Thủy chiến đầm Thị Nại: Trận thư hùng giữa quân đội nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn

Nguyễn Thị Thu Dịu

Nguyễn Thị Thu Dịu

Thứ 4, 08/01/2025 11:03

Đầm Thị Nại (tỉnh Bình Định) từng là một thương cảng nổi tiếng của vương triều Vijaya. Nơi đây, qua hàng trăm năm lịch sử đã ghi dấu nhiều trận thủy chiến, trong đó trận thủy chiến năm 1801 giữa quân đội nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn được sử sách xem là trận thư hùng, quyết định vận mệnh của triều đại đương thời.


Đầm Thị Nại - nơi được gọi với cái tên trái tim của Tp.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Phan Tín

Đầm Thị Nại - nơi được gọi với cái tên trái tim của Tp.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Sơn Tùng

Đầm Thị Nại nhìn từ hiện vật lịch sử

Những câu thơ "Thị Nại xưa kia vũng chiến trường/Nổi chìm thế sự mấy triều vương..." của thi sĩ Quách Tấn trong bài "Thị Nại hoài cổ", phần nào gợi cho hậu thế về những gì đã diễn ra nơi vùng đầm này hàng trăm năm trước.

Ở Bảo tàng Bình Định (26 Nguyễn Huệ, Tp.Quy Nhơn) đang trưng bày bộ sưu tập những khẩu thần công được trục vớt từ đầm Thị Nại. Trên những hiện vật này có ghi chép về thời gian, địa điểm trục vớt – đó là hiện vật của lịch sử trong những trận thủy chiến giữa quân đội nhà Tây Sơn và quân đội nhà Nguyễn vào nửa cuối thể kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX.

Những khẩu súng thần công trong trận thủy chiến giữa quân đội nhà Tây Sơn và quân đội nhà Nguyễn trục vớt từ đầm Thị Nại, hiện trưng bày tại Bảo tàng Bình Định. Ảnh: Thu Dịu

Những khẩu súng thần công trong trận thủy chiến giữa quân đội nhà Tây Sơn và quân đội nhà Nguyễn trục vớt từ đầm Thị Nại, hiện trưng bày tại Bảo tàng Bình Định. Ảnh: Thu Dịu

Đầm Thị Nại có tên gọi đầy đủ theo tiếng Chăm là Thị Lị Bi Nại, nơi đây từng được biết đến là một thương cảng quan trọng nhất của vương quốc Vijaya. Với vị trí chiến lược quan trọng, trên đầm Thị Nại đã diễn ra nhiều trận thủy chiến giữa quân đội nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn, trong đó trận đánh thủy chiến 1801 được nhắc nhiều hơn cả. Bởi đây là trận đánh lớn và sau cùng giữa hai bên, bên nào làm chủ được cửa biển này sẽ làm chủ được một dải đất liền Trung trung bộ.

Đầm Thị Nại vừa là thương cảng nổi tiếng của vương triều Vijaya, vừa là quân cảng trọng yếu của triều đại Tây Sơn. Ảnh: Phan Tín

Đầm Thị Nại vừa là thương cảng nổi tiếng của vương triều Vijaya, vừa là quân cảng trọng yếu của triều đại Tây Sơn. Ảnh: Sơn Tùng

Theo các thuyết minh viên tại Bảo tàng Bình Định, đầm Thị Nại nằm ở vị trí quan trọng, là cửa ngõ dẫn vào kinh đô Chiêm Thành và triều đại Tây Sơn sau này. Vị trí chiến lược quan trọng của đầm Thị Nại được hiểu thêm từ lịch sử giao tranh trên đầm Thị Nại có thể kể qua những cột mốc giao chiến ở đây.

Chẳng hạn, năm 1284, vua nhà Nguyên sai con là Thoát Hoan cùng tướng Toa Đô, Ô Mã Nhi kéo quân vào cửa Thị Nại đánh Chiêm Thành nhưng thất bại, phải bỏ chạy.

Năm 1470, vua Lê Thánh Tông cầm 20 vạn tinh binh đánh tan quân Chiêm Thành trên cửa biển Thị Nại, sau đó hạ thành Đồ Bàn (kinh đô của vương triều Vijaya).

Năm 1799, Nguyễn Ánh cử đại binh đánh tan quân Tây sơn trên cửa Thị Nại, chiếm thành Hoàng Đế. Đến năm 1800, quân Phú Xuân dưới sự chỉ huy của Trần Quang Diệu đánh vào Thị Nại, nhằm chiếm lại thành Hoàng Đế.

Năm 1801, Nguyễn Ánh cử đại binh tiến vào Thị Nại, đánh bại thủy binh của Tây Sơn (thủy binh chính xương sống của quân đội Tây Sơn), thành Hoàng Đế thất thủ. Trận thủy chiến năm 1801 được xem là trận thủy chiến lớn nhất và sau cùng giữa nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn.

