Tại Hà Nội, ngày 25/6 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu bật ý nghĩa đặc biệt quan trọng của hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng lần này, nhằm kiểm điểm kết quả công tác phòng, chống tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay; xác định phương hướng nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.
Theo dõi diễn biến Hội nghị, nhiều cán bộ lão thành, đảng viên đã bày tỏ niềm tin vào Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng bộ Quốc phòng cho rằng: “Hội nghị đã tổng kết những mặt làm được và chỉ ra những hạn chế cần khắc phục của công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng. Qua theo dõi hội nghị, tôi rất tin tưởng vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam.
Thời gian qua, chúng ta đã bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đã có những đại án kinh tế được đưa ra xét xử công khai, nghiêm minh, không có vùng cấm. Niềm tin của nhân dân được củng cố. Đó là tín hiệu đáng mừng”.
Vị tướng từng có 3 nhiệm kỳ là Ủy viên Trung ương Đảng cũng chia sẻ thêm: “Tuy nhiên, vấn đề chống tham nhũng luôn là vấn đề đầy khó khăn, nan giải. Đây mới chỉ là tổng kết của 1 chặng đường, nhiệm vụ phòng chống tham nhũng vẫn còn trường kỳ. Chúng ta phải quyết tâm làm đến cùng.
Tôi đã có rất nhiều bài viết nghiên cứu và nói về vấn đề phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Không chỉ tham nhũng mới gây thất thoát ngân sách lớn mà nạn lãng phí cũng cần đẩy lùi”.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu bày tỏ ý kiến: “Bây giờ chúng ta đã có chủ trương rất rõ ràng về chống tham nhũng, tôi nghĩ, chủ trương 1 thì biện pháp phải 10. Tức là quyết tâm chiến lược thực hiện phải rất lớn. Còn nếu chỉ có nghị quyết và tổng kết thì mới chỉ đạt một phần hiệu quả. Cái này phải phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc. Không chỉ đơn giản một vài tổ chức vào cuộc mà tất cả phải vào cuộc, khơi dậy điều đó, làm đồng bộ. Để đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí thì phải làm đến cùng, không phải chỉ “tắm từ vai trở xuống”.
Chống tham nhũng không phải chỉ Việt Nam mà quốc tế người ta cũng phải làm. Phải có luật pháp bảo đảm cho tiến trình đổi mới, hội nhập toàn cầu. Có như vậy mới lấy được niềm tin của nhân dân Việt Nam và niềm tin của các đối tác làm ăn với Việt Nam. Từ đó, nó sẽ nâng được vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, vì chúng ta hội nhập rồi.
Chúng ta phải tiếp tục công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Mục đích cuối cùng là xử nghiêm rồi nhưng vẫn phải thu hồi được tài sản thất thoát cho Nhà nước do các cá nhân có hành vi tham nhũng gây ra”.