TAND TP Mỹ Tho (Tiền Giang) đang thụ lý giải quyết vụ tranh chấp hợp đồng mua bán vàng giữa bà Nguyễn Kim Linh và tiệm vàng Ngọc Thẩm 2. Hai bên đã hòa giải lần một nhưng không thành do không thống nhất giá trị mua bán tại thời điểm hiện tại.
Mua cao bán thấp
Quá trình kiện tụng, bà Linh cho biết: “Hồi tháng 11-1996, tôi mua một nhẫn hột xoàn, vỏ cà rá của tiệm vàng Ngọc Thẩm 2 (thuộc Công ty Ngọc Hải) trong trung tâm thương mại TP Mỹ Tho với giá gần 40 triệu đồng. Hóa đơn ghi rõ: trị giá hột: 8 lượng, trị giá vỏ: 800 USD, khi bán lại phải chịu lỗ 10% trên số vàng khi mua, nếu đổi hột lớn hơn thì chịu lỗ 5%. Tháng 12-2012, tôi cần vốn làm ăn, đến bán lại thì tiệm chỉ mua lại với giá tương đương ba lượng vàng. Như vậy là tôi quá lỗ và không đúng với thỏa thuận ban đầu”.
Phía công ty thì cho rằng thời điểm đó tiệm mới khai trương, ưu tiên ghi theo yêu cầu của khách hàng chứ không thể có giá như vậy.
Bà Linh không đồng ý với trình bày của phía công ty: “Lúc tiệm bán vàng cho tôi, tiệm quy ra 8 lượng bằng bao nhiêu tiền rồi tôi trả bằng tiền mặt. Tôi hoàn toàn không yêu cầu tiệm ghi theo ý mình”.
Trong đơn kiện, bà Linh yêu cầu tòa buộc tiệm vàng Ngọc Thẩm 2 phải thanh toán khi mua vàng nữ trang của bà theo hóa đơn ghi giá trị vàng tại thời điểm hiện tại. Bà đồng ý chịu lỗ theo thỏa thuận đã ghi trong hóa đơn. “Vàng nữ trang đi bán cho tiệm lạ người ta không mua. Nếu Công ty Ngọc Hải không mua lại thì tôi bán cho ai bây giờ” - bà Linh nói.
Thỏa thuận không xong
Trong lúc hòa giải, phía tiệm vàng phản bác: “Việc mua lại hay không là quyền của công ty, cũng như việc có bán lại hay không là quyền của khách hàng. Như vậy, luật không bắt buộc công ty phải mua lại vàng đã bán ra. Nếu khách hàng bán lại vàng thì coi như phát sinh hợp đồng mua bán mới. Công ty có quyền đưa ra giá mua vào vì đó là quyền của bên mua. Khách hàng không đồng ý thì thôi”.
“Tôi thừa nhận trong hóa đơn bán hàng, công ty ghi là sẽ mua lại, khách hàng chịu lỗ 5%-10%. Tuy nhiên, thỏa thuận ghi trong hóa đơn chỉ có ý nghĩa khi mua bán trực tiếp tại cửa hàng vào thời điểm đó (tháng 11-1996) chứ không thể kéo dài đến tận bây giờ và không phải điều khoản bắt buộc. Việc mua bán cách nay gần 17 năm, thỏa thuận viết theo yêu cầu của bên mua. Do đó, không thể lấy thỏa thuận này làm căn cứ bắt công ty mua lại. Nếu bà Linh bán ngay hoặc bán trong vòng khoảng hai năm thì công ty sẽ mua theo thỏa thuận đó. Có điều, việc mua lại cũng là do công ty tự nguyện thôi chớ khách hàng không thể bắt buộc” - đại diện phía công ty nhấn mạnh.
Bà Linh không đồng ý với những lý lẽ mà công ty đưa ra. “Hóa đơn của bổn tiệm không ghi khi bán tính theo thời điểm, không ghi hóa đơn hạn sử dụng bao nhiêu năm” - bà Linh nói.
Quá trình hòa giải không thành, dự kiến tới đây tòa sẽ tiếp tục xử lý. Chúng tôi sẽ theo dõi, thông tin đến bạn đọc khi có diễn biến mới.
Thỏa thuận sao thì phải làm đúng Ông Nguyễn Văn Lưỡng (Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Tiền Giang) cho biết trong hóa đơn, phía tiệm vàng ghi rõ khách hàng bán lại sẽ phải chịu lỗ 10%. Thỏa thuận do hai bên hoàn toàn tự nguyện. Do đó, công ty phải thực hiện đúng những gì đã cam kết với người tiêu dùng, phải áp dụng như điều kiện ghi trong hóa đơn. Việc công ty từ chối mua lại hoặc mua lại theo giá như công ty đã đưa ra là vi phạm nghiêm trọng quyền lợi khách hàng. Luật sư Đoàn Thị Ngọc Linh (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích thêm trong trường hợp này, hóa đơn bán hàng chính là hợp đồng mua bán. Hợp đồng sao thì làm vậy thôi. Thông thường, đối với vàng nữ trang ai làm nấy biết nên khi bán lại chỉ có tiệm cũ mới mua. Đây là cái khó trong mua bán vàng nữ trang. Nếu là vàng y thì có thể dễ dàng bán lại. Vì vậy, theo nguyên tắc, tiệm đã bán ra phải mua vào, trừ khi dẹp tiệm thì khách hàng phải tự giải quyết. Mọi cam kết, thỏa thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên. Pháp luật bảo đảm việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự một khi thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật. |
Theo Song Phương (Pháp luật TP HCM)