Trận lũ lịch sử hơn 30 năm nay
Cuối tháng 9/2023, Trường Mầm non Châu Thắng, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An hứng chịu một cơn lũ lớn. Dù nó đã đi qua rất nhiều ngày, các giáo viên, phụ huynh cùng với lực lượng công an, bộ đội cũng rất tích cực tiến hành dọn dẹp nhưng nơi đây vẫn còn ngổn ngang. Bùn đất đã làm hỏng toàn bộ hồ sơ của nhà trường, đồ dùng học tập, tivi, tủ lạnh, máy tính, các phòng học đều bị ảnh hưởng và hư hỏng... Ước tính thiệt hại lên đến 2,5 tỷ đồng.
Cô giáo Sầm Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Châu Thắng cho biết, điểm trường bị ngập sâu trong nước hơn 2,2m, sau khi nước rút bùn ngập dày 60cm. “Điều chúng tôi lo lắng là thiết bị dạy học đã bị cuốn trôi và hư hỏng phần lớn, thiếu hụt trước mắt không biết khi nào mới bù đắp được”, cô Huyền nói.
Các giáo viên ở trường nói rằng, từ cơn lũ năm 2007 đến nay, đây là lần thứ hai họ phải chứng kiến cơn lũ khủng khiếp đến vậy.
Điều đáng nói, lũ năm nay lên nhanh hơn rất nhiều so với hàng chục năm trước, khiến tất cả người dân đều không kịp trở tay.
Ông Lê Hải Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu khẳng định, đây là trận lũ mang tính lịch sử, cường độ và mức độ càn quét lớn nhất trong vòng 30 năm trở lại đây. Sơ bộ toàn huyện Quỳ Châu có trên 5.000 người phải di dời khẩn cấp; 1.210 nhà/30 khối bản bị ngập, nhiều nhà ngập sâu từ 1 - 5m; lúc cao điểm có 3 xã, 6 bản bị cô lập hoàn toàn, lực lượng chức năng không thể tiếp cận; nhiều điểm trên tuyến Quốc lộ 48A, Quốc lộ 48D, Tỉnh lộ 544 bị chia cắt, sạt lở nặng nề...
“Quỳ Châu có địa hình hiểm trở, nhiều núi cao bao bọc tạo nên những thung lũng nhỏ, hẹp, địa hình có nhiều lượn sóng theo hướng tây bắc xuống đông nam. Các khe suối đổ về sông Hiếu tạo thành lòng máng. Khi có lượng nước đổ xuống mạnh thì dân cư ở bên cạnh sông và khu vực hạ du chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên”, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết.
Tuy nhiên, nếu chỉ mưa lớn thì tình trạng ngập diện rộng sẽ không xảy ra, nguyên nhân là do nước dồn dập trên thượng nguồn chảy về nên các nhà máy thủy điện trên tuyến Quốc lộ 48 phải đồng thời xả lũ cấp tập (3 nhà máy thủy điện là Châu Thắng (xả 2.500m3/s); Nậm Pông, Nhạn Hạc).
Trong đó, Thủy điện Nhạn Hạc có công suất 59 MW, đóng tại xã Mường Nọc, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An nằm phía trên huyện Quỳ Châu, dự kiến vận hành điều tiết hồ bắt đầu từ 5h30 ngày 27/9. Nhưng do lưu lượng nước về hồ tăng đột biến nên nhà máy xả tăng cường qua 2 cửa van tràn xả sâu lúc 2h ngày 27/9 (khi nước hồ đạt đến cao trình 312,0m).
Cũng vì vậy, Thủy điện Châu Thắng đóng tại huyện Quỳ Châu dự kiến xả nước hồ lúc 4h ngày 27/9. Tuy nhiên do lưu lượng nước về hồ tăng đột biến và Thủy điện Nhạn Hạc xả khẩn cấp theo Thông báo số 2709/2023/TB-NMNH nên Nhà máy Thủy điện Châu Thắng xả khẩn cấp vào lúc 2h35 ngày 27/9.
Điều đáng nói, từ thời điểm ra thông báo đến khi xả chỉ vài giờ đồng hồ, lại diễn ra giữa đêm nên nhiều người dân không kịp trở tay. “Trung bình 1 tiếng đồng hồ nước dâng lên cả mét, vì vậy đến rạng sáng thì có những nhà nằm gần sông đã ngập lút nóc. Tất cả đều chỉ kịp bồng bế con nhỏ chạy thoát thân, đồ dùng, vật dụng đành bỏ lại”, ông Lý cho biết thêm.
