Cầu kỳ công đoạn soạn thư, bắt vít
Cách đây gần 40 năm, ông Vũ Mão đã chỉ đạo phong trào thanh niên cả nước cùng các lực lượng trên công trường đóng góp sức mình xây dựng công trình nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Công trường xây dựng nhà máy Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà ngày ấy mang tên Công trường Thanh niên cộng sản. Thời kỳ này, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn... Tuy vậy, chúng ta vẫn giữ mục tiêu xây dựng đất nước, phát triển đất nước.
“Trước nhận định điện có vai trò vô cùng quan trọng, một số nhà máy điện đã được xây dựng như nhà máy nhiệt điện Phả Lại, nhà máy Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà. Trong đó nhà máy thủy điện Hòa Bình trên sông Đà là công trình vô cùng lớn, lại đặt ngầm ở trong núi nên đòi hỏi điều kiện kỹ thuật rất cao. Đây cũng là yêu cầu đề phòng khi chiến tranh xảy ra sẽ giữ được an toàn cho công trình”, ông Vũ Mão kể.
Trong điều kiện công trình thủy điện rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ông Vũ Mão khi ấy là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã đề nghị với Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ bây giờ - PV) và được Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đồng ý giao cho thanh niên tham gia đóng góp, xây dựng công trình này và được mang tên là Công trường Thanh niên cộng sản.
Mùa xuân năm 1983, một hoạt động ý nghĩa mang tên Festival Thanh niên Việt Nam và Liên Xô lần thứ V được tổ chức tại TP.HCM. Khi đó, ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Việt Nam đã mời ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Lênin Liên Xô do đồng chí V.M.Misen dẫn đầu sang dự.
Trước khi vào TP.HCM, đoàn đã lên thăm công trường sông Đà. Đồng thời, dự lễ công bố bức thư thế kỷ của thế hệ thanh niên hôm nay gửi thế hệ thanh niên mai sau.
Nói về lý do xuất hiện lá thư gửi hậu thế, ông Vũ Mão cho hay: “Lao động trên công trường đòi hỏi cường độ, năng suất, kỹ thuật rất cao. Trong đó phải kể đến một tấm gương, một con người tiêu biểu là Tổng chuyên viên Liên Xô Bagachencô. Ông là người tâm huyết, mẫu mực, ngày đêm lặn lội trên công trường. Về đêm, ông thường lên công trường đi vào các tuyến đào hầm để kiểm tra đôn đốc công việc, và yêu cầu tất cả mọi người tập trung làm việc để kịp tiến độ. Những ngày tháng ấy đòi hỏi hàng vạn người trên công trường phải quyết tâm, phải hy sinh để đảm bảo tiến độ của công trường...”.
Trước quá trình làm việc trên công trường, Tổng chuyên viên Bagachencô thường tâm sự, theo thông lệ ở Liên Xô và một số nước trên thế giới, những người xây dựng các công trình lớn, ghi dấu ấn thế kỷ, thường viết một lá thư gửi thế hệ mai sau. Thấy đây là ý tưởng hay và mang ý nghĩa huyền thoại nên lãnh đạo Tổng công ty đã báo cáo lên đồng chí Đỗ Mười, khi đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng Thủy điện Hòa Bình và được đồng ý.
Lá thư này được giao cho một số một số nhà văn, nhà báo nổi tiếng gồm nhà văn Thép Mới và một số người khác soạn thảo. Mỗi người thể hiện theo cách riêng của mình sau đó chắt lọc, tập hợp các ý kiến đóng góp của cả đại diện Việt Nam và Liên Xô. Sở dĩ công phu như vậy là để lá thư mang trí tuệ, trái tim khối óc của thế hệ xây dựng công trường Thủy điện Hòa Bình năm ấy.
Vinh dự được cùng 3 đồng chí khác đưa lá thư vào trong khối bê tông, ông Vũ Mão cảm thấy vô cùng hào hứng, phấn khởi. “Lá thư đó được cất trong một ống thép, bọc rất kín để giữ độ bền. Để có ý nghĩa hơn, công trường đã chọn 4 người tiêu biểu để vít ốc, gắn tấm biển “Nơi đặt lá thư gửi thế hệ đời sau” vào khối bê tông.
