Theo AFP đưa tin ngày 9.8, dẫn thông tin từ chính quyền Polynésie (Pháp) cho biết, trong khi tàu Hsieh Ta đang kéo một chiếc tàu khác là Kin Shun An No.6 (đăng ký ở Vanuatu)- cách cảng nói trên khoảng 800m, thì 4 thủy thủ Việt Nam đã nhảy khỏi tàu và mang theo các đồ dùng cá nhân đựng trong túi nylon chống thấm. Một số người trong số họ không biết bơi và bám vào một phao đánh cá.
Sự việc đã được báo cho Trung tâm cứu nạn của cảng (MRCC Papeete). Ngay lập tức, MRCC nỗ lực tìm cách cứu thủy thủ, huy động cả trực thăng Dauphin để ứng cứu. Sau vài phút tìm kiếm, những thủy thủ này đã được đưa vào bờ. Ngày 8/8, ông Lebrun, giáo viên tiếng Anh Trường Samuel Raapot ở đảo Tahiti được MRCC Papeete gọi đến để hỗ trợ trong vai trò phiên dịch.
Ông Lebrun cho báo Tuổi trẻ biết chi tiết về việc cứu nạn. Ông cho hay những chàng thanh niên trẻ này tóc tai dài thượt vì không có điều kiện vệ sinh, hoàn toàn không biết bơi nhưng họ đã nhảy liều vì không thể chịu đựng cuộc sống khắc nghiệt trên tàu. “Biết là nắm chắc cái chết trong tay nhưng họ vẫn cứ thử” - ông Lebrun kể.
Con "tàu thùng rác" Hsieh Ta ở vùng biển Tahiti l. Ảnh: AFP
Hai thuyền viên nhảy xuống biển trước khi được cứu. Ảnh: AFP
Họ đoán được đảo Tahiti (đảo lớn nhất của Polynésie thuộc Pháp ở phía Nam Thái Bình Dương) là điểm dừng chân duy nhất trong chuyến hành trình đánh bắt cá của con tàu Hsieh Ta nên khi thấy đất liền (cách khoảng 800m), họ đã ôm đồ dùng cá nhân nhảy xuống biển để bơi về phía bờ.
Khi đội PAF tra hỏi sự vụ, bốn thuyền viên VN cho biết điều kiện sống trên tàu Đài Loan “quá khủng khiếp” khiến họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trốn khỏi con tàu ngục tù này. Họ phải làm việc 18 giờ mỗi ngày và không có lấy một ngày nghỉ trong tuần.
Qua lời kể của bốn thuyền viên, ông Lebrun khẳng định đó là những “con tàu thùng rác” cực kỳ nguy hiểm dành cho việc đánh bắt cá ngoài khơi.
Khi được hỏi về công việc trên tàu, các thuyền viên trẻ tiết lộ rằng họ thường xuyên bị đánh đập vô cớ. Song song đó, công việc đánh bắt cá không phải là nghề chuyên của họ, vì thế họ thường phạm lỗi và phải nhận nhiều cú đánh như trời giáng. Họ phải dùng những tấm bìa cactông để lót chỗ ngủ trên tàu. Do không phải là dân đánh bắt chuyên nghiệp, một người đã bị lưỡi câu móc vào má để lại vết sẹo khá lớn trên mặt, người còn lại thì bị móc vào gót chân khiến anh phải đi cà nhắc.
Còn về tiền lương, họ dường như phải làm không công khi số tiền kiếm được đều bị chủ lấy hết với lý do “chi trả mua vé máy bay khi quay về VN” và đành phải trở về với bàn tay trắng. Theo lời kể của bốn thủy thủ, họ đã có mặt trên chiếc tàu này được 7 tháng 19 ngày và bị đối xử như những “nô lệ thời hiện đại” trong suốt mùa đánh bắt cá cho đến khi được MRCC Papeete cứu sống.
Theo chính quyền Polynésie, 4 thủy thủ này hiện nằm dưới sự quản lý của lực lượng hải quan và sẽ được đưa trở lại Việt Nam trong những ngày tới. Công ty Morgan Vernex - chuyên nhập khẩu và phân phối hàng hóa đa quốc gia - sẽ đài thọ sinh hoạt và tiền vé máy bay trong bốn ngày với mong muốn những thuyền viên này sớm quay về VN một cách an toàn nhất.
Đài Loan là một trong những thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam. Từ năm 1999 đến 2012, Việt Nam đã đưa khoảng trên 250.000 lượt người sang làm việc tại Đài Loan, bình quân khoảng gần 23.000 lao động mỗi năm. Số liệu thống kê năm 2012 cho biết, lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan chủ yếu trong các lĩnh vực: Sản xuất chế tạo chiếm 69%; phục vụ xã hội và cá nhân (hộ lý, y tá, chăm sóc người bệnh và giúp việc gia đình) chiếm 30%; xây dựng và nông-lâm-ngư nghiệp chiếm 1%.
W2 (tổng hợp)