Khán giả yêu thích phim truyền hình chắc hẳn vẫn chưa quên bộ phim Thủy hử nổi tiếng của Đài Truyền hình Trung Ương Trung Quốc sản xuất năm 1996. Cảnh quay hoành tráng, những trường đoạn chiến đấu đẹp mắt, nội dung hấp dẫn, diễn viên diễn xuất hoàn hảo, đó là những yếu tố làm nên tuyệt tác truyền hình này. Và còn một yếu tố không thể bỏ qua nữa, đó chính là bài hát cuối phim - Hảo hán ca do ca sĩ Lưu Hoan thể hiện. Chất giọng hùng tráng có phần hoang dã của nam ca sĩ này như mở ra trước mắt chúng ta một Lương Sơn Bạc khí thế ngút trời với 108 vị anh hùng bất hủ.
Mở đầu cho tác phẩm Thủy Hử, nhân vật đầu tiên được đề cập không phải là một trong các vị anh hùng Lương Sơn, mà là Cao Cầu. Một kẻ tiểu tốt, nhưng gian tham độc ác do ăn may mà dần được thăng quan tiến chức, quá trình hắn được trọng dụng chính là lời tố cáo cho sự thối nát của một vương triều Bắc Tống, khi hoàng đế Tống Huy Tông ham chơi, đam mê tửu sắc, bỏ mặc triều chính, gian thần làm loạn.
Từ một thảo dân lông bông, Cao Cầu gặp may hết lần này tới lần khác, trở thành sủng thần của vua Tống Huy Tông và được phong chức Thái uý. Mối liên kết giữa các gian thần Cao Cầu, Lương Trung Thư, Vương Tiễn… và bộ máy quan lại tham lam, xảo quyệt, độc ác bên dưới đã làm hại các trung thần của triều đình. Lúc này chính là thế loạn tạo kì tài, thời cuộc xuất anh hùng.
Lần lượt là những bậc thượng võ tài cao, mưu cơ chiến lược như: Lâm Xung, Võ Tòng, Dương Chí, Tống Giang, Hoa Vinh…xuất hiện, họ là những con người tài năng kiệt xuất, chí lớn tận trung, chí khí ngang tàn, một bậc quân tử ngạo nghễ. Nhưng quân tử chẳng thắng nổi kẻ tiểu nhân, gian thần làm loạn khiến họ lần lượt phải bỏ sự nghiệp đi lên Lương Sơn Bạc.
Cũng có những anh hùng xuất thân nơi thôn dã, không có chức vụ quyền hành nhưng bất bình với sự áp chế, bóc lột của quan lại địa phương như Lý Quỳ, Sử Tiến, Lưu Đường… nên đã ra tay cứu giúp người hoạn nạn hoặc tự cứu bản thân mình, trở thành người phạm tội với triều đình và cũng lên Lương Sơn.
Nhưng cũng có những anh hùng mang thân liễu yếu đào tơ, nhưng trí lực đều vẹn toàn. Mang trong mình sự cảm thương với bá tính, khao khát lập lại thời thế để chấm dứt đau khổ, nhũng loạn cho dân đó là: Cố Đại Tẩu, Hỗ Tam Nương và Tôn Nhị Nương.
Nơi bến nước anh hùng quy tụ tạo nên sức mạnh vô song. Giống như giai điệu đầu của bản nhạc, là hào khí chí lớn tụ hợp. Lòng người sôi sục vì chính nghĩa, “quan bức thì dân phản” đó là lẽ thường ở đời. Và bến nước ấy như đánh dấu cho những anh hùng hào kiệt từ nay xin hành việc nghĩa, trọng nghĩa khinh tài, lấy đại cục làm trọng, vì dân tình mà hành sự.
108 vị anh hùng Lương sơn bạc mỗi người một vẻ, mỗi người một gia cảnh, mỗi người một tài năng, nhưng điều lớn lao ở họ chính là những bậc anh hùng coi trọng: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Ôm chí lớn nghiệp lớn, hành tẩu giang hồ có nguyên tắc, họ mang sức mạnh của một mãnh thú, nhưng trái tim ẩn sâu là trung quân ái quốc.
Bản nhạc được ví như tiếng trống trận hào hùng, bất bại của những anh hùng Lương Sơn. Sau mỗi chiến công vang dội, chén rượu nghĩa tình kết chặt tình thân, khiến sức mạnh kia như một mũi tên nghìn hướng, sức mạnh vô song.
Bản anh hùng ca với hào khí mang theo lột tả cho người nghe không chỉ là sức mạnh vô bờ bến của đội quân Lương Sơn, mà còn phản ánh được trí tuệ, tài thao lược của những vị tướng siêu xuất dụng binh.
Ngỡ tưởng những anh hùng chỉ thỏa mãn với những chiến công và hưởng thụ cá nhân, nhưng phía sau là những nỗi niềm sâu thẳm, những khao khát được sống một cuộc sống danh chính ngôn thuận, được dùng tài năng mà tận trung báo quốc. Nỗi lòng người quân tử mấy ai tỏ tưởng khi đám gian thần như loài ác thú.
Dẫu kết cục của Thủy Hử có như thế nào, thì người đời dường như đã hiểu, anh hùng chí lớn, nghiệp lớn, thì lợi ích nhỏ nhoi bản thân mình không được xem trọng, mà phải lấy xã tắc muôn dân mà làm đại cục, đó mới thể hiện chí khí cao thượng của bậc kì tài, anh hùng lỗi lạc.
Video: Nhạc khúc Hảo hán ca do ca sĩ Lưu Hoan thể hiện.
Quốc Tiệp