Sau khi cân nhắc, phía Liên Xô đã chọn đồng chí Misen - Bí thư thứ nhất đoàn Thanh niên cộng sản Liên Xô và phi công vũ trụ thứ hai của Liên Xô là chị Xavitxkaia. Phía Việt Nam, Tổng giám đốc tổng công ty Sông Đà Ngô Xuân Lộc và tôi”, ông Vũ Mão chia sẻ thêm thông tin về những người được lựa chọn để vít biển lên khối bê tông.
Tại sao năm 2100 mới được mở?
Cho đến tận bây giờ lá thư gửi hậu thế vẫn là một ẩn số, tuy nhiên ông Vũ Mão cũng hé lộ: “Lá thư gửi thế hệ tương lai có phần nói về những con người sống lạc quan yêu đời, đã chiến đấu gian khổ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những con người đã vượt Trường Sơn năm xưa và hôm nay đang đóng góp để xây dựng nhà máy Thủy điện Hòa Bình.
Ý thứ hai trong lá thư có đoạn, chúng tôi làm việc đó cho thế hệ hôm nay nhưng cũng là cho thế hệ mai sau, cho sự phồn vinh đất nước. Chúng tôi tự hào về những việc mình làm, về Công trường Thanh niên cộng sản và càng tự hào về truyền thống cha anh trong sự nghiệp giữ gìn và xây dựng đất nước. Hy vọng, các thế hệ mai sau sẽ nhớ tới chúng tôi, nhớ tới công trình thủy điện Hòa Bình, nhớ tới Đoàn thanh niên cộng sản, để các bạn tự hào và nối tiếp con đường của cha ông”.
Trước nhiều ý kiến thắc mắc về dấu mốc năm 2100, ông Vũ Mão cho hay: “Các nhà kỹ thuật tính toán đến năm 2100 lượng phù sa sẽ đổ dồn về, bùn cát dâng lên khiến nhà máy Thủy điện không thể phát điện được nữa. Nếu muốn tiếp tục khai thác thì phải nạo vét công trình.
Ý tưởng ban đầu là đưa lá thư đó vào tảng bê tông rồi ném xuống đáy dòng sông. Điều này, tượng trưng cho lần đầu lấp sông, cần có những tảng bê tông lớn để không bị dòng nước cuốn trôi mất. Nhưng, nếu ném xuống đáy dòng sông, thì hơn 100 năm sau không biết khi lấy được bức thư, nó có còn nguyên vẹn hay đã bị mục nát?
Cuối cùng, mọi người đã lựa chọn đặt tảng bê tông trên nhà điều hành của Thủy điện Hòa Bình (khu truyền thống hiện nay – PV) để mọi người có thể đến tham quan, chiêm ngưỡng. Sân truyền thống của Thủy điện Hòa Bình cũng tạo nên một điều rất thú vị, thu hút sự tò mò của khách tham quan”.
Kể từ ngày vinh dự được vít biển gắn lên khối bê tông đặc biệt đó, ông Vũ Mão cũng thường xuyên lên thăm lại nhà máy Thủy điện Hòa Bình vào những dịp kỷ niệm 10 năm, 20 năm, 30 năm. Mỗi lần lên đó, ông cũng đều ngắm nhìn khối bê tông có chứa lá thư thế kỷ gửi hậu thế với niềm vui chan chứa.
Dù phải chờ đến năm 2100, nội dung chi tiết của lá thư gửi hậu thế mới được hé lộ, tuy nhiên, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cũng nêu thông điệp mà ông muốn gửi gắm thông qua công trình Thủy điện Hòa Bình: “Tôi muốn nói đến bài học lớn về việc phát huy sức mạnh tổng hợp, bài học về phong trào thanh niên phải có những sáng kiến, phải có những quả đấm thép.
Trong thời buổi hiện nay, thanh niên cần tiếp tục phát huy sáng kiến mới, phong trào tình nguyện, đặc biệt trong thời đại 4.0 đòi hỏi thanh niên phải đi vào mũi nhọn đó, khởi nghiệp, lập nghiệp cũng phải trên tinh thần 4.0 để đi trước đón đầu”.