Trong báo cáo mới nhất về tình hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao luôn là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu trong phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến sẽ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan Nhà nước, nhưng quan trọng hơn là phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, giúp giảm thời gian, chi phí khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước thời gian qua đã được đẩy mạnh hơn bao giờ hết và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, tất cả các bộ, ngành, địa phương đã có Cổng dịch vụ công để cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trên 97,3% dịch vụ công đủ điều kiện đã được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Tuy nhiên, hiện nay hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao và đây cũng là vấn đề lớn nhất. Mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số là 80% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ, 50% hồ sơ được xử lý trực tuyến.
Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo sát sao, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ về dịch vụ công trực tuyến và đề xuất các giải pháp thúc đẩy.
Đến hết tháng 5/2022, tính trung bình cả nước, tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ mới đạt khoảng 30%, tỉ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến mới đạt khoảng 32%. Do vậy, nếu không có những giải pháp căn cơ, quyết liệt, mục tiêu đặt ra rất khó đạt được.
Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, để cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến hiệu quả, cơ quan Nhà nước phải xuất phát từ nhu cầu, lợi ích, trải nghiệm của người dân. Người dân chỉ sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi được tiếp cận dịch vụ dễ dàng, khi có kỹ năng, thiết bị, có động lực sử dụng.
Thời gian tới, cơ quan Nhà nước cần thực hiện 5 nội dung sau: Rà soát các thủ tục hành chính và các điều kiện bảo đảm để cung cấp trực tuyến mức độ 4 các thủ tục hành chính đủ điều kiện, tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Giao rõ trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị thực hiện các chỉ tiêu nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, như là tỉ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến. Tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người dân dễ dàng truy cập, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, như là kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước để giảm thiểu giấy tờ, người dân chỉ phải cung cấp dữ liệu một lần khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Có các chính sách để thực sự khuyến khích, tạo động lực cho người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho người dân, để người dân chủ động, tích cực sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Tỉ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến của các bộ, địa phương tính từ 1/1-31/5/2022.
Số liệu thống kê từ Hệ thống giám sát, đo lường của Bộ Thông tin và Truyền thông về tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến, tính từ ngày 1/1 đến ngày 31/5 của các bộ cho thấy, ở khối các bộ, ngành, Bộ Y tế có tổng số lượt truy cập Cổng thông tin điện tử bộ nhiều nhất với 10,688 triệu lượt truy cập; tiếp theo là các bộ Giáo dục và Đào tạo (2,57 triệu lượt), Thông tin và Truyền thông (2,24 triệu lượt).
Ba bộ có lượng truy cập ít nhất là: Kế hoạch và Đầu tư (783.964 lượt); Tài nguyên và Môi trường (323.307 lượt); Lao động, Thương binh và Xã hội (249.666 lượt).
Ở khối địa phương, Thừa Thiên - Huế có tổng số lượt truy cập Cổng thông tin điện tử nhiều nhất với 5,36 triệu lượt; tiếp theo là các tỉnh Bắc Giang, Đắk Lắk, Quảng Bình, Tiền Giang. Năm địa phương có lượng người truy cập ít nhất là Gia Lai, Trà Vinh, Đắk Nông, Tây Ninh, Ninh Thuận.
Về tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến, hai bộ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao dẫn đầu khối cơ quan bộ về dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến với tỷ lệ 100%. Ba bộ: Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tư pháp có dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ thấp nhất.
Ở khối địa phương, top 5 tỉnh: Phú Thọ, Lai Châu, Bắc Ninh, Bình Thuận, Khánh Hòa dẫn đầu về phát sinh hồ sơ cao nhất. Tuy nhiên, trong khi tỉnh Phú Thọ dẫn đầu đạt tỉ lệ 100% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến; kế đến là tỉnh Lai Châu đạt 99,91% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến, thì ba tỉnh còn lại Bắc Ninh, Bình Thuận, Khánh Hòa lại có khoảng cách khá xa, lần lượt đạt tỷ lệ 55,2%, 49,6% và 49,46%. Năm tỉnh phát sinh hồ sơ trực tuyến thấp nhất là Đồng Tháp, Vĩnh Long, Quảng Trị, Bắc Kạn, Kon Tum.
Về tỉ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến, Bộ Ngoại giao dẫn đầu đạt tỉ lệ 100% hồ sơ xử lý trực tuyến; tiếp theo là Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ba bộ có tỉ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến thấp nhất là Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Xây dựng.
Năm tỉnh, thành phố có tỉ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến cao nhất là Hòa Bình (71,36%), Ninh Bình (59,46%), Thừa Thiên - Huế (55,63%), Phú Thọ (52,55%), thành phố Đà Nẵng (50,66%). Năm địa phương có tỉ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến thấp nhất (dưới 10%) gồm Sơn La, Đồng Nai, Hưng Yên, Nghệ An, Quảng Bình.
Tuệ Minh