Trong chuyến bay tại vùng lãnh thổ Khabarovsk, một chiếc tiêm kích Su-35S của lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã bị rơi. Theo hãng thông tấn AVP, máy bay chiến đấu này có thể đã theo dõi máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ. Nguồn tin của AVP cho biết, một máy bay ném bom chiến lược của Mỹ đã cất cánh từ căn cứ không quân nằm trên đảo Guam và đến gần biên giới Nga trong ngày 31/7. Tuy nhiên, cần lưu ý đây chỉ là thông tin được truyền thông đăng tải và chưa có bất cứ bình luận nào về điều này.
Trong khi đó, bộ phận truyền thông của Quân khu phía Đông lại cho biết, chuyến bay đã được lên kế hoạch từ trước. Điều này có nghĩa là đây là một chuyến bay huấn luyện.
Theo dữ liệu có được, hãng thông tấn AVP cho biết, chiếc Su-35S gặp nạn của lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã bị sự cố động cơ khi nó đang ở trên biển Okhotsk. Phi công của chiếc Su-35S đã kịp thời phóng ra. Cho đến nay, vẫn chưa có bình luận chính thức nào về tình trạng của chiếc máy bay bị rơi.
Theo thông tin mới nhất được hãng thông tấn AVP đăng tải sáng nay (1/8), tiêm kích Su-35S của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã bốc cháy ở phần đuôi sau khi cất cánh 20 phút. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến phần đuôi bị bốc cháy vẫn chưa được công khai.
Nguồn tin của hãng AVP cũng lưu ý, việc tiêm kích Su-35S bị hỏng động cơ đã làm dấy lên nghi ngờ, vì chúng ta đang nói về một chiếc máy bay chiến đấu hạng nặng. Trường hợp một trong các động cơ gặp sự cố, nó vẫn có thể tiếp tục bay với động cơ còn lại. Nhưng, có một điều rõ ràng, chiếc Su-35S bốc cháy chính xác là do sự cố về điện.
Được biết, phi công đã báo cáo về việc xuất hiện cháy ở phần đuôi của máy bay và được phép phóng ra, nhưng chưa có thông tin chi tiết liên quan.
Tiêm kích Su-35 được coi là “vua” tác chiến trên không.
Chiếc Su-35 gặp nạn là 1 trong 12 chiếc được Không quân Nga triển khai đến Quân khu Phía Đông từ năm 2014. Su-35 là loại máy bay tiêm kích hạng nặng. Nó có thể bay ở độ cao 19 km, đạt tốc độ 2.500 km/h và có tầm hoạt động lên đến 3.400 km.
Su-35 gây ấn tượng với khả năng mang được nhiều loại vũ khí. Nó được trang bị 12 điểm treo vũ khí với trọng lượng tối đa là 8 tấn và có thể tác chiến trên không, mặt đất và chống hạm. Su-35 được trang bị tất cả các loại vũ khí tối như tên lửa tấn công ngoài khu vực phòng không, tên lửa chống hạm, tên lửa chống radar,… Ngoài ra, Su-35 còn được trang bị 1 khẩu pháo 30mm.
Bên cạnh đó, Su-35 sở hữu hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại OLS-35, một lần có thể theo dõi 4 tín hiệu hồng ngoại với các bước sóng ngắn khác nhau. Nhờ ưu điểm này mà Su-35 có thể âm thầm bất ngờ tấn công mục tiêu. Su-35 còn được trang bị hệ thống gây nhiễu điện tử L175M Khibiny công suất mạnh giúp làm nhiễu tín hiệu radar của đối phương.
Với những ưu điểm nổi bật ấy mà tiêm kích Su-35 được coi là “vua” tác chiến trên không.
Cần lưu ý rằng kể từ khi tiêm kích Su-35 được đưa vào sử dụng thì vụ việc ngày 31/7 là vụ tai nạn đầu tiên của loại máy bay này. Hiện tại, nguyên nhân vụ tai nạn này đang được điều tra. Có điều gì bí ẩn phía sau vụ tai nạn này hay không, chúng ta sẽ phải chờ.
HOÀ AN (Theo AVP)