Thông tin ca sĩ Thủy Tiên quyên góp được số tiền 100 tỷ đồng ủng hộ đồng bào vùng lũ miền Trung chỉ sau 1 tuần kêu gọi đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Số tiền thiện nguyện này được coi là kỷ lục từ trước tới nay khi các nghệ sĩ đứng ra kêu gọi hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn, hoạn nạn.
Từ đây, cũng dấy lên những ý kiến trái chiều về trách nhiệm “khoác” lên vai Thủy Tiên khi “cầm trịch” một số tiền thiện nguyện rất lớn của cả tập thể. Để rộng đường dư luận, hôm nay (21/10), trên trang Facebook cá nhân, bà xã Công Vinh đã chính thức lên tiếng về số tiền hơn 100 tỷ đồng quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung.
Sau khi công khai tài khoản thiện nguyện quyên góp được hơn 100 tỷ đồng, Thủy Tiên nhận được nhiều lời khuyên, tư vấn về kế hoạch sử dụng số tiền này để tránh “rước họa vào thân”.
Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, số tiền hơn 100 tỷ là quá lớn, nên chăng, cần có tổ chức cứu trợ như một bộ máy thu nhỏ hoặc giao cho một cơ quan chức năng để công tác từ thiện minh bạch, hiệu quả hơn. Thủy Tiên cho biết, cô lắng nghe nhưng sẽ không thực hiện.
"Mỗi người sẽ có một quan điểm riêng để làm từ thiện, cách riêng để giúp đỡ cộng đồng… Tiên chỉ là một cá nhân, và Tiên sẽ làm việc theo cái tâm của mình. Tiền sẽ được trao tận tay để giúp đỡ bà con, không thông qua tổ chức hay tự lập bất kỳ tổ chức nào. Tiền người dân gửi cho Tiên đi trực tiếp giúp đỡ, là Tiên phải cầm đi, dù có cực đến mấy. Sức Tiên đến đâu Tiên sẽ cố gắng làm đến đó…", cô nói.
Cũng theo bà xã Công Vinh, vì đây là một số tiền rất lớn, nên cô từng hỏi ý kiến mẹ về việc có nên đóng tài khoản. Thủy Tiên nói: “Mình có gọi điện hỏi mẹ rằng, “Con có nên đóng tài khoản không?”. Mẹ mình nói: “Thôi con, tiền bao nhiêu cho đủ? Bao nhiêu người dân còn cực khổ, mình còn lo giúp nhiều người. Con cứ để đó đi, không đủ mà giúp người ta xây lại nhà cửa mua giống làm ăn đâu. Con cứ làm đúng tự khắc Trời Phật sẽ giúp mình, không phải lo”.
Thực ra, mình hỏi thử lòng mẹ mình coi có sợ không, chứ với mình “đã làm thì không sợ, đã sợ thì không làm. Chết mình còn không sợ, thì những việc cỏn con này sợ gì mà không cố gắng được”.
"Nếu như vì việc này mà mình không may mất hết mình cũng vui vẻ chấp nhận vì mình tin rằng với số lượng người được giúp, cũng đáng để mình đánh đổi mà. Ai mà không đến lúc già đi và mất hết chứ", cô trải lòng.
Xin sao kê từ ngân hàng về các khoản chi
Giải đáp những thắc mắc về việc chi tiêu minh bạch tiền cứu trợ, phải đến được đúng nơi, đúng người, Thủy Tiên cho biết, việc kê khai chi tiết từng khoản chi nhỏ khó thực hiện, nhất là trong hoàn cảnh đi cứu trợ mùa nước lũ, thời gian lại quá gấp rút. Dự định trước mắt của cô là xin sao kê ngân hàng số tiền đã rút từ tổng quỹ.
“Đây là việc thiện từ tâm…Hàng ngày gặp bao nhiêu trường hợp, nước cao vừa lo an toàn, vừa lo khiêng hàng hoá nặng, vừa phải chạy việc cho nhanh để giúp được nhiều người hơn, nên không cách gì để mà thuê nổi người theo ghi rõ ràng từng khoản chút chút rồi về tính được…Nên cái lo là lo không biết mọi người có thể chia sẻ về vấn đề này giúp Tiên hay không thôi…
Tiên đang gọi xin ngân hàng các khoản chi ra vì số đầu vào quá nhiều, không giấy nào mà in nổi được hết các thông tin chuyển vào vì nó nhiều lắm. Tiên nghĩ, tốt nhất là mọi người cứ chuyển vào, ngân hàng xác nhận số tổng vào. Mình xin số sao kê chi ra chi tiết, có đóng dấu ngân hàng. Trên các khoản chi ra đó, Tiên sẽ giải thích cho mọi người hiểu các khoản này dùng để làm gì”, Thủy Tiên giải thích.
