Những anh hùng trong Thủy hử ngoài việc đều là những hảo hán, thấy chuyện bất bình rút đao tương trợ thì còn một điểm chung nữa, đó là tửu lượng vô cùng lớn. Mà trong những người có khả năng uống rượu cao siêu này thì tửu lượng của Võ Tòng là khiến cho người ta bái phục nhất.
Võ Tòng ngoại hiệu Hành giả là một nhân vật trong tiểu thuyết Thủy hử. Võ Tòng cũng xuất hiện trong Kim bình mai – một tác phẩm dựa trên câu chuyện của Thủy hử, và một số tác phẩm khác. Võ Tòng nguyên là thủ lĩnh núi Nhị Long và sau này tụ nghĩa ở Lương Sơn Bạc. Khi ở Lương Sơn, Võ Tòng là đầu lĩnh thứ 14, được sao Thiên Thương Tinh chiếu mệnh.
Thủy hử truyện đã nhiều lần miêu tả tửu lượng của Võ Tòng, có hai lần miêu tả khá nổi bật. Một lần khi ông uống liên tục mười tám chén rượu, ở một tiểu điếm “Uống ba chén không nên qua đồi” trên gò Cảnh Dương.
Một lần khác là lúc ông uống liên tục ba mươi chén rượu, sau đó đánh ngã tên ác bá ngang ngược Tưởng Môn Thần khét tiếng.
Khi nghe nói Võ Tòng có thể liên tục uống hết ba mươi chén rượu, có lẽ mọi người đều ngây ngất hoặc hoảng sợ. Nhưng ít ai biết rằng nồng độ cồn trong rượu mà Võ Tòng uống chỉ bằng với nồng độ cồn trong bia ngày nay của chúng ta.
Theo Secret China, trước thời nhà Nguyên, rượu mà con người uống đều là loại rượu được lên men từ cây lương thực, hơn nữa quá trình làm rượu cũng khá đơn giản: Đầu tiên chưng chín gạo rồi để nguội, sau đó đợi đến khi lên men tới một trình độ nhất định, tất cả gạo đều trở thành cặn rượu. Lọc bỏ cặn rồi đem rượu đóng kín vào bình. Ít nhất ba tháng, nhiều nhất một năm sẽ tạo thành rượu.
Với cách làm rượu này thì nồng độ rượu chỉ tầm 6 độ, nhiều nhất cũng sẽ không vượt quá 15 độ. Thời trung đại cách thức làm rượu đơn giản, dụng cụ thô sơ, nguyên liệu đơn giản, vì vậy rượu có nồng độ từ ba đến 5 độ cũng là chuyện thường thấy.
Trong các bộ phim cổ trang chúng ta thường thấy mọi người hay gọi Nữ Nhi Hồng. Thực chất Nữ Nhi Hồng chính là rượu được lên men, cũng là Hoàng Tửu mà ngày nay chúng ta thường hay nhắc đến. Loại rượu này được làm từ gạo nếp và đường đỏ lên men, cuối cùng tạo ra loại rượu có màu sắc ám vàng.
Hoàng Tửu ngày nay có nồng độ cồn từ 10-15 độ, nhưng Nữ Nhi Hồng năm đó ước tính chỉ dưới 10 độ. Hơn nữa uống vào còn có vị ngọt, khó trách các anh hùng thời đó đều thích uống. Bởi vậy trong các bộ phim cổ trang chúng ta thường thấy mọi người hay gọi Nữ Nhi Hồng.
Như vậy, rượu năm đó mà Võ Tòng uống chỉ từ 3-10 độ. Bia ngày nay chúng ta uống có nồng độ Etanol tầm 4,6-5 độ. Trên những lon bia chúng ta thường nhìn thấy “8°P”, “12°P”, đây không phải là hàm lượng Etanol trong bia, mà là độ rượu. Cho nên nói nồng độ Etanol của bia chỉ tầm 4,6-5 độ, cũng giống như nồng độ trong rượu mà Võ Tòng uống.
Vào thời Tống, chén rượu chỉ có thể tích tầm 200ml. Lon bia ngày nay có thể tích 330ml, có nghĩa là ba chén rượu mà Võ Tòng uống mới gần bằng 2 lon bia ngày nay của chúng ta.
