Khi xả lũ, dân bất lực nhìn tài sản bị nhấn chìm
Trong đợt lũ hồi cuối tháng 9/2023, 4 xã của Nghệ An chịu ảnh hưởng nặng nề nhất đều nằm bên cạnh sông Hiếu gồm: Châu Tiến, Châu Thắng, thị trấn Tân Lạc và Châu Hạnh. Theo người dân, trước đây dòng sông chưa hung hãn như bây giờ, tuy nhiên khoảng chục năm trở lại đây thời tiết diễn biến thất thường, cộng thêm thủy điện Châu Thắng đi vào vận hành dẫn đến dòng chảy biến đổi không ngừng, rất khó đoán.
Nhà ông Trần Đình Quang ở bản Minh Tiến, xã Châu Tiến là một trong hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng kể từ khi thủy điện Châu Thắng hoạt động. Ông Quang cho biết, cách khu vực này khoảng 3km về phía thượng lưu sông Hiếu là nhà máy thủy điện Châu Thắng. Mỗi lần mưa lớn, thủy điện xả lũ, những hộ dân này lại phải hốt hoảng tháo chạy đến nơi an toàn.
Ông Sầm Thanh Hoài, Chủ tịch UBND xã Châu Tiến cho biết, trận lụt cuối tháng 9/2023 chuyển biến quá nhanh, đêm 26/9 tình hình vẫn trong tầm kiểm soát, nào ngờ chỉ vài tiếng sau khi thủy điện Châu Thắng thông báo xả lũ thì toàn bộ đã ngập chìm trong biển nước.
Riêng bản Minh Tiến có khoảng 130 hộ bị ngập nặng, bao gồm 22 hộ có nhà sát mép bờ sông. Người dân phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn, trong đó có một số đến nhà người thân, còn lại tập trung tại nhà văn hóa để tránh lũ. “Thời điểm đó, khi nước cơ bản đã rút, mọi người trở về dọn dẹp nhà cửa. Tuy nhiên bùn ngập gần mét nên việc khắc phục hậu quả rất gian nan. Lực lượng của xã cũng phải chia nhau ra để giúp người dân”, Chủ tịch UBND xã Châu Tiến cho biết.
Lúc tích nước, dân bị mất đất sản xuất
Nhà máy Thủy điện Chi Khê có tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần năng lượng Agrita – Nghệ Tĩnh, cao trình thiết kế đập thủy điện là 38m, công suất 2 tổ máy là 40MW, được khởi công từ năm 2013, tích nước phát điện vào năm 2019, tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.
Tuy nhiên, thời điểm thủy điện này tích nước đã khiến nhà của 16 hộ dân xã Cam Lâm bị ngập, có nguy cơ sạt lở gây mất an toàn. Ngoài ra, việc tích nước còn khiến 84 hộ dân mất nhiều diện tích đất nông nghiệp do bị nước nhấn chìm.
Bà Ngân Thị Chuyên ở bản Liên Hồng, xã Cam Lâm cho biết, gia đình đã làm nhà trên mảnh đất từ nhiều đời nay. Tuy nhiên, kể từ khi thủy điện Chi Khê bắt đầu tích nước, ngôi nhà của bà Chuyên có nguy cơ chìm xuống lòng hồ. “Trước đây, nhà tôi cách bờ sông Lam đến hàng trăm mét, nhưng gần đây, mực nước chỉ cách móng nhà chừng vài mét. Nguy hiểm thế, nhưng do chưa được đền bù nên tôi vẫn phải chấp nhận sống như thế này”, bà Chuyên nói.
Về việc này, ông Lô Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Cam Lâm, huyện Con Cuông thông tin, vào năm 2017, khi thủy điện tích nước thử, mới chỉ đến cao trình 36,5m đã ngập hơn 100 ha đất của người dân nằm ngoài quy hoạch lòng hồ.
