Thương vụ có “một không hai”
Cách đây không lâu, bóng đá nữ Việt Nam đã chứng kiến trường hợp chuyển nhượng có “một không hai” giữa Mỹ Anh và CLB bóng đá nữ TP.HCM. Theo đó, hợp đồng lao động giữa Nguyễn Thị Mỹ Anh và Trung tâm TDTT Thống Nhất (đơn vị chủ quản của CLB bóng đá nữ TP.HCM) hết hạn vào ngày 31/12/2021. Nếu chiếu theo hợp đồng, cầu thủ sinh năm 1994 không còn ràng buộc với CLB chủ quản và có quyền ra đi tìm bến đỗ mới.
Thế nhưng, sau nhiều lần đàm phán, lãnh đạo CLB nữ TP.HCM liên tục đưa ra những lý do “khó hiểu” để “ngăn” Mỹ Anh đi tìm bến đỗ mới. Trong số đó, lãnh đạo CLB nữ TP.HCM nói rằng, nếu cầu thủ ra đi phải đền bù hợp đồng với số tiền lớn vì Mỹ Anh trưởng thành từ CLB.
Phía lãnh đạo đội bóng “khuyên” các cầu thủ viết đơn gửi lãnh đạo. Họ vạch ra ba hướng cho cầu thủ như sau: Thứ nhất, nếu CLB đáp ứng yêu cầu của cầu thủ thì sẽ thi đấu cho đội bóng TP.HCM 2 năm; thứ hai, nếu không được đi thì nghỉ luôn ở nhà. Thứ ba, cầu thủ sẵn sàng thi đấu cho CLB TP.HCM thêm 1 năm. Sau thời gian này, cầu thủ có quyền ra đi mà không đền bù hợp đồng.
Trả lời truyền thông, lãnh đạo Sở VH-TT TP.HCM cho biết tốn hàng trăm triệu đồng mỗi tháng để chi cho các cầu thủ ở CLB TP.HCM. Khẳng định ngân sách đào tạo bỏ ra suốt nhiều năm cực kỳ lớn, đào tạo cả trăm người mới được một người giỏi, nên "làm gì có chuyện người ta chỉ cần bỏ mấy trăm triệu ra là lấy cầu thủ".
Từ đó, Sở VH-TT TP.HCM đã nhờ VFF phân xử vụ việc nhằm tránh tiền lệ các địa phương dùng tiền lôi kéo cầu thủ từ nơi khác. Chính việc xảy ra sự tranh chấp trên mà Mỹ Anh cũng không có tên tập trung ĐT nữ Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 31.
Cuối cùng sau khi xem xét kĩ lưỡng, VFF đã yêu cầu CLB nữ TPHCM cần căn cứ vào thời hạn hợp đồng để giải quyết vụ việc. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ Anh được phép ra đi sau khi đã hết hợp đồng từ cuối năm ngoái.
Trên thực tế, đây là vụ chuyển nhượng đầu tiên trong lịch sử bóng đá nữ Việt Nam khi mà giải đấu của họ còn nằm ngoài chuyên nghiệp. Vì vậy, nó đã nảy sinh nhiều bất cập trong công tác quản lý, điều khoản hợp đồng. Và cũng chính vì điều này, Mỹ Anh đã không có cơ hội góp mặt trong chiến dịch bảo vệ HCV SEA Games 31 cùng ĐT nữ Việt Nam.
Trang sử mới cho bóng đá nữ Việt Nam
Sau khi nhận được giấy thanh lý hợp đồng từ CLB bóng đá nữ TP.HCM, Mỹ Anh đã chính thức ký hợp đồng với CLB Thái Nguyên T&T trong sáng ngày 27/5. Theo tìm hiểu, Mỹ Anh gia nhập đội bóng với bản hợp đồng có thời hạn 02 năm, lương 30 triệu/tháng cùng phí lót tay cho 2 năm hợp đồng là 500 triệu. Đây có thể xem là một mức lương cao hiếm thấy trong lịch sử bóng đá nữ Việt Nam. Ngoài ra, một cầu thủ khác là Lê Hoài Lương cũng được đề nghị phí hỗ trợ ký hợp đồng là 400 triệu đồng cho 2 năm hợp đồng, và tổng thu nhập là 30 triệu đồng/tháng.
Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử chuyển nhượng bóng đá nữ Việt Nam, cầu thủ được hỗ trợ chi phí “lót tay” trong hợp đồng. Điều này không chỉ mang lại ý nghĩa cải thiện đời sống cho các cầu thủ nữ mà nó còn đánh dấu một cột mốc mới cho bóng đá nữ Việt Nam trong quá trình “chuyên nghiệp hóa” của mình.
Rõ ràng, sau khi giành được tấm vé dự World Cup 2023, bóng đá nữ đã ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ các lãnh đạo. Quan trọng hơn, những giá trị mà họ cống hiến trong suốt những năm qua đã thực sự được công nhận như những ngôi sao bóng đá nam. Nói không ngoa, đây là tiền đề lớn để nền bóng đá nữ Việt Nam bước lên một tầm cao mới. Ở đó, đời sống của các cầu thủ nữ sẽ được cải thiện nhiều hơn và nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ lãnh đạo và người hâm mộ bóng đá trong nước.
Ngoài ra, thương vụ này còn tạo nên được một giá trị niềm tin đủ lớn, để các “bóng hồng” có thể sống bằng nghề, sống bằng đam mê của bản thân mình. Từ đó thúc đẩy được sự phát triển của cơ chế đào tạo trẻ cho các đội bóng trong nước. Đó sẽ là bước đệm lớn để bóng đá nữ Việt Nam bước lên thời kỳ chuyên nghiệp.
Còn nhớ ở SEA Games 31, hiệu ứng mà ĐT bóng đá nữ Việt Nam đã tạo ra ở SVĐ Cẩm Phả (Quảng Ninh) là lớn đến nhường nào. Các CĐV muốn có vé vào sân phải xếp hàng từ 3h sáng trước 1 ngày bắt đầu phát vé. Có nhiều người còn mang cả chăn, đệm, chiếu… hay thậm chí là bia để ngồi chờ đến thời gian nhận vé. Sân Cẩm Phả có sức chứa 16.000 chỗ ngồi, và trong 4 trận đấu của ĐT nữ Việt Nam tại SEA Games 31, các khán đài điều chật kín người hâm mộ. Những tiến hô vang “Việt Nam” với tấm đại kỳ tung bay phất phới trên khán đài đã thực sự truyền tải được nguồn năng lượng tích cực cho các cô gái dưới sân.
Có thể nói, tấm vé tham dự World Cup 2023 của thầy trò HLV Mai Đức Chung, hay thương vụ chuyển nhượng “bom tấn” của Mỹ Anh đã giúp cho bóng đá nữ Việt Nam bước sang một trang sử mới với một tương lai tốt đẹp hơn. Như đã nói ở trên, khi đã nhận được sự quan tâm, bóng đá nữ Việt Nam sẽ phát triển theo hướng chuyên nghiệp. Các cầu thủ có thể sống bằng nghề, bằng đam mê của mình. Đó mới là điều cốt lõi làm giúp bóng đá nữ thành công và đủ sức hấp dẫn với các cầu thủ cũng như gia đình họ.