Xử phạt nghiêm hành vi chiếm dụng đất
Trên địa bàn Nghệ An hiện có 32 dự án thủy điện lớn, nhỏ với tổng công suất 1.359,9MW được chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng. Trong đó có 22 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động với tổng công suất 934,9 MW. Các dự án đang được triển khai xây dựng nhà máy thủy điện đã lấy đi 5.687 ha đất rừng, 1.733,3 ha đất sản xuất nông nghiệp và hơn 1 nghìn ha đất khác.
Mới đây nhất, vào ngày 22/8/2023, UBND huyện Con Cuông đã ra quyết định xử phạt chủ đầu tư dự án thủy điện Suối Choang là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển điện MECO 30 triệu đồng vì hành vi chiếm đất.
Nguyên do là bởi công ty này đã có hành vi chiếm dụng hàng nghìn m2 đất mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật. Bao gồm: Đập dâng 3.536m2, nhà máy 475m2, trạm trộn 25m2, nhà bếp 50m2, nhà công vụ 151m2; với tổng diện tích đã chiếm là 4.237m2.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây Sở Công Thương Nghệ An cũng đã có công văn đề nghị Sở TN&MT làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của tổ chức, cá nhân có liên quan và vi phạm của chủ đầu tư đối với lĩnh vực đất đai. Bởi, hiện nay dự án chưa hoàn thành các thủ tục cho thuê đất theo quy định của pháp luật.
Ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết: “Hiện tại, Sở đang phối hợp với các ban ngành liên quan tập trung hoàn thiện hồ sơ cho doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp với các bên liên quan làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra vấn đề trên”.
Nhận diện những nguy cơ
Theo thống kê của Sở Công Thương Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh có 11 công trình thủy điện gồm: Trung Sơn (260MW), Thành Sơn (30MW), Bá Thước 1 (60MW), Bá Thước 2 (80MW), Cẩm Thủy (28 MW), Cửa Đạt (97 MW), Dốc Cáy (15MW), Bãi Thượng (6 MW), Xuân Minh (15MW), Trí Nang (5,4MW), Trung Xuân (10,5MW). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có thủy điện Hồi Xuân hiện đang trong giai đoạn xây dựng, chậm tiến độ chưa hoàn thành.
Ông Nguyễn Việt Huy, Trưởng phòng quản lý năng lượng, Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 11 công trình thủy điện, phần lớn là thủy điện vừa và nhỏ. Các thủy điện này chủ yếu phân bố trên dòng sông Mã, sông Chu. Đây là thủy điện bậc thang, vận hành theo quy trình liên hồ chứa. Ngoài thủy điện Trung Sơn và Cửa Đạt, các thủy điện còn lại đều không có hồ chứa hoặc hồ chứa rất nhỏ.
Năm 2023, trước mùa mưa lũ, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa và có nhiều văn bản chỉ đạo chủ đầu tư dự án thủy điện vận hành đảm bảo an toàn, đặc biệt trong mùa mưa lớn, dễ xảy ra nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Cụ thể, ngày 8/3/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về việc tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn hồ đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Sở Công Thương Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị chuẩn bị, bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, khắc phục khi có sự cố do mưa lũ gây ra. Đồng thời, khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với mưa lớn, lũ quét và các tình huống khẩn cấp đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.
Theo ông Huy, từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương Thanh Hóa và phòng Quản lý năng lượng đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quy trình vận hành của một số công trình thủy điện trên địa bàn. Kết quả, chưa phát hiện đơn vị vi phạm quy định, phương án được phê duyệt. Tuy nhiên, có một số tồn tại, hạn chế, cơ quan quản lý Nhà nước đã nhắc nhở, đề nghị đơn vị hoàn thiện đảm bảo tối đa theo yêu cầu.
Theo tìm hiểu của nhóm tác giả, tuy có các lợi ích kinh tế, góp phần cung cấp đảm bảo an toàn năng lượng quốc gia, thế nhưng với công suất không lớn như Nhà máy Thủy điện Cẩm Thủy khoảng 30MW, Thủy điện Bá Thước 1,2 trên dưới 50MW... cung cấp lượng điện hạn chế nhưng xuất hiện một số bất cập.
Về tác dụng điều tiết lũ, cơ bản các thủy điện nhỏ hoạt động không hồ chứa, vì vậy các thủy điện này gần như không có khả năng tích nước cắt lũ, hoặc trữ nước. Trong khi đó, các nhà máy này có nguy cơ tích nước mùa khô để phục vụ hoạt động sản xuất điện cho nhà máy, từ đó xung đột với lợi ích phục vụ tưới tiêu nông nghiệp cho bà con ở hạ du trong mùa khô.
Ông Phạm Minh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy cho biết, với chức năng giám sát, từ khi Thủy điện Cẩm Thủy 1 đi vào hoạt động từ năm 2018, hàng năm phía công ty và địa phương luôn duy trì các kênh liên lạc thường xuyên để kịp thời năm bắt thông tin, đồng thời cũng tổ chức nhiều đợt diễn tập phòng ngừa các nguy cơ phát sinh liên quan tới các sự cố.
Theo ông Vũ, việc xuất hiện công trình thủy điện mini cùng khiến địa phương phải liên tục theo dõi sát sao, đồng thời đề nghị phối hợp điều tiết lưu lượng nước phục vụ tưới tiêu cho bà con, nhất là trong mùa khô. “Tại các thời điểm mùa khô, chúng tôi thường xuyên trao đổi với phía nhà máy để cân bằng lợi ích kinh tế của doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng phải điều tiết lượng nước xả phục vụ tưới tiêu cho bà con ở phía hạ lưu”, ông Vũ cho biết.
Việc xây dựng dày đặc các thủy điện mini ngoài cản trở trong hành lang thoát lũ còn gây cản trở lớn trong hoạt động giao thương bằng đường thủy về chiến lược lâu dài. Thực tế, tại Nhà máy Thủy điện Cẩm Thủy, trong quá trình thiết kế vẫn trừ một khoảng hành lang hẹp, dùng cho các phương tiện nhỏ lưu thông. Theo chia sẻ từ nhà máy, tại hành lang này các phương tiện đi qua phải đăng ký mất khoảng hàng giờ đồng hồ để phía nhà máy có thể tiến hành các biện pháp kỹ thuật trung chuyển phương tiện qua.
Về mặt môi trường sống tự nhiên, vì quy mô nhỏ, không hồ chứa nên sự ảnh hưởng tới các khu vực môi trường xung quanh là chưa rõ nét. Tuy nhiên, việc ngăn dòng về lâu dài cũng sẽ có nguy cơ làm biến đổi căn bản những hoạt động, tập tính sinh sống của một số loại di cư.
Nhóm PVMT