![Tin nhanh - Tiếc thương vị Thiếu tá tình báo Hai Thương can trường](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/media/nguyen-hai-chau/2018/08/15/z10832991990405d7415ffae4f4fb3f82c419806e7000c.jpg)
Thiếu tá tình báo, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Thương qua đời vào sáng 13/8/2018, hưởng thọ 81 tuổi.
![Tin nhanh - Tiếc thương vị Thiếu tá tình báo Hai Thương can trường (Hình 2).](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/media/nguyen-hai-chau/2018/08/15/z10832992071002cb778c183a99f5898a2ea98f82722e1.jpg)
Tang lễ của ông được tổ chức trang trọng, do Quận ủy quận Bình Thạnh làm Trưởng ban tang lễ.
Rất nhiều vòng hoa viếng được các tổ chức, cá nhân gửi chia buồn với thân quyến và gia đình Thiếu tá tình báo Hai Thương.
Bà Trần Thị Em (tức Hai Em) vợ của Thiếu tá tình báo Hai Thương đau buồn, xót xa trước di ảnh người chồng anh hùng.
Người thân động viên bà Trần Thị Em trước sự mất mát to lớn.
Sự ra đi của ông là nỗi đau, mất mát quá lớn.
Rất đông các đoàn thể, tổ chức quân đội đã đến chia buồn và chào từ biệt người anh hùng của đất nước.
Thế hệ trẻ thắp hương trước linh cữu người Thiếu tá tình báo can trường.
Thiếu tá tình báo, AHLLVTND Nguyễn Văn Thương ( tức Hai Thương) đã mãi mãi về với đất mẹ.
Thiếu tá tình báo, AHLLVTND Nguyễn Văn Thương sinh năm 1938 tại tỉnh Tây Ninh, trong một gia đình có mẹ và cha cũng tham gia cách mạng. Mẹ ông bị địch bắt và hy sinh ở Côn Đảo khi ông mới 8 tuổi. Năm ông 20 tuổi, cha cũng hy sinh trên chiến trường. Ông tham gia cách mạng từ tháng 5/1959. Trong 10 năm hoạt động chiến đấu, từ năm 1959 đến 1969, ông được giao nhiệm vụ giao liên tình báo ở khu vực Bắc Sài Gòn (Sài Gòn - Bến Cát - Bình Dương). Ngày 10/2/1969, khi mang tài liệu từ Sài Gòn ra vùng căn cứ, ông bị địch bắt. Sau nhiều lần tra khảo, mua chuộc ông không thành công, quân đội Mỹ đưa ông ra đập nát 2 bàn chân. Sau đó, trong 3 tháng, ông bị cưa 6 đoạn chân trong 6 lần cho đến khi ông vĩnh viễn mất đi đôi chân. Tuy nhiên, ông vẫn không khai nửa lời. Phía quân đội Mỹ phải thốt lên: “Chúng tao thua rồi, mày là sinh vật thép”. Sau đó, Thiếu tá Nguyễn Văn Thương bị giam giữ tại trại giam Hố Nai. Trong tù, ông vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng, ông bị nhốt vào thùng sắt tra tấn, bị đày ra Côn Đảo… Sau tất cả, ông vẫn sống. Năm 1973, sau hiệp định Paris, Thiếu tá Nguyễn Văn Thương được trở về đoàn tụ với gia đình. Ông được Nhà nước phong tặng 2 Huân chương chiến công giải phóng hạng Nhất, một Huân chương chiến công giải phóng hạng Ba, 14 lần đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Ngày 6/11/1978, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu AHLLVTND. Những năm tháng cuối đời, Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương sống với vợ, hai người con và những người cháu. Ông cũng truyền lại ngọn lửa nhiệt huyết, tình yêu Tổ quốc, muốn cống hiến cho nhiều thế hệ. |