Từ 27 tỷ đồng đến 2.666 tỷ đồng
Công ty TNHH Nam Việt - tiền thân của Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico; HoSE: ANV) - được thành lập năm 1993 với vốn điều lệ 27 tỷ đồng, kinh doanh chủ yếu là công nghiệp và xây dựng dân dụng. Sang năm 2000, công ty mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang chế biến thủy sản, chuyên chế biến xuất khẩu cá basa đông lạnh, cá tra.
Đến năm 2006, công ty chính thức chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần, nâng vốn điều lệ lên 660 tỷ đồng. Cũng chính từ đây, vốn điều lệ của Thủy sản Nam Việt đã liên tục chứng kiến những bước bật tăng về vốn điều lệ.
Cuối năm 2023, Thủy sản Nam Việt thông qua nghị quyết phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, do chưa thực hiện thành công nên theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 được công bố, Nam Việt tiếp tục trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu.
Với tỉ lệ phát hành 100%, vốn điều lệ tăng từ từ 1.335 tỷ đồng lên 2.666 tỷ đồng. Dự kiến thời gian triển khai là trong năm 2024.
Nếu hoàn tất tăng vốn điều lệ trong năm nay, Thủy sản Nam Việt sẽ vượt qua Vĩnh Hoàn trở thành doanh nghiệp cá tra có vốn điều lệ lớn nhất sàn chứng khoán.
“Sai một ly, đi một dặm”
Vào thời điểm hưng thịnh nhất năm 2007, lợi nhuận của công ty đạt 370 tỷ đồng, cao gấp 2,8 lần cùng kỳ năm ngoái, giữ vị trí quán quân ngành thuỷ sản năm đó với kim ngạch xuất khẩu đạt 165 triệu USD. Tranh thủ thời cơ, Nam Việt đã đưa mã chứng khoán ANV lên sàn HoSE.
Tuy nhiên, cũng từ đây mà sự “hiếu thắng" của Nam Việt với tham vọng đầu tư trái ngành được bộc lộ rõ ràng bằng việc rót hàng nghìn tỷ đồng vào tài chính, khoáng sản tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB), CTCP Bảo hiểm Hàng Không, Quỹ Y tế Bản Việt, CTCP Cromit Cổ Định Thanh Hóa, CTCP Cromit Nam Việt, CTCP DAP 2 - Vinachem,...
Chưa kịp gặt hái thành quả thì lợi nhuận của Thủy sản Nam Việt đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh ngay sau đó, thậm chí báo lỗ kỷ lục 127 tỷ đồng vào năm 2009. Đến bây giờ, khoản lỗ trên vẫn là đáy kinh doanh của công ty.
“Sai một ly, đi một dặm”, đang từ vị trí đầu ngành, Nam Việt dường như bị “đá bay” khỏi đường đua với số lỗ đè nặng lên vai. Thêm vào đó, cùng thời gian này, công ty cũng mất đi thị trường Nga - chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu xuất khẩu của Nam Việt.
Để lấy lại vị thế, các năm sau đó, Nam Việt có loạt động thái thay đổi. Thứ nhất, công ty đã mạnh tay thoái vốn khỏi hầu hết các kênh đầu tư trái ngành. Tính đến cuối tháng 3/2024, công ty chỉ còn khoản đầu tư vốn góp tại CTCP Cromit Cổ Định Thanh Hóa với hơn 20 tỷ đồng.
Thứ hai, trong giai đoạn 2011-2016, Nam Việt đầu tư mạnh tay vào ngành kinh doanh chính, bất chấp kinh doanh sa sút. Cụ thể, đầu tư nhà máy thức ăn thủy sản; mở rộng vùng nuôi, thành lập trung tâm cá giống, liên tục lắp đặt hệ thống sản xuất mới nhằm đẩy mạnh công suất.
