Đại diện Bệnh viện JW (TP. Hồ Chí Minh) cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận cấp cứu cho 2 bệnh nhân bị biến chứng sau tiêm filler má và nâng mũi tại spa.
Cụ thể, sáng 22/7, bệnh viện nhận được cuộc gọi từ chị B.T.N (26 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM). Chị N. kể má phải hiện đang bị sưng to, bầm tím, đau nhức liên tục và vùng má nóng ran… do trước đó có tiêm filler. Nữ bệnh nhân khẩn thiết mong được đến để nạo filler vì tình trạng này đã kéo dài.
Chị N. cho biết thêm cách đây 2 năm chị từng thực hiện tiêm filler (chất làm đầy) với mức giá lên đến gần 40 triệu đồng. Một năm sau, chị được miễn phí tiêm lần hai.
Khoảng 1 tuần nay, má bên phải bỗng xuất hiện nốt nhỏ nên chị đã dùng tay nặn. Chỉ sau 2 ngày, vùng má dần hình thành khối áp xe lớn, tím tái, căng tức như muốn vỡ tung. Mặt chị bị sưng to, sốt suốt 6 ngày, đau nhức, không thể ăn nhai bình thường. Chị N. có đến khám ở 1 bệnh đa khoa ở quận 7 thì nhận được lời khuyên nên đến khám ở bệnh viện thẩm mỹ. Chị liên hệ một số nơi nhưng bệnh viện thẩm mỹ không tiếp nhận điều trị do đang giãn cách xã hội.
Sau khi nghe tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc bệnh viện thẩm mỹ JW Hàn Quốc đã thông báo chị N. đến bệnh viện để mổ khẩn cấp vì nếu để lâu khối áp-xe phát triển lớn sẽ gây nguy hiểm.
“Theo Chỉ thị 16, bệnh viện thẩm mỹ không được hoạt động loại hình phẫu thuật thẩm mỹ thông thường. Tuy nhiên, đối với trường hợp mổ cấp cứu vẫn được. Trường hợp của bệnh nhân N. là bị hoại tử mô mềm và tụ dịch sau khi tiêm filler nên cần mổ khối áp-xe và nạo hút filler để tránh hoại tử gương mặt”, bác sĩ Dung cho biết.
Sáng 22/7, kết quả thăm khám, chẩn đoán hình ảnh cho thấy ổ dịch trên má phải tụ thành khối áp xe với đường kính gần 10 cm, phải mổ khẩn.
Trải qua 3 tiếng, các bác sĩ đã hoàn tất ca cấp cứu nạo toàn bộ mô hoại tử. Ê-kíp thực hiện hai đường mổ bên trong và bên ngoài má để có thể xử lý triệt để khối áp xe. Đường mổ bên trong để nạo toàn bộ filler biến chứng, đồng thời đặt ống dẫn lưu với đường mổ nhỏ chỉ 1cm bên ngoài má để hút hết filler ra.
"Khó khăn nhất là làm sao nạo hút hết filler len lỏi khắp nơi trong vùng má nhưng không gây ảnh hưởng dây thần kinh mặt, tránh để lại hậu quả nghiêm trọng", bác sĩ Dung phân tích. Sau mổ sức khoẻ chị N. ổn định, dự kiến tiêm truyền kháng sinh liên tục 1 tuần.
Tương tự, chị N.V.T.H (25 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) cũng gặp biến chứng thẩm mỹ sau khi nâng mũi tại một spa trên địa bàn quận 4. Bệnh nhân từng ba lần nâng mũi tại spa bằng nhiều cách: Căng chỉ vàng với mức giá hàng chục triệu, bọc sụn tai nhưng cũng méo lệch, và mới đây là chống sụn nhân tạo megaderm với chi phí hơn 20 triệu đồng. Nhưng khi gặp biến chứng, nhân viên tư vấn và chủ spa chối bỏ trách nhiệm và khẳng định tình trạng của chị là bình thường.
Chị H. đến viện trong tình trạng vùng mũi bị nhiễm trùng, hoại tử, sụn nhân tạo đã đâm thủng đầu mũi. Bác sĩ cho biết, nguyên nhân dẫn đến hoại tử mũi là do người thực hiện làm sai kỹ thuật hoàn toàn và quan trọng nhất là họ lừa bệnh nhân là chống sụn nhân tạo megaderm nhưng rõ ràng là hàng giả.
Các bác sĩ trải qua 4 giờ rút sụn nhân tạo, bơm rửa sạch toàn bộ ổ dịch, xử lý phần mô hoại tử và bảo tồn đầu mũi. “Khó khăn nhất của ca này là bảo tồn đầu mũi, nhưng hiện tại mọi chuyện đã ổn thỏa”, bác sĩ Dung chia sẻ.
Các bác sĩ khuyến cáo mọi người cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định làm đẹp. Nên đến các bệnh viện lớn có chuyên khoa phẫu thuật tạo hình để bác sĩ có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm tư vấn và thực hiện, tránh biến chứng gây thương tật suốt đời, thậm chí tử vong.
Minh Hoa (t/h)