Do ảnh hưởng quá sâu rộng của Thủy hử truyện -một trong "tứ đại danh tác" của Trung Hoa, cộng thêm tác động của các loại hình nghệ thuật khác như hý kịch, sân khấu dân gian, phim ảnh..., nhiều nhân vật trong Thủy hử truyện đã được hình tượng hóa và khác xa chính sử. Bên cạnh những nhân vật hư cấu, một số nhân vật có thật trong lịch sử đã bị lắp ghép, thêm thắt, thậm chí làm sai lệch khiến cả gia tộc bị hàm oan suốt mấy trăm năm.
Theo Thủy hử truyện của Thi Nại Am và Kim bình mai của Tiếu Tiếu Sinh, Phan Kim Liên nguyên là hầu gái trong nhà một đại gia. Lim Liên có nhan sắc hơn người nhưng do không chịu làm thiếp cho chủ già nên bị bức phải lấy Võ Đại Lang, anh Võ Tòng, một người vừa lùn vừa xấu xí, làm nghề bán bánh bao.Em trai Võ Đại Lang là Võ Tòng nhưng lại khác hẳn người anh trai. Võ Tòng là anh hùng tuấn tú, nổi tiếng khắp thiên hạ. Sau khi gặp Võ Tòng, chị dâu Phan Kim Liên đã thật sự bị "hớp hồn". Vốn tính lẳng lơ nên Phan Thị Kim Liên ra sức quyến rũ nhưng bị Võ Tòng cự tuyệt.Nhân lúc Võ Tòng đi Đông Kinh, do người láng giềng là Vương Bà dắt mối, Phan Kim Liên đã gian dâm với Tây Môn Khánh, một tên công tử khét tiếng ăn chơi trong vùng.Cũng theo Thủy hử, vì muốn dan díu lâu dài với Tây Môn Khánh nên Phan Kim Liên với sự giúp đỡ của Vương Bà đã bỏ thạch tín vào bát canh và giết chết Võ Đại Lang. Võ Tòng trở về biết chuyện đã chém chết ả ngay tại chỗ rồi đi giết Tây Môn Khánh...
Mặc dù trong suy nghĩ của rất nhiều người Phan Kim Liên là biểu tượng cho hình ảnh một người phụ nữ lẳng lơ giết chồng theo trai nhưng vẫn có nhiều tài liệu lịch sử đi ngược lại với quan niệm này. Nhiều nhà làm sử đã quyết tâm "minh oan" cho mỹ nhân vốn mang nhiều "tội đồ" này.
Theo một số tài liệu gần đây vừa công bố thì Phan Kim Liên đã phải chịu oan khuất tột độ hàng trăm năm nay. Trái ngược với hình ảnh Phan Kim Liên lẳng lơ, dâm đãng trong Thủy hử truyện, Phan Kim Liên của lịch sử lại là một người vợ hiền dâu thảo, đẹp người tốt nết. Còn Võ Đại Lang lại là một người đàn ông thành đạt, cao lớn khỏe mạnh khỏe chứ không phải là một ông chồng yếu đuối, nhu nhược, xấu xí như miêu tả.
Theo sử sách, Võ Đại Lang tên thật là Võ Thực, cao hơn 1m78, người huyện Thanh Hà, Sơn Đông (nay là Hà Bắc, Trung Quốc). Võ Thực xuất thân cơ hàn nhưng thông tuệ hơn người, ngày đêm đèn sách.
Mai này Võ Thực thi đỗ tiến sĩ, làm Huyện lệnh huyện Dương Cốc, Sơn Đông. Còn Phan Kim Liên tên thật là Phan Thục Viên, là thiên kim của nhà Phan Tri Châu, trú ở Hoàng Kim Trang, cách Võ Gia Thôn 1,5 dặm.
Võ Đại và Phan Kim Liên kết hôn và có với nhau tới 4 người con và sống rất hạnh phúc. Phan Kim Liên nổi tiếng xinh đẹp và khuê các lại xuất thân từ con nhà quan nên những lề thói lễ nghĩa rất nghiêm chỉnh, không có chuyện Phan Kim Liên lẳng lơ như trong tác phẩm của nhà văn Thi Nại Am.
Không những thế, "nỗi oan" của Phan Kim Liên và Võ Đại còn được hậu duệ "kêu hộ" khi hậu duệ đời thứ 24 của Võ Đại là Võ Song Phúc đã từng kể lại một số tình tiết chưa xuất hiện trong các tài liệu.
Võ Song Phúc cho biết, theo một số tài liệu nội bộ gia đình ghi lại thì Phan Kim Liên và Võ Đại đã bị oan. Nỗi oan này xuất phát từ những câu chuyện bịa đặt của một người họ hàng xa nhà Võ Đại là Hoàng Đường. Được biết, do hận Võ Đại không giúp đỡ mình nên họ Hoàng đã bịa đặt nên những câu chuyện tày đình nhằm hạ thấp danh tiếng của gia đình Võ Đại.
