Ngày 15-12, BS Nguyễn Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc BV Đa khoa Phú Yên, cho biết hôm nay (16-12) sẽ báo cáo Sở để kiến nghị Bộ Y tế làm rõ việc một bác sĩ, một điều dưỡng của bệnh viện này bị Hội đồng Thi hành án tử hình TAND tỉnh buộc đưa kim tiêm vào tĩnh mạch tử tù. Còn BS Phan Vũ Nhân, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Yên, cho biết sẽ làm việc với TAND tỉnh xung quanh sự việc này. “Chúng tôi sẽ làm rõ vì sao trước khi đi cùng đoàn công tác họ nói bác sĩ làm nhiệm vụ này nhưng khi đến nơi họ lại giao nhiệm vụ khác”.
Tòa sẽ kiến nghị làm rõ
Ông Nguyễn Hữu Phúc, Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Yên, xác nhận cơ quan này có kiểm sát việc thi hành án tử hình đối với phạm nhân Nguyễn Thành Khâu (33 tuổi, ngụ xã An Nghiệp, huyện Tuy An, Phú Yên) tại trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, đoàn cán bộ của VKS không đi cùng đoàn công tác thi hành án nên ông chưa rõ sự việc.
Thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc ở Mỹ. Ảnh: OZZIE NEWS
Theo ông Nguyễn Phi Đô, Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Yên, Chủ tịch Hội đồng Thi hành án tử hình phạm nhân Nguyễn Thành Khâu, trước khi đưa phạm nhân từ trại tạm giam Công an tỉnh Phú Yên đến trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk để thi hành án tử hình, ông đã trực tiếp đi tìm hiểu quy trình thi hành án. “Khi thi hành án tử hình, các tỉnh, thành khác cũng giao bác sĩ đưa kim vào tĩnh mạch phạm nhân. Tôi trao đổi với đội thi hành án hình sự Công an tỉnh Phú Yên, anh em cũng nói khi tập huấn, Bộ Công an nói bác sĩ hỗ trợ xác định tĩnh mạch tức là đưa kim vào tĩnh mạch. Sở dĩ phải cần đến bác sĩ là do tử tù bị giam lâu ngày, các tĩnh mạch lặn hết, xác định rất khó nên luật mới quy định như vậy” - ông Đô giải thích.
ũng theo ông Đô, trước đây trong dự thảo Luật Thi hành án hình sự chuyển từ tử hình bằng xử bắn sang tiêm thuốc độc có quy định bác sĩ sẽ trực tiếp tiêm thuốc độc. Tuy nhiên, Bộ Y tế phản ứng vì cho rằng thiên chức của bác sĩ là cứu người. Do đó, khi ban hành, Luật Thi hành án hình sự chỉ quy định bác sĩ hỗ trợ xác định tĩnh mạch. “Sau sự việc trên, tôi nghĩ nên có thông tư hướng dẫn rõ hơn trách nhiệm của bác sĩ khi tham gia làm nhiệm vụ thi hành án tử hình” - ông Đô nói.
Không phải nhiệm vụ của bác sĩ
Trao đổi với chúng tôi, hầu hết các luật sư đều khẳng định: Việc xác định tĩnh mạch tử tù để tiêm thuốc độc thi hành án thuộc trách nhiệm của đội thi hành án.
Luật sư Lương Khải Ân (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: Nghị định 82/2011 quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh là “Lập đội thi hành án tử hình làm nhiệm vụ trực tiếp thi hành án tử hình gồm đội trưởng và các tổ; áp giải, xác định tĩnh mạch và tiêm thuốc”.
Cũng theo nghị định này, cán bộ trực tiếp thi hành án tử hình chịu trách nhiệm xác định tĩnh mạch, tiêm thuốc.Như vậy, sự có mặt của các bác sĩ hoặc điều dưỡng thuộc Sở Y tế chỉ nhằm “hỗ trợ xác định tĩnh mạch” theo yêu cầu của chủ tịch hội đồng thi hành án và chỉ thực hiện công việc khi cán bộ trực tiếp thi hành án (thuộc đội thi hành án) không tìm được tĩnh mạch của tử tù để tiêm thuốc. “Theo chúng tôi, nếu Hội đồng Thi hành án tử hình TAND tỉnh Phú Yên chưa qua quy trình trên thì cán bộ y tế có quyền từ chối thực hiện. Về lâu dài, cần làm rõ và luật hóa việc tìm tĩnh mạch nếu không dùng kim trực tiếp đưa vào thì có xác định được hay không? Các Sở Y tế cũng cần có đội ngũ y tế chuyên trách để hỗ trợ công tác thi hành án tử hình theo quy định mới để tránh những cú sốc với cán bộ y tế trẻ” - luật sư Ân nói.
