Ông Bình cho hay, việc quyết định đưa vắcxin Quinvaxem vào tiêm chủng trở lại được bộ Y tế cân nhắc rất kỹ lưỡng sau khi có những kết quả điều tra rất cẩn thận về vắcxin Quinvaxem của các tổ chức trong và ngoài nước khẳng định vắcxin này an toàn.
Một loạt các ca tai biến sau tiêm nghi ngờ đến loại vắc xin này. Theo thống kê của bộ Y tế, tại Việt Nam, từ năm 2010 đến 4/2013 ghi nhận 43 trường hợp phản ứng sau tiêm vắc xin Quinvaxem, có 9 trường hợp được cho là có thể liên quan đến vắc xin. 9 trường hợp này thì 8 ca là sốt, co giật, giảm trương lực cơ, có phản ứng dị ứng, nổi ban (là phản ứng thông thường của kháng nguyên lạ, tùy thuộc vào cơ địa của trẻ, không phải tất cả trẻ em khi tiêm vắc xin đều gặp phản ứng này) và một trường hợp sốc phản vệ nhưng đã điều trị đã qua khỏi. 17 trường hợp tai biến sau tiêm chủng có liên quan đến bệnh lý sẵn có của trẻ (14 ca tử vong), 17 trường hợp không xác định nguyên nhân nhưng không có đủ thông tin để kết luận nhưng qua hỏi bà mẹ, hỏi những người trong gia đình không có yếu tố liên quan đến vắc xin. Vì vậy, nó được công chúng gọi là vắcxin "tử thần".
Như vậy, sau 5 tháng dừng tiêm vắcxin Quinvaxem trên toàn quốc, trong tháng 10 tới các điểm tiêm chủng sẽ tiêm trở lại và Bộ Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng và đầy đủ vắcxin này.
Người đứng đầu Cục Y tế Dự phòng cho hay, bộ Y tế đã nhập và sẵn sàng 1,5 triệu liều vắcxin Quinvaxem để tiêm cho trẻ nhỏ trong đợt này.
Theo thông tin từ bộ Y tế, vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức có thư gửi bộ trưởng bộ Y tế Việt Nam thông báo về kết quả kiểm định an toàn đối với vắcxin Quinvaxem do Công ty Berna Biotec, Hàn Quốc sản xuất.
Vắcxin Quinvaxem đã được kiểm định an toàn.
Kết quả kiểm định độc lập của Viện Kiểm định chuẩn thức quốc gia vắcxin và sinh phẩm y tế Vương quốc Anh cũng cho thấy, mẫu vắcxin Quinvaxem thuộc 3 lô 1453037, 1453074 và 1453127 - các lô vắcxin có nghi ngờ liên quan đến phản ứng nặng sau tiêm tại Việt Nam, đã được kiểm định chất lượng tại Phòng Xét nghiệm độc lập thuộc Viện. Kết quả kiểm định ngày 14/6/2013 cho thấy, các lô vắcxin nói trên đạt các yêu cầu về chất lượng.
Kết quả cuộc họp của Ủy ban tư vấn toàn cầu về an toàn tiêm chủng họp ngày 12/6/2013 tại Geneva (Thụy Sỹ) gồm hơn 30 chuyên gia hàng đầu về tiêm chủng đã xem xét tất cả các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vắcxin 5 trong một Quinvaxem, trong đó có Việt Nam và nhận định không có bằng chứng về các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng nặng, tử vong liên quan đến sử dụng vắcxin.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ cũng đã có thông báo gửi Bộ Y tế về việc tiếp tục cho sử dụng vắcxin Quinvaxem trong dự án tiêm chủng mở rộng.
Liên quan đến việc tiêm chủng mở rộng cho trẻ nhỏ, theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng, mỗi tháng trên toàn quốc có 380.000 trẻ thuộc diện tiêm phòng. Vì vậy, thời gian tới việc tiêm vắcxin Quinvaxem trở lại sẽ có khó khăn đó là việc dồn số trẻ của 5 tháng chưa tiêm. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, Bộ Y tế đã đẩy mạnh kiểm tra mọi công tác chuẩn bị cho đợt tiêm này như việc bảo quản dây chuyền lạnh bảo quản vắcxin, đảm bảo duy trì tối đa 50 trẻ/điểm tiêm chủng trong một buổi tiêm...
Vắcxin Quinvaxem được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam từ tháng 6/2010 do Liên minh toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng (GAVI) viện trợ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc, là vắcxin được Tổ chức Y tế thế giới tiền kiểm định về chất lượng. Vắcxin sau khi nhập khẩu vào Việt Nam lại được Viện Kiểm định quốc gia vắcxin và sinh phẩm y tế của Bộ Y tế kiểm định lại về tính an toàn và chất lượng, và cũng trải qua thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và giai đoạn 3 trên trẻ em Việt Nam, được Bộ Y tế cấp giấy phép sử dụng tại Việt Nam. |
P. Sang (t/h)