Chính quyền Tổng thống Niger Mohamed Bazoum bị lật đổ châm ngòi cho khủng hoảng chính trị ở nước này và khu vực Tây Phi. Ảnh: Daily Post
Theo Washington Post, gần một tháng sau khi quân đội Niger thực hiện đảo chính ở nước này, các cuộc đàm phán ngoại giao để giải quyết khủng hoảng có rất ít tiến triển. Tổng thống Niger Mohamed Bazoum vẫn bị giam giữ bởi chính những người lính từng bảo vệ ông. Nguy cơ Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) can thiệp quân sự đã lờ mờ hiện ra.
Thứ bị đe dọa trong cuộc khủng hoảng ở Niger giờ đây không chỉ là số phận của nền dân chủ ở quốc gia Tây Phi này mà còn là uy tín của ECOWAS - khối Tây Phi 15 thành viên đang là trung tâm của các nỗ lực giải quyết tình trạng bế tắc và khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger. Ngay cả khi theo đuổi giải pháp thương lượng, ECOWAS vẫn thông báo rằng đã lựa chọn "ngày can thiệp" vào Niger nếu các giải pháp thương lượng thất bại.
Theo Washington Post, khối Tây Phi này đã vạch ra lằn ranh đỏ ở Niger, sau các cuộc đảo chính ở Mali, Burkina Faso và Guinea - vốn bị ECOWAS chỉ trích nhưng không lên án mạnh mẽ như ở Niger.
Nguồn gốc của ECOWAS
Lực lượng ECOWAS được triển khai tới Mali để chống khủng bố. Ảnh: Reuters
Được thành lập với Hiệp ước Lagos năm 1975, ECOWAS ban đầu được thiết lập như một khối hỗ trợ phát triển quan hệ kinh tế và tiền tệ ở Tây Phi. Sau đó, khối này mở rộng phạm vi đáng kể, bao gồm cả phối hợp quân sự và công tác an ninh.
Năm 1990, ECOWAS thành lập một liên minh gìn giữ hòa bình có tên gọi là Nhóm giám sát ECOWAS, bắt đầu truyền thống can thiệp quân sự vào các nước thành viên có vấn đề.
Nhìn chung, số lượng thành viên của ECOWAS tương đối ổn định trong những năm qua. Hầu hết trong số 15 thành viên của khối thuộc nhóm các nước sáng lập ECOWAS, ngoại trừ Cape Verde. Mauritania là nước duy nhất đã rời khối Tây Phi kể từ khi khối này được thành lập.
Tuy nhiên, một loạt các cuộc đảo chính trong những năm gần đây đã dẫn đến sự chia rẽ sâu sắc trong khối. Mali và Guinea đều có đảo chính vào năm 2021, trong khi Burkina Faso xảy ra binh biến năm 2022 và Niger năm 2023.
Tổng thống Nigeria Bola Ahmed Tinubu dường như thừa nhận vấn đề trên vào tháng 7, trước khi cuộc đảo chính ở Niger diễn ra. Ông Tinubu khi đó nói rằng đang vạch ra một ranh giới với các cuộc đảo chính quân sự. "Chúng tôi sẽ không cho phép đảo chính xảy ra hết lần này đến lần khác trong khu vực", ông Tinubu nói. Tổng thống Nigeria hiện là chủ tịch luân phiên của ECOWAS.
Tiềm lực quân sự của ECOWAS
Abdel-Fatau Musah, Ủy viên về các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh của ECOWAS, tuần trước tuyên bố, hầu hết thành viên không bị đình chỉ của khối đều nói rằng sẽ góp sức nếu có lệnh can thiệp quân sự vào Niger, ngoại trừ Cape Verde - nước không có quân đội chính thức.
Với số lượng tuyệt đối (đầy đủ 15 thành viên), lực lượng quân sự của ECOWAS được đánh giá là rất mạnh. Nigeria, quốc gia đông dân nhất khối, là nước có năng lực quân sự cao nhất ở Tây Phi với số binh sĩ ước tính khoảng 223.000 người và ngân sách quân sự hơn 3 tỷ USD vào năm 2022 - mức cao thứ 3 ở châu Phi, sau Algeria và Ai Cập.
Chỉ xét về quân số và ngân sách, tiềm lực quân sự của khối Tây Phi sẽ áp đảo so với quân đội Niger, ngay cả khi Niamey nhận được hỗ trợ từ các chính quyền quân sự ở Mali và Burkina Faso. Theo Dữ liệu mở của Ngân hàng Thế giới, Nigeria, một thành viên của ECOWAS, có quân số gấp 22 lần số quân của Niger và gấp 4 lần số binh sĩ của Burkina Faso, Mali, Guinea và Niger gộp lại.
Niger, quốc gia không giáp biển, cũng có các điểm yếu đáng kể về mặt hậu cần. Một trong số đó có thể kể đến việc phụ thuộc lớn vào điện do Nigeria cung cấp.
Dù có chênh lệch về tiềm lực quân sự, nhưng việc ECOWAS can thiệp quân sự vào Niger được cho là không dễ dàng, tờ Washington Post nhận định.
