Chưa bao giờ, V-League lại chứng kiến cảnh cầu thủ rớt giá thê thảm như hiện tại. Để có được cơ hội ra sân thi đấu, Văn Quyến đành chấp nhận về Ninh Bình "vô điều kiện". Mặc dù không có tiền lót tay, lương cũng phải giảm cho tương xứng với hoàn cảnh khó khăn chung của các đội bóng, nhưng Văn Quyến cũng là người may mắn khi vẫn có cơ hội ra sân trong khi hàng trăm cầu thủ khác đang phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp.
Phí chuyển nhượng, tiền lót tay hay những khoản hoa hồng béo bở giờ đây đã trở nên xa xỉ khi các ông bầu, đội bóng cảm nhận rõ hơn bao giờ hết gánh nặng từ những khoản đầu tư theo kiểu "mua danh ba vạn..." dẫn đến nhiều hệ lụy. Chẳng thế mà bầu Đệ từng tiếng cảnh báo trước thực trạng một số nhà môi giới câu kết với HLV và cầu thủ để làm tiền các ông chủ đội bóng, hay bầu Trường chỉ đích danh "cò" Đại... phá bóng đá.
Đúng là trong cơn "đại khủng hoảng" V-League đã vỡ ra rất nhiều vấn đề khiến những người làm bóng đá bức xúc mà vẫn phải chấp nhận sống chung như một thứ "luật" và giờ đây, dù đã muộn nhưng đã đến lúc phải bắt tay làm lại. Không đơn thuần chỉ là quy định, cấm các CLB chi tiền cho cầu thủ để mua chữ ký trong hợp đồng thì đấu mà quan trọng hơn là cách nghĩ, cách làm phải thực sự chuyên nghiệp, không để đồng tiền chi phối.
Cầu thủ có quyền được đòi hỏi thù lao và các khoản thu nhập theo đúng tài năng và đóng góp cho CLB, cũng chẳng ai cấm được các ông chủ bỏ tiền ra chiêu mộ những ngôi sao. Vấn đề là phải có những quy định và cơ chế để thẩm định đúng tài năng và giá trị thực của cầu thủ. Có như vậy thì mới hy vọng chấm dứt tình trạng làm giá và ép giá vô tội vạ.
Theo TTVH