Còn luật sư Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa, cho biết thêm: “Theo Luật Thi hành án hình sự hiện hành, bác sĩ, điều dưỡng không phải thành viên của hội đồng thi hành án tử hình. Do đó, họ có quyền từ chối thực hiện công việc không thuộc chức năng, thậm chí là trái với y đức. Việc từ chối đó hoàn toàn không vi phạm pháp luật vì nhiệm vụ xác định tĩnh mạch, tiêm thuốc đối với tử tù là công việc của cán bộ chuyên môn thuộc cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh. Mặt khác, việc có quyết định cử bác sĩ của bệnh viện thuộc Sở Y tế để hỗ trợ việc xác định tĩnh mạch không phải bắt buộc mà chỉ áp dụng trong trường hợp cần thiết. Bác sĩ, điều dưỡng viên có quyền từ chối thực hiện công việc trái với lương tâm nghề nghiệp mình theo đuổi”.
Trách nhiệm của cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh + Tham gia hội đồng thi hành án tử hình;… Lập đội thi hành án tử hình làm nhiệm vụ trực tiếp thi hành án tử hình gồm đội trưởng và các tổ; áp giải, xác định tĩnh mạch và tiêm thuốc. + Cán bộ trực tiếp thi hành án tử hình chịu trách nhiệm thực hiện các bước sau: (…) b) Xác định tĩnh mạch để thực hiện tiêm: Trường hợp không xác định được tĩnh mạch thì báo cáo chủ tịch hội đồng thi hành án để yêu cầu bác sĩ hỗ trợ xác định tĩnh mạch… Triển khai việc thi hành án tử hình Cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh có trách nhiệm lập kế hoạch triển khai việc thi hành án tử hình (…); chủ tịch hội đồng thi hành án tử hình ra quyết định hoặc có văn bản yêu cầu Sở Y tế cấp tỉnh nơi tòa án đã ra quyết định thi hành án cử bác sĩ của bệnh viện thuộc Sở Y tế đến địa điểm thi hành án tử hình để hỗ trợ việc xác định tĩnh mạch của người bị thi hành án tử hình trong trường hợp cần thiết. (Theo Điều 8, 11 Nghị định 82/2011 và Điều 9 Thông tư liên tịch 05/2013) Hỗ trợ không đồng nghĩa là trực tiếp tiêm kim Theo một y tá, trong thực tế có những trường hợp nhân viên y tế không xác định được tĩnh mạch của bệnh nhân. Lúc ấy bác sĩ có kinh nghiệm sẽ hỗ trợ xác định tĩnh mạch của bệnh nhân bằng cách tìm ra tĩnh mạch an toàn và chuẩn xác rồi hướng dẫn cho nhân viên y tế đưa kim tiêm vào vị trí. Như vậy, việc hỗ trợ xác định tĩnh mạch không đồng nghĩa với việc phải trực tiếp đưa kim tiêm vào tĩnh mạch. Ngày 9-12, bác sĩ LCT, điều dưỡng NNT của khoa Hồi sức tích cực - Chống độc BV Đa khoa Phú Yên nhận lệnh “tham gia đoàn thi hành án của TAND tỉnh” nhưng không ai nói rõ làm nhiệm vụ gì. Bệnh viện nghĩ là bác sĩ đi bảo vệ sức khỏe nên chuẩn bị dụng cụ cấp cứu, thuốc men cho bác sĩ và điều dưỡng đi công tác. Khi đến nơi, hội đồng thi hành án yêu cầu bác sĩ đưa kim tiêm vào người tử tù và bác sĩ phản ứng nhưng vẫn bị hội đồng buộc phải làm. |
Theo Tấn Lộc (Pháp luật TP HCM)