Sau đó, huyện Con Cuông phải khẩn cấp phát văn bản yêu cầu phía thủy điện dừng tích nước để đảm bảo an toàn cho người dân đồng thời để điều chỉnh quy hoạch. Sau khi điều chỉnh bổ sung diện tích khu vực bị ảnh hưởng xong, thủy điện tích nước đến cao trình 38m thì lại tiếp tục phát sinh thêm nhiều diện tích khác. “Không hiểu họ khảo sát thế nào nhưng hiện có trên 100 hộ dân ở trên cao trình 38m bị ảnh hưởng do thủy điện tích nước chưa được đền bù. Hiện xã đang kiến nghị huyện, công ty thủy điện tiến hành khảo sát, đưa vào quy hoạch để đền bù thỏa đáng cho người dân”, ông Hiền nói.
Ở phía bên kia sông Lam, từ khi thủy điện Chi Khê tích nước, hàng trăm hộ dân xã Châu Khê cũng vô cùng bức xúc khi đất sản xuất nằm ngoài mốc chỉ giới cao trình 38m nhưng vẫn bị ngập mà không được đền bù. Ngoài ra, ông Kha Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Châu Khê, huyện Con Cuông cho biết thêm: “Thủy điện Chi Khê tích nước đã khiến trên 100 ngôi mộ ở xã bị ngập khiến người dân bức xúc, bất bình. Hiện có 38 ngôi mộ của người dân bị ngập vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ, đền bù từ chủ đầu tư”.
Ông Lương Đình Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông xác nhận, do ban đầu phía chủ đầu tư nhà máy thủy điện đánh giá không chính xác mức độ ảnh hưởng của mực nước dâng khi tích nước, nhiều diện tích đất của người dân ngoài cao trình đã được phê duyệt bị ảnh hưởng, nhưng không có trong phương án đền bù. “Hiện huyện đã đề nghị chủ đầu tư thủy điện Chi Khê phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương phê duyệt diện tích phát sinh ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng sau khi tích nước lên cao trình 38m, để thực hiện bồi thường bổ sung thỏa đáng cho người dân”, ông Việt nói.
Dân khổ vì thủy điện chiếm đất, “treo” dự án nhiều năm
Cũng tại xã Châu Khê, huyện Con Cuông, chính quyền địa phương đang “đau đầu” khi dự án Thủy điện Suối Choang của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển điện MECO, có địa chỉ tại ngõ 102 Trường Chinh, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Tp.Hà Nội làm chủ đầu tư, bắt đầu được khởi công xây dựng vào năm 2009.
Dự án Thủy điện Suối Choang thuộc danh mục các dự án thủy điện được phê duyệt tại Quyết định số 155/QĐ-UBND.CN ngày 16/01/2008 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Nghệ An, với công suất lắp máy chỉ là 2,1MW, với tổng mức đầu tư 74,5 tỷ đồng. Dự kiến vào năm 2012, nhà máy sẽ hoàn thành đi vào hoạt động, hằng năm cung cấp 14,2 triệu kWh điện. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay đã 14 năm trôi qua vẫn chưa hoàn thành.
Việc dự án chậm tiến độ hơn một thập kỷ đã kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế xã hội cho địa bàn xã Châu Khê, đặc biệt là đời sống của hơn 400 hộ dân đồng bào dân tộc Đan Lai ở các bản Khe Nà, Khe Bu và cụm dân cư Khe Nóng, xã Châu Khê. “Các hộ dân nơi đây vẫn thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo. Nguyên nhân một phần đến từ dự án thủy điện Suối Choang kéo dài suốt 14 năm qua mà vẫn chưa xong. Dự án kéo dài khiến việc đầu tư hạ tầng cơ sở khó khăn, không làm đường vào các bản đó được. Vì thế, khu vực trong đó rất khó phát triển”, ông Kha Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Châu Khê cho biết.
Chính vì vậy, nhiều năm qua người dân nơi đây vẫn phải chịu cảnh thiếu thốn, chưa có điện lưới để sinh hoạt, đường giao thông đi lại khó khăn.
Nhóm PVMT
(Còn nữa)