Những dấu hiệu của cuộc sống đời thường ở Ukraine thời chiến phản ánh khả năng phục hồi vượt trội của nền kinh tế nước này bất chấp cuộc xung đột đang diễn ra với Nga.
Giao tranh liên miên đã tàn phá nền kinh tế, với mức giảm 30% trong năm 2022 khi Moscow bắt đầu mở chiến dịch quân sự. Tình hình cải thiện vào năm 2023. Được hỗ trợ bởi hàng chục tỷ USD viện trợ nước ngoài, nền kinh tế đã ổn định khi các doanh nghiệp thích nghi với thực tế thời chiến.
Năm nay, theo Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Phát triển Kinh tế và Thương mại Ukraine Yulia Svyrydenko, mức tăng trưởng dự kiến sẽ là 4,6%.
Khi giao tranh vẫn chưa thấy hồi kết, công cuộc tái thiết đã bắt đầu. Các cam kết và nguồn tài trợ đang được hiện thực hóa cùng với mạng lưới hỗ trợ ngày càng phát triển.
Việc tái thiết Ukraine phải dựa trên nguyên tắc “Build Back Better” (Xây dựng lại tốt hơn) cũng như sự chuyển đổi xanh và chuyển đổi số của nền kinh tế Ukraine, trang tin độc lập Emerging Europe cho biết hôm 13/6, trích dẫn một nghiên cứu mới của Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Vienna (wiiw) và Bertelsmann Stiftung.
Đây cũng là khuyến nghị chính của các tổ chức tư vấn wiiw của Áo và Bertelsmann Stiftung của Đức. Đặc biệt, theo các chuyên gia, 6 lĩnh vực của nền kinh tế Ukraine có tiềm năng thành công lớn và có thể được các nhà đầu tư quan tâm bao gồm: Năng lượng tái tạo, nguyên liệu thô quý hiếm, gia công kim loại, cơ khí, công nghiệp thực phẩm và công nghệ thông tin (CNTT).
Tập trung vào các lĩnh vực này sẽ giúp Ukraine có bước nhảy vọt về phát triển kinh tế và thiết lập các lĩnh vực công nghệ tiên tiến với giá trị gia tăng cao hơn. Nó cũng có thể thúc đẩy đáng kể quá trình hội nhập của đất nước vào thị trường chung EU ngay cả trước khi Kiev gia nhập khối 27 quốc gia châu Âu.
“Tuy nhiên, điều này sẽ đòi hỏi những cải cách thể chế trong các lĩnh vực pháp quyền và chống tham nhũng, phải được kết hợp với chính sách công nghiệp và chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)”, bà Olga Pindyuk, chuyên gia về Ukraine tại wiiw và đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.
3 khuyến nghị
Đối với EU, nghiên cứu có 3 khuyến nghị dành cho Brussles. “Xét đến thực tế là Brussels có vai trò dẫn đầu nhờ sự điều phối trong quá trình Ukraine gia nhập EU, nên khối này cũng đóng vai trò nhất định trong công cuộc tái thiết”, bà Miriam Kosmehl, chuyên gia cấp cao về Đông Âu và Khu vực lân cận EU tại Bertelsmann Stiftung, nhấn mạnh.
“Nếu Ukraine và EU giải quyết vấn đề này một cách nhất quán ngay từ đầu thì chi phí tái thiết và hiện đại hóa nền kinh tế sẽ không phải gánh chịu hai lần”, vị chuyên gia chỉ ra.
Đầu tiên, EU cần giúp Ukraine khắc phục điểm yếu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn càng trở nên khó khăn hơn do chiến sự. Tuy nhiên, việc tập trung vào thế mạnh của Ukraine mang lại cơ hội vì nó phù hợp với các mục tiêu chuyển đổi của EU cũng như chính sách công nghiệp đang phát triển và Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD). Một mô hình bền vững để thu hút FDI cần vượt xa mức lương thấp và thuế thấp.
“Để đạt được mục tiêu này, EU phải thúc đẩy cải thiện năng suất lao động thông qua việc hội nhập hoàn toàn Ukraine vào các chương trình giáo dục, nghiên cứu và phát triển cũng như chính sách công nghiệp của châu Âu cũng như các thể chế tốt hơn ở Ukraine”, bà Pindyuk giải thích.
Thứ hai, EU nên cải thiện khả năng tiếp cận thị trường nội địa và hội nhập của Ukraine vào chuỗi giá trị EU để đạt được sự hài hòa về quy định hơn với các tiêu chuẩn của EU, chẳng hạn như thông qua việc tham gia trực tiếp và sớm vào các sáng kiến của EU về thương mại, Thỏa thuận Xanh EGD và thị trường số cũng như về cơ sở hạ tầng và kết nối.