Giai đoạn từ 2017-2019, Thủy sản Nam Việt kinh doanh tăng tốc với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng bằng lần. Kết quả, năm 2019, công ty ghi nhận doanh thu đạt 4.480 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 704 tỷ đồng; tăng lần lượt 1,5 lần và 4,8 lần so với cùng kỳ năm 2017. Đây cũng là kỷ lục lợi nhuận của công ty.
Vừa phục hồi kinh doanh được một thời gian, đại dịch Covid-19 lại ập tới, gây ra áp lực cho xuất khẩu và đầu ra sản phẩm của Nam Việt. Hệ quả là năm 2021, lợi nhuận của công ty sụt giảm mạnh về 128 tỷ đồng.
Giai đoạn phục hồi sau đó, Thủy sản Nam Việt kinh doanh trồi sụt dù doanh thu vẫn giữ nguyên. Cụ thể, sau khi vừa báo lãi tăng trưởng vào năm 2022, Thủy sản Nam Việt ngay lập tức “bốc hơi" 94% xuống còn vỏn vẹn 39 tỷ đồng vào năm 2023.
Bước sang năm 2024, Navico lên kế hoạch doanh thu đạt 5.000 tỷ đồng. Đồng thời, công ty cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 360 tỷ đồng, tăng 5 lần so với lợi nhuận thực hiện trong năm 2023.
Đặt ra mục tiêu tăng trưởng triển vọng song thực tế tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I/2024 lại ghi nhận nhiều tín hiệu suy giảm với biên lãi gộp thu hẹp ngay trong quý đầu năm.
Cụ thể, Thủy sản Nam Việt ghi nhận doanh thu đạt 1.106 tỷ đồng, giảm 12%. ù giá vốn hàng bán tiết giảm so với cùng kỳ nhưng trước sự sụt giảm mạnh của doanh thu nên biên lãi gộp trong kỳ đạt gần 10% trong khi cùng kỳ năm ngoái ghi nhận đạt 17,6%.
Dù tích cực giảm chi phí nhưng kết quả cả quý, lợi nhuận trước thuế của Nam Việt đạt 30,4 tỷ đồng. Sau thuế Nam Việt báo lãi giảm 82% xuống còn 17 tỷ đồng. Nếu đối chiếu với mục tiêu đề ra, hết quý I/2024, Thủy sản Nam Việt mới chỉ hoàn thành 8% kế hoạch lợi nhuận.
Chưa tăng trưởng như kỳ vọng
Kết quả lao dốc ngay trong quý đầu năm 2024 được diễn ra trong bối cảnh ngành cá tra được kỳ vọng sẽ phục hồi sau giai đoạn biến động, doanh nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu tiêu thụ suy yếu.
Trên thị trường, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) nhận định, quý I/2024, xuất khẩu cá tra có những dấu hiệu tích cực, nhưng nhu cầu tại các thị trường chính chưa phục hồi mạnh. Dự báo, tình hình sẽ tốt lên từ quý III, kéo theo xu hướng giá được điều chỉnh tăng ít nhất 10% so với giá hiện tại.
Dự báo từ Công ty Chứng khoán BIDV nhận định, năm 2024, nhu cầu tiêu thụ cá tra sẽ dần hồi phục khi lạm phát hạ nhiệt, chi tiêu của người dân tăng trở lại, nhất là những tháng cuối năm. Ngoài ra, giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc kỳ vọng sẽ tăng nhờ nhu cầu hồi phục, trong khi nguồn cung thu hẹp và điều kiện thuỷ văn không thuận lợi giai đoạn đầu năm 2024.
Theo báo cáo mới công bố của VCBS, tổ chức này kỳ vọng biên lợi nhuận của Nam Việt có thể được cải thiện nhờ chi phí đầu vào giảm và giá bán cá xuất khẩu được cải thiện.
VCBS cho rằng, doanh thu thuần của Navico năm 2024 đạt 4.999 tỷ đồng, tăng 12%; lợi nhuận sau thuế đạt 220 tỷ đồng, gấp 5,2 lần so với thực hiện năm 2023.