Trong lịch sử chiến tranh thế giới, không ít trường hợp các lực lượng được cho là yếu hơn lại có chiến thắng trước các thế lực mạnh hơn. Một cuộc can thiệp quân sự vào Niger có thể sẽ cần một lực lượng lớn hơn nhiều so với con số 7.000 quân được gửi tới Gambia 6 năm trước. Niger lớn hơn Gambia rất nhiều cả về địa lý và dân số.
Nhiều nước thành viên ECOWAS, trong đó có Nigeria, đang phải vật lộn với các vấn đề an ninh của chính họ, khiến việc gửi binh sĩ và thiết bị đến Niger (nếu xảy ra can thiệp quân sự) sẽ gặp khó khăn.
Hãng Reuters tuần trước đưa tin, không ít người dân ủng hộ chính quyền quân sự Niger đã tham gia vào lực lượng tình nguyện để đối phó với nguy cơ về một hành động can thiệp quân sự. Theo hãng tin AP, chính quyền quân sự đã đe dọa có thể sát hại Tổng thống Bazoum nếu ECOWAS can thiệp quân sự.
Việc ECOWAS tuyên bố ý định can thiệp quân sự vào Niger đang gây tranh cãi. Ảnh minh họa: Africa News
Khả năng can thiệp quân sự của ECOWAS có được ủng hộ?
Trong các tuyên bố, Liên minh châu Phi (AU) đã tránh thảo luận về vấn đề can thiệp quân sự. AU dường như bị chia rẽ về vấn đề này, làm dấy lên nghi ngờ về tính hợp pháp của việc ECOWAS can thiệp quân sự vào Niger khi chưa có sự chấp thuận của AU.
Một số quốc gia láng giềng của Niger như Algeria đã bày tỏ lo ngại về việc can thiệp quân sự có thể gây ra những hậu quả khôn lường. "Chúng ta có thể bắt đầu can thiệp quân sự nhưng sẽ không thể biết nó kết thúc ra sao", ông Ahmed Attaf, Ngoại trưởng Algeria, nói trong chuyến thăm Washington gần đây.
Chính phủ Mỹ nói rằng sẽ ủng hộ ECOWAS nhưng chú trọng biện pháp ngoại giao hơn can thiệp quân sự. Washington có khoảng 1.000 binh sĩ đồn trú ở Niger để thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố. Nếu xảy ra can thiệp quân sự ở Niger, các binh sĩ Mỹ có nguy cơ bị vướng vào cuộc xung đột.
Pháp cũng ủng hộ ECOWAS nhưng nước này phải đối mặt với làn sóng chống Pháp ở Tây Phi. Trong khi đó, Nga cảnh báo về việc can thiệp quân sự vào Niger, cho rằng điều đó sẽ dẫn đến "sự bất ổn rõ rệt" trong khu vực.
J.Peter Pham, một thành viên của tổ chức phi chính phủ Atlantic Council (trụ sở tại Mỹ), cho rằng ECOWAS đã "chơi quá tay" khi đe dọa một sự can thiệp quân sự mà họ chưa lên kế hoạch hoặc tính toán đầy đủ.
Peter Pham cho rằng, để đủ độ tin cậy, một lực lượng can thiệp phải có quân số gấp 3 lần quân đội Niger - vốn có khoảng 5.000 binh sĩ chỉ tính riêng ở thủ đô Niamey.
"Thậm chí, không ai gợi ý về những con số như vậy", Peter Pham nói và gọi lời đe dọa can thiệp quân sự của ECOWAS là "một cái bẫy mà giới lãnh đạo của khối tự sa vào". "Quy tắc ngoại giao cơ bản là không bao giờ hứa hay đe dọa khi bạn không đủ khả năng hoặc chưa sẵn sàng thực hiện", chuyên gia của Atlantic Council nói.
Khối Tây Phi từng can thiệp quân sự ở đâu? Lực lượng của ECOWAS từng can thiệp quân sự vào Gambia năm 2017. Ảnh: Ceprass Lần gần nhất ECOWAS can thiệp quân sự vào một quốc gia thành viên là vào năm 2017 ở Gambia. Khối này đã gửi 7.000 binh sĩ đến từ Ghana, Nigeria và Senegal tới Gambia để buộc Tổng thống Yahya Jammeh chuyển giao quyền lực cho ông Adama Barrow, người thắng cử năm đó. Ông Jammeh, người phản đối kết quả bầu cử, cuối cùng phải nhượng bộ. Đổ máu không xảy ra. Trước đó, lực lượng quân sự của ECOWAS đã hoạt động như lực lượng gìn giữ hòa bình ở Liberia và Sierra Leone trong thập niên 90. ECOWAS bị chỉ trích vì thiếu sự nhất quán trong các biện pháp can thiệp. Dù đã can thiệp quân sự vào Gambia năm 2017, khối Tây Phi này đã không can thiệp quân sự khi đảo chính xảy ra ở Mali, Burkina Faso và Guinea. ECOWAS chỉ phản ứng bằng cách đình chỉ tư cách thành viên và đưa ra biện pháp trừng phạt với chính quyền quân sự các nước này. "Những mâu thuẫn này làm tổn hại đến tính hợp pháp của ECOWAS, khiến các chính quyền quân sự có lý do để không tôn trọng khối này", Kamissa Camara, cựu Ngoại trưởng Mali, nói trong cuộc phỏng vấn gần đây với Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch. |
Nguyễn Thái - Washington Post