Trong vai một người cần đi nâng ngực, nâng mông vì tự ti với hai bộ phận trên cơ thể không đẫy đà, PV đăng tải dòng trạng thái xin tư vấn tại một diễn đàn "Dao kéo" dành cho các chị em. Tại đây, không ít người đã thẳng thắn đưa ra lời khuyên PV không nên làm vì “lợi bất cập hại”.
Audio: Bác sĩ nói về biến chứng nguy hiểm khi tiêm filler nâng vòng 1, vòng 3
“Mình khuyên bạn không nên tiêm vì bạn mình đã từng làm, sau tiêm vài ngày bị sốt và phải nhập viện cấp cứu. Nói chung tiêm vào người mà mình không biết chất gì, làm từ đâu, như thế nào thì quả thật rất nguy hiểm”, là chia sẻ của bạn Phạm Anh.
Còn bạn Thùy Linh (Hà Nội) nói: “Tôi không biết bạn nghe phương pháp làm đẹp này từ đâu, nhưng tôi nghĩ không nên tiêm chất làm đầy vào cơ thể. Ở các cơ sở làm đẹp, họ luôn nói không biến chứng để người làm yên tâm, nhưng sau đó có hậu quả thì ai mới là người chịu đây? Chính bạn chứ không phải ai khác”.
Tương tự như Thùy Linh, rất nhiều người không đồng tình với phương pháp làm đẹp này. “Mình cũng ham thẩm mỹ nhưng để tiêm filler vào ngực thì chưa từng có ý định, chỉ tiêm cằm, mũi thôi. Mình khuyên bạn không nên tiêm filler nâng ngực, mông vì nó tan nhanh, một người bạn của mình làm rồi và giờ cũng kêu than”, là chia sẻ của bạn Nguyễn Nga.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về phương pháp tiêm filler để làm đẹp vòng 1, vòng 3, bác sĩ thẩm mỹ Thu Hiền (Hà Nội) nói: “Có thể nói, thời gian gần đây xuất hiện trào lưu làm đẹp bằng tiêm filler. Theo đó, những cơ sở làm đẹp quảng cáo rằng phương pháp làm đẹp này không cần đến dao kéo, không đau đớn và tốn quá nhiều thời gian sẽ cho khách hàng một cơ thể ưng ý. Tuy nhiên, theo tôi hiện nay chưa có bất cứ một loại filler nào đảm bảo để nâng ngực, nâng mông, một liệu trình tiêm filler có giá từ 90 - 100 triệu đồng”.
Theo bác sĩ Thu Hiền, trên mạng xã hội cũng từng xuất hiện những trường hợp tiêm filler bị biến chứng. Nguyên nhân có thể do người này tiêm ở cơ sở không có uy tín và chất làm đầy không đảm bảo chất lượng.
Cũng trao đổi thêm với PV, Ths.BS Cao Ngọc Duy, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt – Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, bệnh viện đa khoa Đức Giang cho biết: “Hiện nay, có không ít spa hay thẩm mỹ viện chia sẻ về phương pháp làm đẹp nâng ngực, nâng mông bằng chất làm đầy (filler)”.
Theo Ths.BS Cao Ngọc Duy: “Bất kỳ thủ thuật can thiệp đến cơ thể khách hàng, như tiêm hay truyền thuốc, thì ít nhất đó cũng phải là điều dưỡng, y tá, đặc biệt hơn với những thủ thuật về thẩm mỹ như tiêm chất làm đầy thì bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ phải là người thực hiện, điều dưỡng cũng không được phép thực hiện. Bởi, bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ đã được học về giải phẫu từng vùng tiêm, vị trí tiêm, cách tiêm và nguy cơ biến chứng có thể xảy ra khi thực hiện để xử trí chứ không phải ai cũng tiêm được”.
Nói về biến chứng khi tiêm filler mà khách hàng có thể gặp phải, Ths.BS Cao Ngọc Duy cho biết: “Nếu như vùng mặt tiêm sai, tiêm hỏng hay tiêm vào mạch máu cũng rất đáng ngại nhưng còn có cơ hội để sửa chữa, khắc phục. Thế nhưng, ở khu vực vòng 1, vòng 3 có nhiều tĩnh mạch, động mạch lớn. Nếu chẳng may tiêm vào thì nguy cơ tắc mạch, đột quỵ… có thể gây tử vong. Chưa kể, nếu tiêm ở vùng ngực còn có thể gây ra những cục máu đông đi vào tim, gây nên những hiện tượng ngừng tim, rối loạn tuần hoàn, lên não gây đột quỵ não... Còn ở vùng mông có thể gây ra các biến chứng như teo cơ ở vùng mông, chi dưới...”.
Từ những phân tích trên, bác sĩ Cao Ngọc Duy cũng khuyến cáo: “Với khách hàng khi quyết định tiêm filler cần tìm hiểu đầu tiên chất làm đầy đó là chất gì. Sản xuất tại đâu và có được cấp phép lưu hành ở Việt Nam hay là chất trôi nổi trên thị trường? Khách hàng nên đến cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ đúng chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ để thực hiện, chứ không nên đến các spa nhỏ lẻ sẽ không đảm bảo an toàn”.
Theo tìm hiểu của PV, giá cả của một mũi tiêm filler có giá khác nhau, từ 1-4 triệu đồng/cc. Nhiều người lo ngại về chất lượng của filler đồng thời băn khoăn ai là người được tiêm chất này? Chúng tôi đã liên hệ với sở Y tế Hà Nội và sẽ có câu trả lời đến bạn đọc.
Thanh Lam - Mai Thu