Vì vậy 30 chén rượu mà Võ Tòng uống cũng tương đương với 18 lon bia ngày nay. Hiện giờ có lẽ rất nhiều người có thể uống được 18 lon bia.
Rượu trắng ngày nay
Rượu trắng ngày nay là rượu chưng cất, dùng công nghệ chưng cất, hòa lẫn cùng Etanol và một số hương liệu khác làm thành.
Mà nồng độ cồn trong rượu trắng tương đối cao, có thể lên tới hoặc hơn 40 độ, có người có thể uống mấy lon bia nhưng ngay cả một ly rượu cũng không thể uống được. Chính vì vậy mà Võ Tòng có xuyên không tới thời ngày nay thì cũng chưa chắc đã có thể uống được liên tục 30 chén rượu.
Rượu ở gò Cảnh Dương chỉ tầm khoảng 10 độ
Bối cảnh trong các quyển tiểu thuyết như Thủy hử truyện hay Thuyết nhạc toàn truyện, chúng ta thường thấy rất nhiều chi tiết các anh hùng ăn thịt, uống rượu vô cùng sảng khoái.
Trong Trung Quốc Tửu sử, nhà nghiên cứu Vương Tái Thời có nói, thật ra nồng độ cồn trong rượu vào thời Tống không cao. Ví dụ như Võ Tòng uống rượu trong tiểu điếm “Uống ba chén không nên qua đồi” ở gò Cảnh Dương, loại rượu đó cũng gần giống với Hoàng Tửu ngày nay, nồng độ cồn tầm khoảng 10 độ.
Về điểm này có thể nhận ra qua lời Tiểu Nhị trong quán miêu tả “Rượu này của chúng ta được gọi là “Thấu Bình Hương”, cũng có người gọi là “Xuất Môn Đảo”: Khi uống vào miệng, hương vị rượu nồng đậm, không mất bao lâu liền phải ngã xuống”. Vị rượu nồng đậm, nhanh chóng thấm vào người là đặc điểm của Hoàng Tửu.
Có thể uống liên tục 18 chén cũng xem như đã có tửu lượng cao rồi. Nhưng có chuyên gia phân tích, trước khi Võ Tòng uống rượu, thì rượu đã trải qua quá trình chọn lựa và lọc bỏ cặn rượu. Vì vậy mà nồng độ cồn cũng giảm bớt không ít. Nếu không, cho dù là hảo hán Võ Nhị Lang thì uống liên tục mười tám chén cũng phải nằm bò.
Rượu mà các nhân vật trong Thủy hử truyện uống có hương vị như thế nào? Nhà nghiên cứu Vương Tái Thời chỉ ra, bởi vì công nghệ chế tạo rượu vẫn còn một số khiếm khuyết trong thời đại đó và thiếu mất đi quá trình khử trùng, hoặc lên men không bình thường, thì rượu sẽ có vị chua.
Vào thời nhà Tống đa số đều bán rượu tự làm, vị chua cũng trở thành một đặc trưng. Cho nên, trong các tác phẩm viết về thời Tống chúng ta sẽ thường thấy nói đến những người uống rượu luôn oán hận rượu chua.
Chuyên gia về lịch sử rượu cũng nêu ra rằng, vào thời nhà Hán, tính rượu bằng “thạch”, thời nhà Đường dùng “đẩu” tính, nhưng vào thời nhà Tống lại tính bằng “thăng” (thưng). Vào thời nhà Tống, một “thăng” cũng gần bằng một cân rượu, người Tống làm thơ thường hay dùng “tam thăng” biểu thị cho giới hạn của tửu lượng.
Các nhà thơ như Tô Triệt, Lưu Khắc Trang cũng có nhắc đến trong thơ của mình, uống "tam thăng" rượu là một cực hạn, và vô cùng lợi hại đối với người Tống. Ngay cả Lục Du, người thường mượn rượu giải sầu cũng lấy “tam thăng” làm tiêu chuẩn “Sơn lộ cận hành do bách lý, tửu bôi nhất cử tất tam thăng”.
Từ đây có thể kết luận rằng, vào thời nhà Tống, những người có thể uống trên dưới ba cân rượu thì được cho là có tửu lượng cao.
Video: Võ Tòng uống rượu say dùng Túy Quyền đánh Tưởng Môn Thần.
Quốc Tiệp