Ông Võ Song Phúc kể, Hoàng Đường là bạn thân từ lúc nhỏ và thường chu cấp cho Võ Đại Lang ăn học. Sau này Võ Đại Lang đỗ đạt làm quan, còn Hoàng Đường chẳng học hành đến nơi đến chốn. Sau này gia cảnh sa sút nghèo khổ, mới đến Dương Cốc tìm bạn nhờ giúp đỡ.
Không ngờ ở liền mấy tháng vẫn không thấy Võ Đại Lang nói gì dù hằng ngày vẫn tiếp đãi tử tế. Hoàng Đường phẫn nộ, cho là phường vong ân bội nghĩa, bèn bỏ đi, đến đâu cũng bịa chuyện nói xấu vợ chồng Võ Đại Lang. Hoàng Đường còn viết chuyện đơm đặt dán khắp hang cùng ngõ hẻm, lại được người mà Võ Đại Lang từng trị tội là Tây Môn Khánh hỗ trợ nên câu chuyện ngày một lan xa.
Mai này Thi Nại Am đi qua vùng này liền chép lại những lời đồn đại trên vào tác phẩm Thủy hử mà ông sáng tác. Vì thế mới có chuyện Võ Đại Lang thân hình xấu xí, xuất thân nghèo kém, làm nghề bán bánh bao, còn Phan Kim Liên thì xinh đẹp nhưng lẳng lơ, giam dâm với Tây Môn Khánh và hai người đều bị Võ Tòng giết chết khi báo thù cho anh trai.
Về phần Hoàng Đường người tung tin đồn bôi xấu Võ Đại Lang vì cho rằng người này vong ân phụ nghĩa, khi trở về quê cũ thì thấy tại nơi mình ở mọc lên một ngôi nhà mới khang trang to đẹp nên mới ngạc nhiên hỏi vợ. Hoàng Đường chết lặng khi biết chính trong thời gian ở nhờ nhà Đại Lang, người bạn tốt đã âm thầm thuê người đến xây nhà cho hai vợ chồng mà không hề kể lể khoe khoang.
Biết được sự thật, Hoàng Đường tìm mọi cách đính chính những tin đồ xấu về bạn do mình bịa đặt, hòng cứu vớt danh dự võ Võ Đại Lang song không thành, xấu hổ nhục nhã nên đã thắt cổ tự tử.
Câu chuyện của Võ Song Phúc được nhiều sử gia tin là có thực. Bởi lẽ, theo truyền thống sáng tác tiểu thuyết thời Minh – Thanh, hầu hết các tác phẩm đều được các tác giả xây dựng dựa trên những câu chuyện lưu truyền trong dân gian, cộng thêm sự gia công của chính bản thân mình.
Câu chuyện ngoại tình của Phan Kim Liên được tác giả Thi Nại Am xây dựng trong Thủy hử đương nhiên cũng không ngoại lệ.
Tuy nhiên, cũng vì tạo nên sự thành công cho tác phẩm của mình, Thi Nại Am đã vô tình tạo nên tiếng xấu ngàn đời cho một người phụ nữ.
Lối viết ám chỉ lại dùng chính xác tên người, tên địa điểm có thật rất không nhân văn và không trung thực của nhà văn đã khiến nhân vật liên quan bị oan suốt bao năm tháng.
Chuyện oan uổng của gia tộc Võ và Phan ở Thanh Hà, Hình Đài cũng khiến cho con cháu của Thi Nại Am trăn trở.
Đang từ một người phụ nữ chính chuyên, xuất thân tiểu thư đài các, đang từ một câu chuyện tình yêu đẹp, cuộc hôn nhân êm ấm bỗng chốc biến thành chuyện xấu cho hậu thế khinh miệt.
Ngày 18 tháng 12 năm 2009, họa sĩ Thi Thắng Thần, hội viên Hội Mỹ thuật Trung Quốc, Phó hội trưởng Hội Nghiên cứu tranh liên hoàn tỉnh Hà Bắc, là hậu duệ dòng đích của Thi Nại Am đã đến đền thờ Võ Đại Lang ở Thanh Hà, Hình Đài.
Ông thay mặt cho hậu duệ của họ Thi bày tỏ sự xin lỗi và mong con cháu họ Võ, họ Phan tha thứ.
Cùng với việc xin lỗi nói trên, họa sĩ hậu duệ họ Thi đã xin đúc lại tượng Võ Đại Lang và Phan Kim Liên, vẽ 16 bức tranh liên hoàn và đề thơ xin lỗi treo trong từ đường.
Tại bức họa Phan Kim Liên, Thi Thắng Thần viết: "Kẻ hậu sinh từng kính họa 16 bức tranh chính truyền hai vị Võ và Phan treo nơi vách từ đường họ Võ để phá cái oan khuất bao đời cho thiên hạ rõ.
Nhưng nơi chín suối hai vị Võ, Phan hẳn không tha thứ cho tội làm hoen ố thanh danh trong Thủy hử truyện của tiên nhân... Nay kính xin chỉnh lại dung nhan, hoàn lại dáng hình vốn có. Nguyện hai vị Võ, Phan linh thiêng chứng giám. Họ Thi đốt hương kính bái".
Video: Võ Đại Lang bắt quả tang còn bị Tây Môn Khánh đánh.
Quốc Tiệp