Tiền điện tử GlobalCoin của Facebook được xây dựng trong khuôn khổ dự án Project Libra - dự án nghiên cứu, phát triển tiền điện tử an toàn của Facebook với mục tiêu người sở hữu đồng tiền này có thể lưu trữ, gửi cho bạn bè hay sử dụng để mua hàng trên cả Facebook và cả trên Internet một cách an toàn.
Theo The Wall Street Journal, Visa, Mastercard, Paypal và Uber là vài trong số các công ty hậu thuẫn GlobalCoin. Hơn một chục công ty đã ký kết ủng hộ đồng mã hóa bình ổn giá trị của Facebook. Mỗi doanh nghiệp hậu thuẫn sẽ đầu tư khoảng 10 triệu USD vào dự án.
Stripe, Booking.com và MercadoLibre cũng tham gia GlobalCoin dù hiện chưa rõ vai trò của ba hãng này là gì. Facebook tuyên bố ra mắt GlobalCoin lần đầu hồi tháng 12/2018, sau khi thông báo tìm hiểu về mảng tiền mã hóa từ cuối năm 2017.
Đồng GlobalCoin dự kiến là đồng mã hóa có giá trị ổn định, được dùng trong các cơ sở hạ tầng nhắn tin và mạng xã hội của Facebook như WhatsApp, Instagram và Facebook Messenger.
Facebook đến nay rất kín tiếng về mục đích sử dụng cho GlobalCoin. BBC cho rằng hãng có thể đặt mục tiêu vào các nhà bán lẻ, cho phép người dùng mua hàng giảm giá bằng cách sử dụng tiền mã hóa. Đồng này có thể được dùng để chuyển giá trị trực tiếp từ Facebook đến nhà bán lẻ, bỏ qua các hãng thẻ tín dụng, giúp nhà bán lẻ kiếm được nhiều lợi nhuận hơn.
Ngoài ra, tờ Financial Times cũng đưa tin Facebook nhờ ngân hàng Standard Chartered để vận động hành lang cho đợt tung tiền mã hóa, vốn được lên lịch diễn ra vào ngày 18/6 tới đây. Edward Bowles, giám đốc phụ trách các vấn đề công và quy định của Standard Chartered sẽ gia nhập Facebook vào tháng 9.
Cũng có thông tin cho biết Facebook còn chuẩn bị cho cảnh bị giới chức Liên minh châu Âu (EU) giám sát chặt chẽ hơn về mặt chính trị và quy định khi tung GlobalCoin. Hiện hãng thảo luận về nỗ lực trong mảng tiền mã hóa với nhiều nhà quản lý Mỹ, chẳng hạn như Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC). Người sáng lập Facebook, ông Mark Zuckerberg đã gặp gỡ Thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney vào tháng trước để thảo luận về các cơ hội và rủi ro liên quan đến việc ra mắt một loại tiền điện tử.
Đây không phải là lần đầu tiên Facebook lao vào các dự án về loại tiền kỹ thuật số. Một thập kỷ trước, Facebook lập ra Facebook Credits một loại tiền ảo cho phép mọi người mua các mặt hàng trong ứng dụng trên trang mạng xã hội.
Tuy nhiên, Facebook đã kết thúc dự án sau chưa đầy hai năm sau khi không đạt được kết quả như kỳ vọng.
Tuy nhiên lần này, bài toán khó nhất là liệu người sử dụng có đặt niềm tin vào gã khổng lồ mạng xã hội này đủ mạnh để chấp nhận đổi tiền mặt của họ thành đồng tiền kỹ thuật số hay không.
Điểm thu hút lớn nhất của các loại tiền kỹ thuật số đối với các ngân hàng và các công ty lớn là sử dụng công nghệ Blockchain làm nền tảng.
Công nghệ Blockchain có thể giúp cắt giảm thời gian và chi phí gửi tiền qua biên giới bằng cách bỏ qua các mạng lưới ngân hàng.
“Hiện có khoảng 30 triệu người đang sử dụng tiền kỹ thuật số, điều này còn quá nhỏ bé so với con số 2,4 tỉ người Facebook. Dự án GlobalCoin có thể là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử của tiền kỹ thuật số”, Garrick Hileman, một nhà nghiên cứu tại Trường Kinh tế London cho biết.
Quốc Tiệp (tổng hợp)