Khi tầng trệt là... bức tường
Dạo một vòng quanh các quận trung tâm TP.HCM như: 1, 3, 5, Phú Nhuận..., chúng tôi dễ dàng thấy những ngôi nhà siêu mỏng, siêu nhỏ… Ngôi nhà được nhiều người chú ý nhất trong thời gian gần đây chính là "căn hộ" hai tầng xây dựng hoành tráng, toạ lạc trên đường Ngô Văn Năm (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM). Đoạn đường này dù ngắn (khoảng gần 1km), nối đường Lê Thánh Tôn và Nguyễn Hữu Cảnh nhưng lại là nơi nhà hàng, quán bar mọc lên nhan nhản, phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Những căn nhà siêu mỏng tại TP.HCM
Khi đi ngang đoạn đường này, người ta phải tròn mắt ngạc nhiên vì thấy một ngôi nhà mà tầng trệt là một bức tường. Hai tầng phía trên cũng không rộng rãi là bao, khi có chiều ngang khoảng gần 1m, còn chiều dài cũng chẳng khá hơn là bao. Ông Nguyễn Anh Minh, 45 tuổi, ngụ gần ngôi nhà này, cho biết: "Không hiểu sao họ có thể xin được giấy phép xây dựng. Trong khi những người dân như chúng tôi muốn cơi nới hay sửa nhà cũng rất khó khăn để xin giấy phép. Xin được thì cũng bị vặn vẹo đủ đường. Những ngôi nhà như thế này không biết dựa vào chuẩn gì mà có thể "mọc" lên một các đàng hoàng như vậy".
Ngoài căn nhà kỳ dị này, trên đường Hoa Sữa (quận Phú Nhuận), đại lộ Võ Văn Kiệt (quận 1, quận 5, quận 6), đường Bà Huyện Thanh Quan (quận 3)... cũng dễ dàng bắt gặp những căn nhà tương tự. Điển hình như căn nhà "chọc trời", nằm chênh vênh trên đại lộ Võ Văn Kiệt (quận 5). Căn nhà này có chiều cao ấn tượng với năm tầng, trong khi đó tầng trệt có chiều ngang chỉ… hơn 1m.
Ông Trần Minh, một Việt kiều Canada lâu ngày trở về TP.HCM, chia sẻ: "Ngày trước có tình trạng "nhà ổ chuột", là những căn nhà tạm, nhếch nhác mọc bên cạnh các dòng kênh hoặc những phòng ở tạm do người dân cơi nới để ở, chứ ít thấy dạng nhà siêu mỏng như hiện nay. Đó là một thực trạng nhưng cũng nói lên sự quản lý lỏng lẻo và khuất tất của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc cấp phép xây dựng. Tôi nghĩ, nếu như cơ quan quản lý nhà nước làm đúng luật thì nhiều người sẽ không thể xây dựng được những căn nhà như vậy".
Đặc biệt hiện nay, trên địa bàn quận 6, xuất hiện rất nhiều nhà siêu mỏng, do dự án cải tạo vệ sinh môi trường nước trên dòng kênh Lò Gốm - Tân Hóa (đoạn qua phường 10 và 11). Đoạn đường dài khoảng 1km nhưng đã có hơn chục căn nhà rơi vào nhóm "siêu". Mỗi căn hộ hiện nay có diện tích khoảng 7 - 8 m2, với chiều dài trung bình khoảng 1,2m và chiều ngang khoảng 5m. Thậm chí, tại đây có những căn nhà kích cỡ chỉ 0,5mx5m.
Ông Trần Ngọc Danh, phó chủ tịch UBND quận 6 thừa nhận: "Có những căn nhà siêu mỏng đang mọc lên trên địa bàn, khi dự án cải tạo vệ sinh môi trường kênh Lò Gốm - Tân Hóa đang thực hiện. Tuy nhiên, phương án được đưa ra cũng chỉ là "sẽ cho anh em kiểm tra, nếu vi phạm thì xử phạt". Trong khi thực tế, lại có khá nhiều căn nhà siêu mỏng, siêu nhỏ đang ngày đêm mọc lên”.
Ông Trần Chí Dũng, giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến Trúc TP.HCM
Khó hay do tiền dày?
Trên thực tế, nhiều lô đất có diện tích không đủ chuẩn như trên vẫn được người dân xây nhà cao tầng. Đặc biệt, sau những dự án đã triển khai, khi tiến hành giải phóng mặt bằng, thửa đất của người dân còn lại rất ít, nhưng lại không được đền bù hoặc đền bù nhưng với giá quá thấp nên họ giữ lại và xây nhà mới, không đủ chuẩn. Trường hợp kênh Lò Gốm - Tân Hóa là một điển hình. Trước đó, có rất nhiều dự án triển khai xong như đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, đại lộ Võ Văn Kiệt... đã xuất hiện rất nhiều nhà thuộc hạng "siêu" này.
Ông Trần Chí Dũng, giám đốc sở Quy hoạch - Kiến Trúc TP.HCM nói: "Nhà siêu mỏng mọc lên là do việc giải phóng mặt bằng. Quan điểm của Sở hiện nay là giải phóng mặt bằng sẽ đi đôi với việc chỉnh trang đô thị. Đây cũng là giải pháp giải quyết tận gốc tình trạng nhà siêu mỏng tại TP.HCM. Nếu giải tỏa cho các dự án mà giải tỏa được các khu phố "ổ chuột" dọc hai bên đường thì sẽ là điều kiện tốt nhất để chỉnh trang lại đô thị".
Tuy nhiên, việc làm này rất khó khăn. Ông Trần Minh Thơ, trưởng Ban Giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh cho biết: "Khi giải phóng mặt bằng cho các dự án, đặc biệt là đường thì phần đất còn lại của người dân, dù ít dù nhiều đều là mặt tiền. Thế nên, người dân không chịu nhận tiền đền bù cho phần diện tích đất còn lại. Từ đó, nảy sinh ra những lô đất nhỏ, nếu xây dựng thì sẽ trở thành những căn nhà siêu nhỏ".
Kiến trúc sư, tiến sĩ Nguyễn Tiến Thành, trưởng Khoa Kiến trúc, đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) cho rằng: "Nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên là do quy hoạch. Bởi, khi tiến hành thực hiện các dự án thì cần phải có các quy hoạch chi tiết. Theo đó, trước khi tiến hành thực hiện các dự án cần phải quy định cụ thể mật độ xây dựng, tầng cao, diện tích... và phổ biến cho người dân được rõ. Sau khi giải phóng mặt bằng, những diện tích đất nào không đủ chuẩn quy định thì kiên quyết không cho triển khai xây dựng". Một số chuyên gia cho rằng, lý do để nhà siêu mỏng, siêu méo tồn tại chính là do có tiêu cực trong việc cấp giấy phép…
Chấn chỉnhcông tác cấp phép xây dựng UBND TP.HCM vừa yêu cầu UBND các quận 6, quận 11, quận Tân Phú phải chấn chỉnh công tác cấp giấy phép xây dựng để tránh tình trạng xuất hiện nhà siêu mỏng, siêu nhỏ. Đồng thời, TP cũng yêu cầu các quận, huyện: 2, 3, 9, 10, Thủ Đức, Phú Nhuận, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè phải công bố quy hoạch chung trước ngày 30/5/2013. |
Trung Nghĩa