Đặc sắc vùng "quê vua, đất chúa"
Thanh Hóa từ lâu đã được xem là vùng đất địa linh nhân kiệt, là quê hương của ít nhất "3 dòng vua, 2 dòng chúa" trong lịch sử phong kiến nước ta. Ngoài ra, Thanh Hóa còn là quê hương của các vị anh hùng dân tộc nổi tiếng trong lịch sử phong kiến như Bà Triệu, Dương Đình Nghệ... và có nhiều căn cứ nghiên cứu khẳng định là quê hương của vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn).
Bên cạnh đó, đất thiêng xứ Thanh cũng có nhiều địa danh văn hóa, lịch sử gắn liền với nhiều truyền thuyết dân gian được ghi chép trong lịch sử nước nhà.
Theo đó, Thanh Hóa là địa phương được mệnh danh là "quê vua, đất chúa" khi có tới 64 vị vua chúa gắn liền với quê hương xứ Thanh. Vùng đất này là đất "quý hương" của các triều đại phong kiến gồm nhà Tiền Lê (nhiều cơ sở khẳng định), nhà Hậu Lê, nhà Hồ, nhà Nguyễn và 2 đời chúa là chúa Trịnh, chúa Nguyễn.
Bởi vậy, dân gian có nhiều câu ví von liên quan tới vùng đất Thanh Hóa như: "đất đế vương chung hội", "đất vua", "vua xứ Thanh, thần xứ Nghệ", "Thanh thế, Nghệ thần"... để miêu tả về vùng đất địa linh nhân kiệt, có vị trí địa chính trị quan trọng bậc nhất Việt Nam này.
Bên cạnh nhiều nhân kiệt, không thể bỏ qua những "địa linh" đặc sắc hiếm có của xứ Thanh như: huyệt đạo núi Nưa, thuộc khu di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên trên đỉnh núi Nưa, huyện Triệu Sơn, hay những thắng cảnh gắn liền với các sự tích dân gian linh thiêng, huyền bí được lưu truyền: quần thể di tích Quốc gia đặc biệt danh thắng núi Trường Lệ với sự tích đền Độc Cước, đền Cô Tiên, hòn Trống Mái...; Di tích đền Mai An Tiêm (tại huyện Nga Sơn) gắn liền với sự tích dưa hấu từ thời vua Hùng; Di tích động Từ Thức (xã Nga Thiện, Nga Sơn) với câu chuyện Từ Thức gặp tiên...
Đáng chú ý, tiếp nối truyền thống vẻ vang về đánh đuổi giặc ngoại xâm trong lịch sử, ở thời kỳ kháng chiến, Thanh Hóa cũng được biết tới là một trong những địa phương đi đầu, đóng góp nhiều "sức người sức của" cho cách mạng. Tại địa phương này còn lưu dấu nhiều di tích minh chứng cho lịch sử hào hùng đó như: di tích lịch sử chiến khu ATK Ngọc Trạo (huyện Thạch Thành), di tích lịch sử cầu Hàm Rồng (Tp.Thanh Hóa), hay mới đây Thanh Hóa khánh thành Khu lưu niệm đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, tại Tp.Sầm Sơn....
Có thể thấy, những địa danh kể trên đã thể hiện rõ phần nào cho vùng đất "địa linh nhân kiệt" Thanh Hóa với hình thế "đắc địa", vừa có rừng, có biển, có sông và cả núi cao che chắn... đầy đủ như một nước Việt Nam thu nhỏ.
Về vùng đất linh thiêng này, theo Việt sử địa dư của Phan Đình Phùng, có chép "Trần Thái Tông niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 17 (1248), sai người giỏi về phong thủy đi trấn áp vượng khí trong khắp núi sông, như núi Chiêu Bạc, sông Bà, sông Lễ ở Thanh Hóa, đều đào và đục đi. Tuy nhiên thực tế lịch sử vẫn chứng kiến sự xuất hiện lần lượt của triều đại nhà Hồ và nhà Hậu Lê ở Thanh Hóa, đã cho thấy linh khí lớn của vùng đất địa linh nhân kiệt xứ Thanh.
Bề dày di sản văn hóa và lịch sử là cơ sở để du lịch xứ Thanh phát triển
Xác định rõ những lợi thế riêng như bề dày di sản văn hóa và lịch sử, cùng cảnh sắc thiên nhiên con người, tại Nghị quyết số 58 NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thanh Hóa đặt mục tiêu xây dựng, phát triển ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn sau năm 2030, và trụ cột của kinh tế Thanh Hóa vào năm 2045. Tỉnh Thanh Hóa khuyến khích phát triển các loại hình du lịch văn hóa, đặc biệt là du lịch di sản, du lịch văn hóa tâm linh; liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa với các vùng, miền, địa phương trong cả nước.
Trên cơ sở đó, tỉnh Thanh Hóa những năm qua cũng đã ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện nhiệm vụ tu bổ tôn tạo di tích như đầu tư hơn 100 tỷ đồng để hoàn thành phỏng dựng Chính điện Lam Kinh, đầu tư phục dựng mới với kinh phí trên 460 tỷ đồng Khu di tích quốc gia Lăng miếu Triệu Tường, đầu tư 20 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo lại Khu Di tích lịch sử văn hóa nghè Vẹt, dự án Khu tưởng niệm sự kiện đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc...