Thấp thỏm dưới chân thủy điện
Cũng bị ảnh hưởng lớn từ các đợt lũ 6 tháng đầu năm 2023, tại một số địa phương tỉnh Thanh Hóa, người dân cũng đang hằng ngày sống thấp thỏm dưới chân thủy điện. Thượng nguồn sông Mã hiện có nhiều thủy điện “mini”. Ngoài lợi ích kinh tế, các thủy điện này có nguy cơ gây nhiều bất cập tới môi trường sống xung quanh.
Khoảng 7h sáng 27/9, người dân xã Cẩm Giang và Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy tỉnh Thanh Hóa bừng tỉnh sau thông báo của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông (Intracom) về việc, xả lũ hồ chứa Nhà máy Thủy điện Cẩm Thủy 1 trên sông Mã (thuộc địa phận xã Cẩm Giang, huyện Cẩm Thủy) nhằm đảm bảo hoạt động của nhà máy.
Theo đó, Nhà máy sẽ xả lũ với lưu lượng từ 900m3/s đến 1.500m3/s, tùy tình hình diễn biến thực tế. Thời gian xả lũ bắt đầu từ 9h sáng 27/9 tới 24h ngày 30/9. Đáng chú ý, từ khi nhận được thông báo người dân các xã trên chỉ còn khoảng thời gian gần 2 giờ đồng hồ để chuẩn bị tư thế “chiến đấu” với giặc lũ.
Theo phản hồi từ một số người dân tại khu vực hạ lưu Thủy điện Cẩm Thủy 1, thông báo này từ phía nhà máy là quá gấp gáp, gây khó khăn cho công tác di dời, bảo vệ con người và tài sản, khi thời gian thông báo và xả lũ chỉ trong khoảng 3 giờ đồng hồ nên nếu có vấn đề gì thì "không kịp trở tay".
Thông tin với Người Đưa Tin, một lãnh đạo xã Cẩm Giang cho biết, lúc đó, khoảng gần 7h sáng, xã nhận được thông báo từ phía nhà máy. Sau đó phía xã nhanh chóng thông báo lên loa phát thanh và chỉ đạo các thôn trưởng nhắc nhở thông báo cho người dân biết.
Cũng theo thông tin ghi nhận từ phía xã Cẩm Giang, sau khi xả lũ mực nước sông Mã tại khu vực có tăng nhưng chưa xuất hiện tình trạng gập lụt và gây thiệt hại nhiều về tài sản cho người dân trên địa bàn.
Lý giải về quy trình phát thông báo, lãnh đạo nhà máy Thủy điện Cẩm Thủy 1 cho biết, sau khi có quyết định xã lũ, phía nhà máy sẽ gửi nhanh thông tin văn bản lên nhóm mạng xã hội, trong đó gồm có đại diện lãnh đạo các xã phía hạ du có liên quan.
Đồng thời, do Nhà máy Thủy điện Cẩm Thủy 1 là nhà máy cột nước thấp chỉ duy trì tới một mực nước tối đa 25,5m, nên gần như không thể tích nước như các thủy điện lớn, vì vậy, việc xả lũ sẽ phụ thuộc chủ yếu vào thông báo xả từ Nhà máy thủy điện Bá Thước 2 ở phía thượng nguồn. Quy trình mỗi khi Nhà máy Thủy điện Bá Thước 2 có thông báo xả thì dưới này phía nhà máy sẽ xem xét thông báo xả và không chủ động được.
Như vậy, ngoài Thủy điện Trung Sơn có hồ chứa nước để điều tiết lũ, thì các nhà máy thủy điện còn lại trên thượng nguồn sông mã đều là các thủy điện công suất nhỏ, không có hồ chứa (thủy điện mini) tương tự như Thủy điện Cẩm Thủy 1.
Việc xuất hiện các nhà máy thủy điện này còn gây một số tác động tiêu cực trong việc tiêu thoát lũ, nguy cơ xung đột lợi ích kinh tế, ảnh hưởng môi trường sống xung quanh cần xem xét.
Nhóm PVMT
(Còn nữa)