"Thủy quái" đáng sợ đổ về Việt Nam, nếu phát hiện phải tiêu hủy ngay

"Thủy quái" đáng sợ đổ về Việt Nam, nếu phát hiện phải tiêu hủy ngay

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 7, 22/06/2024 14:00

Tổng cục Hải quan vừa có Công văn số 2842/TCHQ-GSQL gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về việc tăng cường kiểm soát tôm hùm đất.

Theo nội dung công văn, được biết, trong thời gian qua, báo chí đưa tin về việc cơ quan chức năng phát hiện mặt hàng tôm hùm đất (có tên khoa học là Procambarus clarkii) nhập lậu để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.

Theo khoản 7 Điều 7 và Điều 50 Luật Đa dạng sinh học số 20/2008/QH12 ngày 13/11/2008 quy định những hành vi nghiêm cấm về đa dạng sinh học, trong đó có bao gồm hành vi nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai xâm hại (bao gồm loài ngoại lai xâm hại đã biết và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại); Phụ lục IV ban hành kèm Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 4/4/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số điều về biện pháp thi hành Luật Thuỷ sản thì tôm hùm đất (Procambarus clarkii) không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.

Ngoài ra, theo Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28/12/2018 của Bộ Tài nguyên Môi trường quy định tiêu chí xác định và ban hành Danh mục loài ngoại lai xâm hại thì Procambarus clarkii thuộc danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại.

Do vậy, để kịp thời ngăn chặn và quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu mặt hàng tôm hùm đất (Procambarus clarkii) bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan, Đội kiểm soát Hải quan phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu tôm hùm đất; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn đối với các hành vi vận chuyển trái phép các mặt hàng này vào Việt Nam.

Trước đó, ngày 03/04/2024, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng đã chủ trì phối hợp các lực lượng chức năng phát hiện, kiểm tra, thu giữ hai kiện hành lý cất giấu khoảng 60 nghìn con tôm hùm giống sống (trị giá ước tính hơn 5 tỷ đồng) vận chuyển qua đường hàng không từ Singapore về Sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Trong khi đó, theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tôm hùm đất có tên trong Phụ lục 2 Loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại ban hành kèm theo thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành năm 2018.

Tôm hùm đất sống cũng không có tên trong Phụ lục VIII Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam - ban hành kèm theo Nghị định số 26 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

Theo các chuyên gia thủy sản, tôm hùm đất có thể trở thành đại họa của ngành Nông nghiệp. Bởi tập tính của chúng là sống bò đáy, thích đào hang, ưa tối, chuyên hoạt động về đêm. Chúng có thể đào hang trú ẩn sâu 100-200cm, sống được cả ở dưới nước lẫn trên cạn và chịu được nhiệt độ 0-37 độ C.

Thức ăn chủ yếu của loại tôm này là mùn bã hữu cơ, ngũ cốc, khô đậu, rau quả, cỏ non, rong cỏ nước, tảo sống bám, côn trùng, sinh vật đáy cỡ nhỏ, xác động vật, thức ăn chế biến...

Có thời điểm, Bộ NN&PTNT phải ra công văn hỏa tốc yêu cầu các tỉnh, thành và cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn, truy quét tôm hùm đất. Nếu phát hiện phải tiêu hủy ngay, đồng thời xử nghiêm các hành vi buôn bán để tránh phát tán loại sinh vật ngoại lai này ra môi trường.

Những hành vi bị nghiêm cấm về đa dạng sinh học

Điều 7 Luật Đa dạng sinh học số 20/2008/QH12 ngày 28/12/2008 quy định, săn bắt, đánh bắt, khai thác loài hoang dã trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ việc vì mục đích nghiên cứu khoa học; lấn chiếm đất đai, phá hoại cảnh quan, hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên, nuôi trồng các loài ngoại lai xâm hại trong khu bảo tồn.

Xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; xây dựng công trình, nhà ở trái phép trong phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn.

Điều tra, khảo sát, thăm dò, khai thác khoáng sản; chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại, nuôi trồng thuỷ sản quy mô công nghiệp; cư trú trái phép, gây ô nhiễm môi trường trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn.

Săn bắt, đánh bắt, khai thác bộ phận cơ thể, giết, tiêu thụ, vận chuyển, mua, bán trái phép loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; quảng cáo, tiếp thị, tiêu thụ trái phép sản phẩm có nguồn gốc từ loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo trái phép loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Nhập khẩu, phóng thích trái phép sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen.

Nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai xâm hại

Tiếp cận trái phép nguồn gen thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất trong khu bảo tồn.

T.M

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.