Thiên đường của rừng xanh
Cách Tp.Buôn Ma Thuột khoảng 18km, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) không chỉ được biết đến là xã có diện tích lớn nhất tỉnh mà còn là xã có diện tích lớn nhất Việt Nam, với 111.379,07 ha (hơn 1.110 km2).
Trong bức tranh rộng lớn ấy, diện tích đất lâm nghiệp của xã Krông Na chiếm tỉ lệ ấn tượng đến 98,17% (106.723,92ha).
Diện tích rộng lớn đất lâm nghiệp khiến xã Krông Na trở thành một vùng đất xanh mát, nối liền một dải rừng tự nhiên từ phía Nam Vườn Quốc gia Yók Đôn đến rừng Ea Súp ở phía Bắc.
Nơi đây không chỉ là thiên đường của rừng xanh mà còn là nơi lưu giữ nhiều nguồn gen động vật hoang dã và thực vật quý hiếm. Những khu rừng tự nhiên ở đây tạo môi trường sống lý tưởng cho nhiều loài thú rừng đặc trưng, góp phần làm phong phú thêm hệ sinh thái.
Theo thống kê của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, rừng Buôn Đôn, mà chủ yếu nằm ở Krông Na, có 464 loài thực vật thuộc 94 họ, cùng với 62 loài thú, 196 loài chim, 13 loài ếch, và 40 loài bò sát tại Vườn Quốc gia Yók Đôn. Điều này tạo lợi thế quý giá cho phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn.
Ngoài cảnh quan rừng núi, xã Krông Na còn được thiên nhiên ưu đãi với mạng lưới sông suối dày đặc, thuộc hạ lưu của sông Sêrêpốk. Chảy qua xã với chiều dài 30-40 km, sông Sêrêpốk không chỉ mang đến vẻ đẹp hùng vĩ mà còn tạo ra những khung cảnh thơ mộng, làm say đắm lòng người.
Không chỉ hấp dẫn bởi thiên nhiên, xã Krông Na còn là xứ sở voi của núi rừng Tây Nguyên, với những câu chuyện huyền bí. Hiện nay, trên địa bàn có 19 con voi, gắn liền với văn hóa bản địa... Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ nhiều di sản mang dấu ấn văn hóa Lào, như cây Bồ Đề trên 100 tuổi tại buôn Yang Lành; ngôi nhà cổ của vua săn voi Y Thu K’Nul - người mang trong mình dòng máu Lào - M’Nông.
Cứ vào dịp trung tuần tháng 4 dương lịch hằng năm, hơn 100 người Việt gốc Lào sinh sống tại xã Krông Na lại tưng bừng vui đón Tết cổ truyền Bunpimay, với nhiều nghi lễ độc đáo. Đây là hành động thiết thực nhằm tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, vun đắp tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt – Lào vốn đã gắn bó keo sơn, càng thêm keo sơn gắn bó.
Đa dạng mô hình phát triển du lịch
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Y Lươm Knul, Phó Chủ tịch xã Krông Na, cho hay, mặc dù Krông Na là xã có tổng diện tích lớn nhất cả nước, với 111.379,07ha, nhưng diện tích đất sản xuất rất hạn chế. Bởi diện tích trên địa bàn chủ yếu là rừng khộp của Vườn quốc gia Yok Đôn.
Nhiều năm nay, người dân trên địa bàn sinh sống chủ yếu canh tác cây nông nghiệp ngắn ngày như: lúa, mì, khoai, mía... Tuy nhiên, do thiếu đất sản xuất nên hiện nay đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Toàn xã hiện có 712 hộ nghèo (chiếm 41,15%) và 274 hộ cận nghèo (chiếm 15,83%).
Để cải thiện tình hình, thời gian qua, chính quyền địa phương nơi đây thường xuyên tuyên truyền, tập huấn cho người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập. Nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn được triển khai nhằm góp phần phát triển kinh tế cho địa phương và tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Đối với cây mía, ngoài việc doanh nghiệp ký hợp đồng với người dân, địa phương cũng đã thành lập các tổ hợp tác để trồng mía nhằm sản xuất theo hướng bền vững. Ngoài ra, tại xã Krông Na còn xây dựng các tổ hợp tác trồng mì...
Ngoài việc chú trọng phát triển nông nghiệp, ông Y Lươm Knul, Phó Chủ tịch xã Krông Na, cho hay, xã cũng đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển du lịch dựa trên những tiềm lực sẵn có của địa phương. Hằng năm, vào các dịp lễ, Tết và kỳ nghỉ hè,... xã Krông Na thu hút khoảng 15.000 lượt du khách trong và ngoài nước.
Hiện nay, trên địa bàn xã Krông Na có 2 điểm du lịch gồm: khu du lịch cầu treo và khu du lịch sinh thái Ánh Dương. Trong đó, khu du lịch sinh thái Ánh Dương có tổng diện tích khoảng 200ha... Các điểm du lịch này đã góp phần tạo công ăn việc, nâng cao thu nhập cho một số người dân địa phương.
Đặc biệt, xã Krông Na đang triển khai 2 mô hình du lịch homestay tại buôn Yang Lành và buôn Trí, với tổng cộng 20 nhà sàn được chọn đầu tư để phục vụ du khách. Đây không chỉ là cơ hội để phát triển kinh tế cho cộng đồng mà còn mang đến trải nghiệm độc đáo cho du khách đến với địa phương.
Cũng theo thông tin từ ông Y Lươm Knul, chủ của các căn nhà sàn trong hai mô hình nói trên được chính quyền địa phương đưa đi tham quan, học tập, tập huấn để đón khách lưu trú. Đồng thời, các hộ dân còn được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cần thiết như: đệm, chăn, màn, nhà tắm, nhà vệ sinh, tủ đựng quần áo, các vật dụng sinh hoạt, hệ thống đường điện thắp sáng....
Để thuận lợi cho việc di chuyển của du khách đến các nhà sàn, chính quyền địa phương đã dựng các sơ đồ chỉ dẫn trên các tuyến đường. Tại mỗi ngôi nhà sàn, du khách có cơ hội trải nghiệm, hòa mình vào cuộc sống thường nhật của người dân nơi đây và thưởng thức các món ăn truyền thống và tìm hiểu phong tục tập quán của người đồng bào dân tộc thiểu số.
Bà H Phiếu Hwing (SN 1978, trú tại buôn Trí, xã Krông Na) chia sẻ: "Nhờ sự hỗ trợ của nhà nước, gia đình tôi bắt đầu triển khai đón khách lưu trú từ tháng 3/2024. Đến đầu tháng 12/2024, gia đình tôi đã đón tổng cộng 50 du khách lưu trú khi đến tham quan, trải nghiệm tại địa bàn xã Krông Na. Dù lượng du khách chưa nhiều nhưng cũng giúp cải thiện thu nhập cho gia đình".
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na, khó khăn lớn nhất trong việc phát triển du lịch của địa phương hiện nay là không có dịch vụ lưu trú cho du khách nước ngoài. Bởi xã Krông Na thuộc địa bàn biên giới nên khách nước ngoài không được lưu trú trên địa bàn, nếu không có giấy xác nhận hoặc thẻ lưu trú do Công an tỉnh cấp.
Ông Y Lươm Knul, Phó Chủ tịch xã Krông Na, cho biết, năm 2024, chính quyền xã Krông Na tiếp tục tổ chức tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản như: Xây dựng đường giao thông nông thôn, thiết chế văn hóa, duy tu bảo dưỡng... Đến nay, xã đã đạt 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Khánh Ngọc