Hiện vật súng thần công từ các trận thủy chiến được trục vớt ở đầm Thị Nai tại Bảo tàng tỉnh Bình Định. Ảnh: Thu Dịu

Hiện vật súng thần công từ các trận thủy chiến được trục vớt ở đầm Thị Nai tại Bảo tàng tỉnh Bình Định. Ảnh: Thu Dịu

Trận "thư hùng" giữa quân đội nhà Tây Sơn và quân đội chính quyền Nguyễn Ánh vào năm 1801

Ngày nay, chúng ta có thể tìm đọc được trong nhiều tài liệu, sách báo về câu chuyện về những trận thủy chiến trên đầm Thị Nại. Trong rất nhiều trận thủy chiến ở đầm Thị Nại, trận đánh năm 1801 được xem là trận "thư hùng" giữa quân đội nhà Tây Sơn và quân đội chính quyền Nguyễn Ánh.

Sử gia Tạ Chí Đại Trường mô tả về Trận Thị Nại 1801 trong cuốn Việt Nam thời Tây Sơn-Lịch sử nội chiến (1771-1802): "Quân đội nhà Tây Sơn đem 2 chiếc Định Quốc Đại hiệu thuyền chở từ 5 đến 60 khẩu đại bác chắn ngay cửa Thị Nại. Bên trong có 40 tàu lớn, 20 tàu nhỏ hơn, 100 ghe chiến đậu san sát đến cửa sông đưa vào Nước Mặn. Trên núi Tam Tòa (Hải Minh hiện nay) còn đặt đại bác, trên bộ còn có 60 voi và quân lính. Thủy chiến diễn ra vào đêm 16 tháng Giêng năm Tân Dậu (28/2/1801). Theo ghi chép, quân đội nhà Nguyễn có 4.000 người trên 26 ghe chiến và 100 thuyền nhỏ. Chiến trận kéo dài 3 giờ sáng đến đứng trưa ngày 1/3/1801. Thuyền Tây Sơn cháy tan. Như lời của Chaigneau báo cho Barizy, ông thấy rằng "người Nam chưa bao giờ phải đánh trận dữ dội như vậy", người ta gọi trận này "đệ nhất vũ công".

Cuốn sách "Quân đội Tây Sơn –Lịch sử bằng hình ảnh" của tác giả Đào Nguyên Khánh xếp trận Thị Nại 1801 là một trong những trận thủy chiến vang danh sử Việt. Theo cuốn sách này, có 6 trận thủy chiến vang danh sử Việt cần được điểm tên như: Trận Bạch Đằng (938) Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán; Trận Bạch Đăng (981) Lê Đại Hành tiêu diệt quân Tống; Trận Nhật Lê (1069) Lý Thường Kiệt phạt Chiêm Thành; Trận Bạch Đằng (1288) quân Nguyên Mông thảm bại trước trận địa của Trần Hưng Đạo; Trận Rạch Gầm- Xoài Mút (1785) Nguyễn Huệ đánh tan liên quân Xiêm – Nguyễn và Trận Thị Nại (1801) trận chiến thư hùng giữa quân đội nhà Tây Sơn và quân đội nhà Nguyễn.

Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu lịch sử, TS. Nguyễn Công Thành – Trưởng bộ môn Lịch sử- Khu vực học (Khoa Khoa học xã hội và nhân văn - Trường đại học Quy Nhơn) cho hay, trận Thị Nại năm 1801 giữa quân đội nhà Tây Sơn và quân đội chính quyền Nguyễn Ánh (từ năm 1802 mới dùng cách gọi nhà Nguyễn) là trận thủy chiến quan trọng đối với cả hai bên, đây cũng là một trận thủy chiến lớn trong bối cảnh đương thời.

Những trận thủy chiến vang dang sử Việt trong cuốn Quân đội Tây Sơn- Lịch sử bằng hình ảnh.

Những trận thủy chiến vang danh sử Việt trong cuốn Quân đội Tây Sơn- Lịch sử bằng hình ảnh.

Cửa Thị Nại nhìn từ núi Tam Tòa (Hải Minh) về phía Tp.Quy Nhơn ngày nay. Ảnh: Dũng Nhân

Cửa Thị Nại nhìn từ núi Tam Tòa (Hải Minh) về phía Tp.Quy Nhơn ngày nay. Ảnh: Dũng Nhân

Đối với quân nhà Tây Sơn, thành Hoàng Đế đã bị nhà Nguyễn chiếm, quân Tây Sơn cần phải giữ được cửa Thị Nại để lấy lại thành, lấy lại vùng đất phát tích của nhà Tây Sơn, kinh đô cũ. Đồng thời, việc giữ được cửa Thị Nại, bảo vệ cửa Thị Nại lấy lại thành Hoàng Đế là bảo vệ cho kinh đô Phú Xuân. Từ khi kinh đô Phú Xuân thành lập thì thành Hoàng Đế chính là căn cứ chiến lược quan trọng ở phía Nam, bảo vệ từ xa cho kinh thành Phú Xuân.