Hỗ trợ vốn làm ăn, xây nhà, xây cầu
Nói về kế hoạch sử dụng số tiền 100 tỷ đồng quyên góp được từ các mạnh thường quân, Thủy Tiên khẳng định quan điểm, muốn giúp người dân tái thiết lại cuộc sống sau lũ. Còn, tạm thời trước mắt, cô chỉ mới hỗ trợ bà con những nhu yếu phẩm cần thiết và một khoản tiền "đi chợ".
Nữ ca sĩ bày tỏ: “Mình chứng kiến và ám ảnh sự hoảng loạn của người dân khi họ mất hết, trôi hết đồ đạc nhà cửa, gia súc gia cầm,… Vay ngân hàng để làm ăn, họ bảo mất hết rồi, tủi thân lắm… Cái chén, cái nồi cũng không còn mà ăn, nóc nhà, cửa, giường chiếu, gia cầm.. trôi hết rồi.. mất hết. Tiên đứng nghe nói mà khóc luôn ấy.
Cái Tiên có thể lúc đó là chỉ cho vài triệu tiền chợ búa thôi chẳng thấm vào đâu so với mất mát.. Mà cái được lớn nhất khi Tiên có mặt ở đó là quăng cho họ một cái phao bằng những lời động viên. Tiên hứa là sẽ cho họ xây nhà lại cao hơn, cho họ một số tiền mua lại những cái đã trôi đi, cho vốn làm ăn để họ có thể tái thiết lập cuộc sống sau lũ”.
"Mong là mọi người đừng lo lắng quá nhiều. 100 tỷ đồng thấy nhiều, ai cũng sợ không làm nổi. Nhưng Tiên cũng không biết, có đủ hay là không đủ cho 3-4 tỉnh ngập lũ đâu.
Ngoài xây nhà, mình còn làm cầu cống, đường xá cho người dân ở vùng sâu xa. Lũ này cuốn trôi bao nhiêu cây cầu, người dân họ không đi qua được, họ phải chế cầu tạm đi cực kỳ nguy hiểm. Nếu đủ thì thôi, dư thì mình còn thiếu gì việc để giúp người”, Thủy Tiên nói.
Không phải ngẫu nhiên Thủy Tiên nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của đông đảo mạnh thường quân trong đợt quyên góp ủng hộ miền Trung lần này. Chính thiện tâm, sự quyết liệt, xông pha của nữ ca sĩ bất chấp khó khăn, vất vả đã giúp cô ghi điểm tuyệt đối. Việc Thủy Tiên trân trọng từng đồng tiền từ thiện, chi đúng người đúng nơi, dành tất cả nhiệt huyết để giúp đỡ những người dân đang gặp khó khăn đã lay động lòng người. Hay cái cách cô cảnh cáo người mạo danh lừa tiền từ thiện, quyết đòi bằng được 3 triệu của người phụ nữ “ăn chặn” tiền từ thiện càng khiến mọi người thêm tin tưởng, chọn mặt gửi vàng.
Trước hành động thiện nguyện của ca sĩ Thủy Tiên và các nghệ sĩ hướng về miền Trung, nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An bày tỏ: “Bản thân tôi vô cùng xúc động và hoan nghênh tấm lòng cao quý của ca sĩ Thủy Tiên và các nghệ sĩ Việt đã chung tay chia sẻ, đứng ra quyên góp để ủng hộ đồng bào miền Trung vượt qua hoạn nạn, khó khăn. Hành động thể hiện tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách này cần được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Tất nhiên, để tránh việc một ai đó có thể lợi dụng việc làm thiện nguyện với động cơ không trong sáng, thì những quy định pháp luật là cần thiết. Song, tình hình đất nước hiện nay đã bước sang giai đoạn mới, đang thực hiện mục tiêu kép đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế. Thiết nghĩ, trước hoàn cảnh đồng bào miền Trung đang vô cùng khó khăn, nhà nước và các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, điều chỉnh các quy định sao cho phù hợp với thực tiễn. Để vừa có thể hỗ trợ, giúp đỡ được đồng bào vùng lũ, mà không phụ lòng tấm lòng trong trẻo những người đi làm thiện nguyện”.