Tin tức về chiến thắng trong cuộc đấu giá mua lại ngân hàng First Republic đến với của JPMorgan lúc hơn 1 giờ sáng ngày 1/5. Hàng trăm nhân viên hoạt động trong mọi lĩnh vực kinh doanh của JPMorgan cuối cùng cũng thở phào nhẹ nhõm sau một ngày làm việc căng thẳng.
Quyết định được đưa ra chỉ vài giờ trước khi thị trường mở cửa ở Mỹ đã chấm dứt những suy đoán về số phận của ngân hàng lớn thứ 14 của Mỹ.
Cuộc đấu thầu do Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) phụ trách đã thu hút một số tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực ngân hàng như Bank of America hay US Bancorp, ngân hàng lớn thứ hai và thứ năm của Mỹ. Tuy nhiên, những ngân hàng này sau đó đã từ chối lời đề nghị mua lại First Republic.
Theo tờ Wall Street Journal, các ngân hàng Citizens và Fifth Third Bancorp cũng tham gia đấu thầu.
JPMorgan và PNC
Đối với những người theo dõi phiên đấu giá, đây là cuộc cạnh tranh của 2 đối thủ nặng ký: JPMorgan (ngân hàng lớn nhất nước Mỹ) và PNC (ngân hàng lớn thứ sáu của quốc gia này).
Cả hai ngân hàng này đã sống sót qua cuộc khủng hoảng năm 2008, thậm chí còn trở nên lớn mạnh hơn thông qua một loạt thương vụ M&A được chính phủ Mỹ khuyến khích.
Trong trường hợp của JPMorgan, ngân hàng này đã mua lại ngân hàng đầu tư Bear Stearns ở New York và quỹ đầu tư tiết kiệm Washington Mutual ở Seattle vào tháng 3 và tháng 9/2008, mở rộng đế chế của mình từ bang này sang bang khác.
PNC cũng thâu tóm được Cleveland là National City vào tháng 10/2008, thành công tạo dựng được chỗ đứng ở hầu hết các khu vực đô thị hàng đầu nước Mỹ.
Đáp lại lời kêu gọi của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và các quan chức hàng đầu khác của Washington, cả JPMorgan và PNC đều tham gia vào nỗ lực giải cứu First Republic vào tháng 3 bằng cách gửi các khoản tiền gửi không được bảo hiểm vào ngân hàng này.
JPMorgan đã gửi 5 tỷ USD và PNC gửi 1 tỷ USD vào First Republic. 9 ngân hàng khác đóng góp thêm 24 tỷ USD.
Nỗ lực này giúp kéo dài “sự sống” của First Republic, nhưng không giải quyết được cuộc khủng hoảng niềm tin mà ngân hàng này đang đối mặt. Hôm 24/4, First Republic tiết lộ các khách hàng của mình đã rút hơn 100 tỷ USD tiền gửi (khoảng 40% số tiền gửi tại đây), khiến cổ phiếu ngân hàng này lao dốc.
Làm việc xuyên tuần
Tối 26/4, lãnh đạo JPMorgan đã nhận được một câu hỏi từ giám đốc tài chính Jeremy Barnum, đó là “JPMorgan có muốn thu thập thông tin để đấu thầu mua lại First Republic từ tay FDIC hay không?”.
Để trả lời câu hỏi đó, ngân hàng đã triệu tập khoảng 800 người, từ giám đốc điều hành của các đơn vị ngân hàng đầu tư, ngân hàng thương mại và ngân hàng tư nhân đến các cố vấn thuế, chuyên gia thế chấp, chuyên gia quản lý tài sản và chuyên gia thẩm định giá.
Nhiệm vụ của những người này là nghiên cứu về First Republic và nói lên những gì họ kỳ vọng thỏa thuận với First Repubic sẽ mang lại cho đơn vị của mình.
Hôm 29/4, mỗi nhóm đã trình bày những phát hiện của mình cho các nhà quản lý cấp cao của JPMorgan thông qua một loạt cuộc họp từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Nhiều người trong số họ ăn cơm ngay tại bàn làm việc.
Bằng việc mua lại First Republic, JPMorgan có thể giúp mang lại sự ổn định nhất định cho hệ thống ngân hàng Mỹ, đồng thời tiết kiệm được một khoản chi phí mà JPMorgan có thể phải trả cho FDIC nếu không còn bên nào khác mua lại First Republic.
Ngược lại, JPMorgan cũng đối mặt với rất nhiều rủi ro liên quan đến pháp lý và tín dụng, cũng như khả năng các nhân viên của First Republic rời đi, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của ngân hàng này ngay sau khi tiếp quản.
Lựa chọn tốt nhất
Hạn cuối để nộp hồ sơ dự thầu là trưa 30/4. Sau đợt đấu thầu đầu tiên, JPMorgan nhận ra rằng không phải tất cả các nhà thầu đều muốn mua lại cùng một loại tài sản. Một số người sẵn sàng nhận các khoản thế chấp khổng lồ của First Republic, nhưng một số thì không.
Do đó, FDIC cần phải điều chỉnh các hồ sơ dự thầu để có thể so sánh chúng. JPMorgan đã phải gửi lại giá thầu của mình với các thông số bổ sung và tập trung vào các danh mục nhất định.
Từ trưa đến 9 giờ tối 30/4, JPMorgan đã gửi 4 hồ sơ dự thầu mới cho FDIC. Cuộc gọi cuối cùng đến từ FDIC vào khoảng 1:15 sáng 1/5, và First Republic bị tịch thu vào khoảng 2 giờ sáng. Rất nhiều thành viên của JPMorgan, bao gồm giám đốc tài chính của ngân hàng, hầu như thức trắng đêm hôm đó.
Theo ông Dick Bove, nhà nghiên cứu cấp cao tại công ty tư vấn Odeon Capital, thỏa thuận mua lại ngân hàng có trụ sở tại San Francisco của JPMorgan có thể mang lại cho ngân hàng lớn nhất nước Mỹ thu nhập ròng từ 500 triệu đến 1 tỷ USD mỗi năm. Ông Bove cũng cho rằng đây là thương vụ mua lại tốt nhất của JPMorgan trong nhiều thập kỷ, ông Bove nhận định.
“Với quy mô, sự giàu có và kỹ năng quản lý, JPMorgan là lựa chọn tốt nhất để loại bỏ vấn đề mang tên First Republic”, ông Bove nhận định.
Được thành lập năm 1985 tại San Francisco, Mỹ, ngân hàng First Republic chuyên phục vụ khách hàng giàu có. Khoảng 68% số tiền gửi ở đây có giá trị hơn 250.000 USD, do đó không được bảo hiểm bởi FDIC.
Sau vụ phá sản của ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và ngân hàng Signature hồi tháng 3, ngân hàng này đã một lần đứng trước nguy cơ phá sản nhưng được giải cứu bởi 11 ngân hàng hàng đầu nước Mỹ với khoản tiền gửi 30 tỷ USD.
Tuy nhiên, nhiều khách hàng đã bị khủng hoảng bởi các vụ phá sản trên, do đó đã rút hơn 100 tỷ USD trong tháng 3. Thông tin này khiến cổ phiếu First Republic lao dốc, đẩy ngân hàng này vào bờ vực phá sản một lần nữa. Và lần này, các nỗ lực giải cứu đều bất thành.
Nguyễn Tuyết (Theo Yahoo!Finance, Bloomberg)