Vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, Khoa Phẫu Thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy, vừa điều trị phẫu thuật một trường hợp vỡ trực tràng do thải độc (detox) bằng phương pháp thụt tháo cà phê.
Thông tin này nhận được sự quan tâm của dư luận, theo các bác sĩ hiện nay, trên cộng đồng mạng đang lan truyền một phương pháp thải độc (detox) được cho là có nhiều tác dụng như chống táo bón, trị bách bệnh. Đó là phương pháp thụt cà phê qua đường hậu môn nhằm mục tiêu "làm sạch" đại tràng.
Trao đổi với Người Đưa Tin, BS. Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho biết trên thế giới cũng như tại Việt Nam hiện nay đang có trào lưu dùng cà phê pha vào nước ấm để thụt tháo với lời quảng cáo thải độc cho cơ thể, thậm chí chống cả ung thư.
Tuy nhiên, hiện tại chưa có bất kỳ tài liệu nào chứng minh thụt tháo bằng cà phê có tác dụng nêu trên mà chỉ có tác hại, ở Mỹ cũng đã báo cáo 3 bệnh nhân đã tử vong vì dùng cà phê để thụt tháo đại tràng.
Theo BS. Hoàng, có nhiều tác động gây hại đối với cơ thể khi dùng phương pháp này.
“Khi thường xuyên đưa lượng lớn chất lỏng vào trong đại tràng thì sẽ khiến cho phản xạ đi ngoài bị giảm dần, dễ mất phản xạ đi vệ sinh, có thể rơi vào tình trạng táo bón nếu không thụt tháo thường xuyên”, BS. Hoàng nói.
Thêm một tác hại nữa được BS. Hoàng chỉ ra là gây ra cơ thể bị mất nước, mất một lượng điện giải gây ra rối loạn điện giải rất lớn. Bên cạnh đó, khi đưa một lượng chất lỏng như thế kéo theo rất nhiều hệ vi khuẩn đường ruột ở trong ruột ra ngoài.
Ngoài ra, do tác động cơ học đưa các đầu ống thụt vào có thể gây chảy máu, rách, nhiễm trùng ở hậu môn, trực tràng và đại tràng…
Từ những phân tích trên, BS. Hoàng đặc biệt khuyến cáo: “Người dân tuyệt đối không nên nghe theo những lời lan truyền trên mạng mà không có cơ sở khoa học khi thụt tháo bằng cà phê, vừa không có tác dụng mà lại gây ra nhiều tác hại”.
Trước đó, như Người Đưa Tin đã đưa, nữ bệnh nhân Đ.T.P (38 tuổi) vào viện vì đau bụng vùng chậu dưới rốn dữ dội kèm đi ngoài ra máu sau khi sử dụng biện pháp thụt tháo thải độc bằng cà phê tại một phòng khám tư nhân.
Bệnh nhân đã sử dụng phương pháp thụt tháo cà phê hai lần, mỗi lần cách nhau một tuần. Đến lần thứ ba, ngay trong quá trình thụt tháo, bệnh nhân thấy đau dữ dội vùng bụng dưới kèm chảy máu qua hậu môn.
Qua thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, chụp cộng hưởng từ cho thấy hình ảnh tụ dịch khí khoang sau phúc mạc, nghi ngờ vỡ trực tràng. Tại đây, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cấp cứu để xử lý tổn thương.
Quá trình phẫu thuật ghi nhận tổn thương vỡ trực tràng 1/3 dưới gây áp xe khoang sau phúc mạc. Kíp phẫu thuật đã tiến hành khâu chỗ vỡ trực tràng, đồng thời dẫn lưu rộng rãi khoang sau phúc mạc và làm hậu môn nhân tạo đoạn đại tràng Sigma.
Sau 14 ngày, bệnh nhân xuất viện và đã ăn uống, sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, nữ bệnh nhân P. sẽ phải chịu một cuộc phẫu thuật nữa sau vài tháng để đóng lại hậu môn nhân tạo.
Từ một người đang bình thường khỏe mạnh, chỉ vì tin vào những thông tin lan truyền không căn cứ, quảng cáo sai sự thật để bán hàng, chữa bệnh... đã phải chịu đựng 2 cuộc mổ nặng nề, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe hiện tại và sau này; ngoài ra còn nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, công việc và gia đình...
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, thay vì áp dụng các phương pháp không chính thống, mỗi người nên tự bảo vệ hệ tiêu hóa bằng cách uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, rau củ…
Đồng thời, hạn chế bia rượu, thịt đỏ, đồ ăn nhiều dầu mỡ. Thường xuyên vận động cũng giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn mỗi ngày.