Mới đây, Bộ Y tế đã hướng dẫn việc triển khai tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại vắc-xin Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên và các tỉnh, thành phố hiện đã bắt đầu triển khai thực hiện.
Tiêm liều bổ sung áp dụng cho những người đã tiêm chủng đầy đủ liều vắc-xin, nhằm tăng cường hoặc khôi phục khả năng bảo vệ cơ thể của các liều cơ bản.
Theo đó, cần tiêm nhắc nếu có 3 điều kiện gồm từ 18 tuổi trở lên, đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, đã tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất được 3 tháng (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vắc-xin) bao gồm: Người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng... Việc cung cấp liều vắc-xin bổ sung có thể giúp nhóm này có đáp ứng miễn dịch tương tự như nhóm người bình thường khác.
Ngoài ra, nếu đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc-xin của hãng Sinopharm hoặc Sputnik V thì cũng cần tiêm bổ sung vắc-xin Covid-19. Loại vắc-xin tiêm cùng loại với liều cơ bản hoặc vắc-xin mRNA.
Khoảng cách: Tiêm 1 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng.
Đối với những người có chỉ định tiêm liều bổ sung, sau khi đã tiêm liều bổ sung thì được coi là hoàn thành liều cơ bản.
Tiêm liều nhắc lại cho đối tượng là người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế.
Khoảng cách: Tiêm 1 mũi nhắc lại ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản. Liều lượng vắc-xin để tiêm bổ sung và nhắc lại theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế cho phép.
Cũng theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế đối với những người đã mắc Covid-19 thì tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế theo quy định thay vì sau 6 tháng như trước đây.
Về hiệu quả của mũi 3 vắc-xin Covid-19, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết theo các nghiên cứu có loại vắc-xin hiệu quả bảo vệ rất cao và kháng thể tồn tại lâu trong cơ thể (có thể suốt đời). Tuy nhiên, vắc-xin phòng Covid-19 hiệu quả bảo vệ không cao như mong muốn (theo công bố của các nhà sản xuất có loại 70% có loại đến 90%...).
"Đặc biệt, nồng độ kháng thể sẽ giảm sau khi tiêm mũi cuối cùng từ 4 tháng đến 6 tháng vì vậy cần phải tiêm mũi nhắc lại sau 3 tháng để tăng khả năng miễn dịch. Đối với người cần tiêm mũi bổ sung thì tiêm sau 28 ngày. Vì vậy, cần đi tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc-xin cơ bản và tiêm mũi nhắc lại theo hướng dẫn của cán bộ y tế", báo Người Lao Động dẫn lời PGS-TS Trần Đắc Phu.
Về việc tiêm mũi 3 sẽ tiêm loại vắc-xin nào, theo thông tin trên Lao Động, nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc-xin mRNA (như vắc-xin Pfizer, Moderna...); nếu trước đó đã tiêm các loại vaccine khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vắc-xin mRNA.
Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vắc-xin Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc-xin mRNA hoặc vắc-xin AstraZeneca (vắc-xin vector virus).
Nhiều người đặt câu hỏi khi tiêm mũi 3 có cần đúng loại tiêm 2 mũi trước đó hay không hay tiêm loại nào cũng được? Trả lời cụ thể, GS.TS Trần Đắc Phu nói: "Mũi 3 là vắc-xin cùng loại hoặc vắc-xin khác loại là mRNA. Nếu bạn tiêm vắc-xin Sinopharm thì mũi 3 bạn có thể tiêm loại vắc-xin công nghệ mRNA (Pfizer, Moderna) hoặc vắc-xin AstraZeneca".
Minh Hoa (t/h)