Tạo thuận lợi thương mại tạm thời nên được thực hiện lâu dài thay vì nhượng bộ theo phản xạ bảo hộ, như trường hợp hiện nay trong nông nghiệp và công nghiệp. “Bằng cách tận dụng lợi thế so sánh của Ukraine, sự độc lập về kinh tế của EU – chẳng hạn như về nguyên liệu thô tối quan trọng hoặc năng lượng tái tạo – cũng có thể được tạo điều kiện thuận lợi”, bà Kosmehl nói.
Thứ ba, nghiên cứu của wiiw và Bertelsmann Stiftung kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ giữa EU và Ukraine nhằm phát triển chính sách công nghiệp của Ukraine và điều chỉnh các nỗ lực tái thiết phù hợp với thế mạnh kinh tế hiện có và các thị trường đầy hứa hẹn.
FDI là chìa khóa
Thu hút FDI sẽ rất quan trọng cho sự thành công của công cuộc tái thiết Ukraine. Nguồn vốn tư nhân có vai trò quan trọng trong quá trình tái thiết vì chúng có thể được sử dụng linh hoạt hơn và theo những cách đa dạng hơn so với nguồn vốn từ các nhà tài trợ công và nhà nước, mặc dù nguồn vốn này có thể mang lại sự thúc đẩy ban đầu.
Ngoài ra, do FDI thường đi kèm với chuyển giao công nghệ và hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nên nó có thể đóng góp rất lớn vào việc Ukraine hội nhập vào thị trường chung EU và nền kinh tế toàn cầu.
Kể từ những năm 1990, Ukraine đã phải đối mặt với những thách thức trong nỗ lực thu hút lượng vốn FDI đáng kể. Trên thực tế, với nguồn vốn bình quân đầu người chỉ khoảng 1.100 Euro, Ukraine là một trong những nước có nguồn vốn FDI thấp nhất trong số các nước châu Âu.
“Những đảm bảo về an ninh quân sự từ phương Tây cũng như những cải cách thể chế trong lĩnh vực pháp quyền và quyền sở hữu là những điều kiện tiên quyết cần thiết cho dòng vốn FDI trên quy mô lớn”, bà Pindyuk cho biết.
Trong những năm gần đây, Ukraine đã thông qua một số luật quan trọng để thúc đẩy FDI. Vào tháng 5, Ngân hàng Trung ương Ukraine (NBU) cũng mở cửa nhiều hơn cho các nhà đầu tư tư nhân bằng cách bắt đầu nới lỏng các hạn chế về ngoại hối.
Điều mang lại sự nhẹ nhõm đáng kể cho các nhà đầu tư vì giờ đây họ được phép – trong một số giới hạn nhất định – chuyển lợi nhuận ra khỏi đất nước và trả các khoản vay, hợp đồng thuê và tiền thuê ở nước ngoài.
Ngành CNTT đầy triển vọng
Lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) mang lại tiềm năng to lớn cho FDI, đã được chứng minh là có khả năng phục hồi đặc biệt trong chiến tranh và là một trong những ngành hứa hẹn nhất cho tương lai trên toàn thế giới. Ukraine có vị trí tốt trong lĩnh vực này.
“Trong 10 năm qua, lĩnh vực CNTT đã phát triển thành một trong những lĩnh vực năng động nhất ở Ukraine, với mức tăng trưởng vững chắc theo định hướng xuất khẩu và chiếm khoảng 4% tổng giá trị gia tăng vào năm 2021”, bà Pindyuk lưu ý.
“Trước xung đột, lĩnh vực này đã tuyển dụng gần 300.000 người và hệ thống giáo dục cũng tạo ra nhiều sinh viên tốt nghiệp CNTT mỗi năm hơn đáng kể so với các nước láng giềng ở Trung và Đông Âu – cụ thể là 68 sinh viên tốt nghiệp trên 100.000 dân ở Ukraine so với 23 ở Ba Lan, 46 ở Hungary và 54 ở Estonia”, bà cho hay.
“Nếu Ukraine khai thác triệt để tiềm năng của mình, nước này có thể trở thành một cường quốc CNTT và phát triển lĩnh vực này thành một trong những trụ cột chính của nền kinh tế”, vị chuyên gia kết luận.
Minh Đức (Theo Emerging Europe, NPR, WEF)