Đối với quân đội nhà Nguyễn, vị trí này cũng quan trọng không kém. Quân nhà Nguyễn phải bắt buộc phải phá cửa Thị Nại để giải phóng được lực lượng của nhà Nguyễn trong thành. Lúc này, trong thành Hoàng Đế có võ tướng Ngô Tùng Châu và Võ Tánh đang ở trấn giữ.

Thuyền Đại Hiệu Định Quốc- thuyền chiến lớn của thủy quân Tây Sơn.  Ảnh minh họa từ cuốn

Thuyền Đại Hiệu Định Quốc- thuyền chiến lớn của thủy quân Tây Sơn. Ảnh minh họa từ cuốn "Quân đội Tây Sơn - Lịch sử bằng hình ảnh".

Theo TS. Nguyễn Công Thành, thời điểm đó ở cửa Thị Nại có ít nhất 2 thuyền Đại hiệu Định Quốc là thuyền chiến lớn nhất, hiện đại nhất của thủy quân Tây Sơn và khoảng 100 thuyền chiến nhỏ khác.

Theo ghi chép sử liệu triều Nguyễn và các giáo sĩ phương Tây, trong trận này, quân đội nhà Tây Sơn tương đối bị động. Mặc dù trận này do 2 tướng giỏi của nhà Tây Sơn cầm quân là Võ Văn Dũng và Trần Quang Diệu, nhưng nếu xét về tài cầm quân thì không thể so sánh với Hoàng đế Quang Trung được.

Thêm nữa, quân đội Tây Sơn lúc này ở thế thủ, chống đỡ, bảo vệ cửa Thị Nại, khó khăn hơn với quân đội nhà Nguyễn từ ngoài biển đánh vào. Thêm một chi tiết nữa để thấy quân đội chính quyền Nguyễn Ánh ở thế chủ động hơn đó là việc họ sử dụng hỏa công, tuy nhiên việc sử dụng và tận dụng lợi thế của hỏa công như thế nào cần phải được nghiên cứu, làm rõ hơn.

Trong khi đó, sử gia Tạ Chí Đại Trường mô tả, trận Thị Nại 1801 thủy quân Gia Định do Nguyễn Ánh trực tiếp chỉ huy đánh bại hạm đội Tây Sơn, quân Tây Sơn mất uy thế trên biển, không thể tiếp tục yểm trợ cho quân trên bộ. Từ đây, thủy quân Gia Định tung hoành ra lấy Phú Xuân, mà không bị kiểm soát.

Hiện nay, đầm Thị Nại trở thành một điểm thăm quan, du lịch nổi tiếng ở Tp.Quy Nhơn. Ngành du lịch tỉnh Bình Định đã khảo sát và xây dựng được tour du lịch mới trên đầm Thị Nại gồm khám phá làng chài Hải Minh, tham quan tháp Thầy Bói, check-in và tìm hiểu lịch sử tại khu vực tượng đại Đức Thánh Trần Hưng Đạo...

Làng chài Hải Minh, nơi nhìn bao quát trong đầm Thị Nại, ngoài vịnh Quy Nhơn, biến cửa Thị Nại thành một trong những vị trí chiến lược quan trọng giữa quân đội Tây Sơn và quân đội nhà Nguyễn thời bấy giờ. Ảnh: Thu Dịu

Ảnh: Dũng Nhân

Tour bắt đầu tư Bảo tàng tỉnh tới cảng cá Hàm Tử, di chuyển bằng thuyền tới làng chài Hải Minh, trên dãy núi cao phía có tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo là điểm bắt đầu của lũy cổ phòng thủ trên núi Tam Tòa. Ngay dưới chân tượng đài Đức Thánh Trần, nơi đặt chốt phòng thủ, nơi quan sát bao quát trong và ngoại vịnh Quy Nhơn, chúng ta sẽ phần nào hiểu hơn về những cứ điểm quan trọng cả về quân sự lẫn giao thương, những câu chuyện về người xưa giữ biển sẽ được tái hiện.

Người con xứ võ Bình Định mê kể lịch sử quân đội Tây Sơn bằng hình ảnhNgười con xứ võ Bình Định mê kể lịch sử quân đội Tây Sơn bằng hình ảnh

Dù làm việc cho một công ty nước ngoài trong lĩnh vực marketing ở Tp.Hồ Chí Minh, nhưng Đào Nguyên Khánh (38 tuổi, quê Bình Định) vẫn đam mê viết sách về quân đội Tây Sơn bằng hình ảnh, đem đến góc tiếp cận mới mẻ, hấp dẫn...


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.