đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp về hợp tác kinh tế, bảo vệ môi trường, cứu hộ cứu nạn, tấn công tội phạm xuyên quốc gia, hai quân đội đã tuần tra chung trên biển…
Các lãnh đạo cấp cao của hai nước đã thăm viếng lẫn nhau và có nhiều cuộc hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm của hai nước. Hai bên đã hoàn thành việc cắm mốc đường biên giới trên đất liền.
Khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi
“Đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra, cả thế giới đều cho là vô lý nhưng phía Trung Quốc vẫn tiếp tục tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng rằng Việt Nam xâm phạm chủ quyền và có những động thái làm căng thẳng tình hình. Ông nghĩ sao về điều đó?
Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Và Việt Nam cũng có đầy đủ chứng cứ để chứng minh việc đó cho cả thế giới biết. Nhiều chuyên gia và nhà khoa học Trung Quốc cũng nói “đường lưỡi bò” là thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trong khi đó, từ năm 2002, Trung Quốc và khối ASEAN đã ký kết Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) - một tuyên bố về cách hành xử ở Biển Đông, trong đó các bên cam kết sẽ không dùng đến vũ lực. Tất cả các bên tại cuộc họp này đều nhấn mạnh tầm quan trọng của DOC, đồng thời cam kết biến Biển Đông thành một khu vực hòa bình, hợp tác và hữu nghị. Trước khi tranh chấp được giải quyết, các bên phải giữ kiềm chế, không có hành động mở rộng, làm phức tạp hóa tranh chấp.
Phía Trung Quốc luôn muốn giải quyết vấn đề Biển Đông trên cơ sở thỏa thuận song phương. Theo quan điểm của ông, chúng ta cần gì?
Tình hình phức tạp hiện nay là do cả khách quan và chủ quan. Những tồn tại trên Biển Đông mà do lịch sử để lại thì phải giải quyết trên cơ sở nhận thức về luật pháp Quốc tế, đặc biệt là Luật Biển năm 1982 và tuyên bố ứng xử theo DOC. Có những vấn đề phải giải quyết bằng đa phương, có những vấn đề phải giải quyết bằng song phương. Cái gì còn tồn tại do lịch sử để lại thì các bên phải giải quyết trên tinh thần đàm phán, hợp tác hữu nghị, tránh để các thế lực khác lợi dụng.
Nếu đa phương và song phương mà chúng ta vẫn không giải quyết được thì có thể đưa ra Tòa án Quốc tế để giải quyết một cách công khai, minh bạch và khách quan, cũng là để nhân dân thế giới và nhân dân 2 nước Việt Nam, Trung Quốc nhận thức đúng.
Vậy, cách giải quyết khôn khéo nhất hiện nay là gì, thưa Viện sĩ?
Trong lúc này, các bên phải hết sức bình tĩnh và sáng suốt để có giải pháp phù hợp. Cũng cần nói thêm, việc bảo vệ chủ quyền không phải chỉ ở trên biển mà phải bảo vệ cả trên đất liền và trên không.
Trung Quốc là một nước lớn và thông tin đa chiều nên tôi nghĩ các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải lắng nghe các chuyên gia, nhà khoa học thế giới và chính các chuyên gia Trung Quốc phân tích thấu đáo để có hướng và từng bước giải quyết trên cơ sở luật pháp Quốc tế mà họ đã cam kết. Tôi cũng tin tưởng rằng, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc sẽ sớm tìm được cách giải quyết phù hợp với mong đợi của nhân dân thế giới và nhân dân 2 nước, nhất là trong tình hình như hiện nay.
Trân trọng cảm ơn ông!
Chúng ta luôn trân trọng quá khứ “Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, chúng ta cảm ơn nhân dân Trung Quốc đã giúp đỡ nhân dân Việt Nam. Trong giai đoạn này, cả hai nước đều đi lên xây dựng xã hội chủ nghĩa. Mối quan hệ hữu nghị giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông dày công vun đắp đã phát triển tốt đẹp”. (Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng) |
Quang Minh (thực hiện)