Khó khăn giải phóng mặt bằng
Tại buổi kiểm tra các dự án vào ngày 16/10, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh đã nghe chủ đầu tư báo cáo tình hình tiến độ thực hiện và những khó khăn vướng mắc.
Đoàn công tác kiểm tra các dự án khu công nghiệp ở huyện Hàm Tân.
Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN Bình Thuận, KCN Sơn Mỹ 1 có 3 dự án được cấp chủ trương đầu tư đó là: Kho cảng LNG do tỉnh cấp chủ trương đầu tư với diện tích trong KCN là 50ha, diện tích mặt biển 3.455ha, với tổng vốn đầu tư 31.434 tỷ đồng; Nhà máy Nhiệt điện Sơn Mỹ 1 được Bộ Công Thương cấp chủ trương đầu tư với diện tích 51,55ha, tổng vốn đầu tư 48.457 tỷ đồng; Nhà máy Nhiệt điện Sơn Mỹ 2 được Bộ Công Thương cấp chủ trương đầu tư với diện tích 57,3ha, tổng vốn đầu tư 50.432 tỷ đồng. Khởi công vào tháng 8/2022.
Tuy nhiên, dự án KCN Sơn Mỹ 1 vẫn chưa triển khai thi công, do công tác xác định nghĩa vụ tài chính đối với phần diện tích 76,78ha (đợt 1) vẫn chưa hoàn thành (điều chỉnh thông tin chủ đầu tư, điều chỉnh hồ sơ bản đồ cho thuê đất,...) nên chưa ký hợp đồng thuê đất, giao đất thực địa.
Việc thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ đối với 7 tổ chức khoảng 226,86ha (nằm trọn trong diện tích 2 nhà máy nhiệt điện), còn gặp khó khăn; một số hạng mục công trình, tài sản chưa có trong danh mục đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt.
Chủ đầu tư dự án KCN Sơn Mỹ 1 cho biết, công tác giải phóng mặt bằng đã triển khai được 87ha và có quyết định giao 76,78ha. Kể từ khi khởi công đến nay, chủ đầu tư cùng với các sở ngành và huyện Hàm Tân đã tập trung đền bù giải phóng bằng cho giai đoạn 1 là 375ha.
Đến nay, việc xác định vị trí đền bù, công tác kiểm kê, pháp lý đã hoàn thành. Trong tháng 11/2024, chủ đầu tư sẽ hoàn tất các thủ tục để ra phương án đền bù cho 375ha để tạo điều kiện thuận lợi cho năm 2025 sẽ triển khai đồng bộ phương án xây dựng kết cấu hạ tầng.
Khó khăn hiện tại là chờ giá đất cụ thể để đền bù giải phóng mặt bằng. Đối với việc giao đất cho các dự án BOT, dự án kho cảng khí, cũng là áp lực cho năm 2025 - 2026, khi phải đáp ứng kế hoạch giao đất cho các nhà đầu tư xây dựng để thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Đối với Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2 - Giai đoạn 1 được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Đông Sài Gòn với quy mô 468,35ha.
UBND tỉnh Bình Thuận giao Ban Quản lý các KCN tỉnh, các sở, ngành liên quan và UBND huyện Hàm Tân phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư tập trung giải quyết các vấn đề về giải phóng mặt bằng, hạ tầng cơ sở (cung cấp điện, nước, giao thông,...), và triển khai đầy đủ các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 28/8/2023 để đảm bảo khởi công xây dựng dự án vào năm 2025.
Trong năm 2024, Ban Quản lý các KCN tỉnh tập trung hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư. Đồng thời, triển khai thủ tục pháp lý đầu tư các công trình điện, nước, thông tin liên lạc, đấu nối giao thông với Quốc lộ 55 phục vụ cho Khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, phối hợp với các sở ngành thực hiện các thủ tục pháp lý về đầu tư xây dựng khu tái định cư, nhằm phục vụ nhu cầu tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án khu công nghiệp.
Khu KCN Tân Đức được Thủ tướng chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cho Công ty cổ phần Sonadezi Bình Thuận (Công ty) làm chủ đầu tư với diện tích 300ha.
Ngày 20/5, Công ty đã hoàn thành thủ tục xin cấp phép xây dựng; tổ chức khởi công triển khai thi công xây dựng hạng mục san nền và các tuyến đường D3A-D3B, N1a-N1B. Đến nay, san nền đạt khoảng 170ha/208,76ha, đang tiếp tục thi công hạng mục hệ thống các tuyến đường giao thông, hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thoát nước thải các tuyến đường.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án khu công nghiệp
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh nhấn mạnh: "Chúng ta cần phải tập trung thúc đẩy tiến độ cho các khu công nghiệp này hình thành sớm. Tỉnh Bình Thuận xác định 3 trụ cột, trong đó trọng tâm là công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo. Về nông nghiệp là gắn với chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao, trụ cột thứ 3 là du lịch và dịch vụ".
Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh cho rằng, nếu như khu công nghiệp trên địa bàn Hàm Tân hình thành sớm, các chủ đầu tư xây dựng các nhà máy, các công xưởng càng sớm sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nguồn thu ngân sách địa phương sẽ khá hơn.
Đối với KCN Tân Đức, một số các vướng mắc còn lại, UBND tỉnh Bình Thuận đã có chỉ đạo và sẽ đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới.
Đối với KCN Sơn Mỹ 1, có 2 công trình rất quan trọng đó Nhà máy Nhiệt điện Sơn Mỹ 1,2 vì nó đóng góp sản lượng điện lớn cho tỉnh Bình Thuận và cả nước.
Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận đề nghị UBND huyện Hàm Tân rà soát, thực hiện chặt chẽ theo quy định của pháp luật, đặc biệt đối với những hồ sơ thu hồi đất. Nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị tổ công tác của tỉnh hướng dẫn cụ thể cho địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Đối với các đơn vị chủ đầu tư, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận yêu cầu những diện tích đất đã được bàn giao cần cố gắng có lộ trình xây dựng hạ tầng nhanh nhất có thể.
Nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị chủ đầu tư báo cáo cho UBND tỉnh Bình Thuận để theo dõi và tháo gỡ theo thẩm quyền.