"Thực hiện Kết luận số 82 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường lãnh đạo của cấp ủy về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh giai đoạn 2017-2025, Tp.Sầm Sơn đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh gắn phát triển du lịch trong đó điểm nhấn là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt danh thắng núi Trường Lệ, Khu tưởng niệm sự kiện đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc...
Ngoài ra, thành phố cũng duy trì tổ chức các lễ hội, trò chơi, nghề truyền thống. Nhờ bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống gắn với tiềm năng nhiên nhiên ban tặng để phát triển du lịch, nên lượng du khách đến với thành phố đã tăng lên rõ rệt các năm qua. Trong 9 tháng đầu năm 2024, thành phố đón trên 8,5 triệu lượt khách, thu trên 16.480 tỷ đồng, mức kỷ lục từ trước tới nay", ông Dương Đức Hưng, Giám đốc Trung tâm văn hóa thể thao du lịch Tp.Sầm Sơn cho biết.
Chia sẻ về cảm nhận của du khách khi tham gia loại hình du lịch văn hóa, lịch sử, chị Đỗ Thị Xuân Thanh, hướng dẫn viên Trung tâm bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ cho biết: "Khi thực hiện các tour du lịch tâm linh xung quanh thành nội của thành nhà Hồ, du khách đến đây cảm giác đều rất thích thú và chào đón. Khi đi thăm quan xung quanh thành nội, du khách sẽ cảm nhận được đầy đủ nhất, rõ nét nhất giá trị văn hóa lịch sử và kiến trúc độc đáo của di sản".
Chị Lê Thị Duyên, du khách tới từ Hà Nội cho biết: "Lần này tôi cho trẻ con về ngoại ở miền Trung tiện đường cao tốc cho các cháu qua Lam Kinh nhân dịp lễ hội vua Lê Lợi. Tôi thấy đây là điểm đến du lịch quá tuyệt vời của Thanh Hóa. Nơi đây, chúng tôi ngoài thăm những tòa nhà kiến trúc thời phong kiến và lăng mộ các vua, thì khung cảnh ở đây phải nói rất đẹp, nguyên sơ, không khí trong lành mát mẻ với những cây cổ thụ lớn, cảm giác như lạc vào thời xưa hàng trăm năm".
Ông Nguyễn Xuân Toán, Trưởng Ban quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay tỉnh rất quan tâm cho công tác bảo tồn và chiến lược xây dựng phát triển du lịch tâm linh. Vì vậy, những năm qua di tích được trùng tu, bảo tồn tốt hơn. Cùng với đó, công tác tuyên truyền thực hiện tốt giúp nhiều du khách quan tâm, tìm về tham quan, chiêm bái tại khu di tích.
"Trong những năm qua, xu hướng du lịch tâm linh của người dân rất cao. Tuy nhiên, du lịch tâm linh chỉ "bùng nổ" mạnh mẽ vào các tháng đầu năm, Do đó, để thu hút khách tìm đến suốt 4 mùa, ngoài việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị hiện có, Ban quản lý đã và đang chú trọng công tác tuyên truyền, đa dạng loại hình xây dựng thêm các tour, tuyến du lịch kết nối với các điểm đến khác", ông Toán cho biết.
Theo Sở Văn hóa thể thao du lịch Thanh Hóa cho biết, Thanh Hóa là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời với số lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể lớn, gồm hơn 1.535 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ. Trong đó, có 1 di sản thế giới, 6 di tích quốc gia đặc biệt, 139 di tích quốc gia và 711 di tích cấp tỉnh. Ngoài văn hóa vật thể, Thanh Hóa cũng có hàng trăm lễ hội, lễ tục, trò diễn dân gian ở khắp các vùng miền được lưu giữ, trong đó 15 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục quốc gia. Đây được xem là cơ sở, lợi thế hiếm có để du lịch Thanh Hóa phát triển.
Những năm gần đây, số lượng khách tham gia du lịch tâm linh ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu khách du lịch của tỉnh. Điều đó cho thấy sức hút của du lịch tâm linh ngày càng cao. Bởi vậy, để khắc phục yếu tố mùa vụ, đưa du lịch tâm linh ngày càng phát triển, trở thành "kỳ quan bốn mùa", hiện nay các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đang chú trọng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết, ngành Du lịch tỉnh này đang tập trung hoàn thiện đa dạng loại hình du lịch. Song song với đó, Thanh Hóa tăng cường tuyên truyền các chương trình kích cầu du lịch trên nhiều kênh truyền thông, nền tảng số... Đồng thời, tích cực khai thác tốt tiềm năng về bề dày di sản văn hóa lịch sử của địa phương để thúc đẩy phát triển "du lịch bốn mùa".
"Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tổ chức chuỗi các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tại nhiều địa phương nhằm thu hút du khách biết tới, quan tâm hơn và tham gia vào các loại hình du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh. Bề dày di sản văn hóa lịch sử là tiềm năng lớn và cơ sở quan trọng để Thanh Hóa thúc đẩy phát triển du lịch 4 mùa", bà Yến thông tin.