Là tỉnh ven biển Nam Bộ, địa phương có nghề biển truyền thống phát triển với đội tàu có tổng công suất trên 421.000kW, giải quyết việc làm cho gần 10.000 lao động trực tiếp. Loại nghề khai thác phát triển mạnh nhất là nghề lưới kéo và lưới vây kết hợp ánh sáng. Ngư trường khai thác chủ yếu vùng biển Đông Nam bộ, Trường Sa và nhà giàn DK1...
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, năm 2023, cùng với phát huy tiềm năng và thế mạnh nghề khai thác hải sản, giải quyết công ăn việc làm cho lao động miền biển, đảm bảo đạt và vượt sản lượng theo kế hoạch, Tiền Giang còn thực hiện đồng bộ các giải pháp quyết liệt phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Năm 2023, địa phương phát huy vai trò cơ sở trong quản lý đội tàu khai thác hải sản, lắp đặt hệ thống giám sát hành trình tàu cá; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá thông qua VMS; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác cũng như tăng cường thực thi pháp luật, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm…
Hiện, 100% số tàu đang hoạt động trên biển đều đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Trong năm, tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao ý thức về việc chấp hành nghiêm túc các quy định về chống khai thác IUU, tuyệt đối không đưa tàu ra vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép.
Bí thư chi bộ khu phố chợ 2, thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Hải chia sẻ, chi bộ thường xuyên vận động tuyên truyền cho ngư dân mình, nhất là ngư dân khi tham gia đánh bắt trên biển tuyệt đối không xâm phạm chủ quyền chủ quyền của những nước lân cận để đảm bảo khai thác, đánh bắt không vi phạm pháp luật.
Ông Trần Văn O, chủ ghe cào ở Thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) cho biết, qua việc tuyên truyền của các cấp chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng, bản thân là chủ phương tiện đã hiểu biết đường lối của nhà nước, về quy định khai thác hải sản trên biển nên không đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài.
Nhờ tuyên truyền vận động, các chủ ghe, tàu cá và ngư dân đã hiểu rõ trong những năm qua ý thức của bà con trên địa bàn, đặc biệt là các chủ phương tiện và thuyền trưởng từng bước được nâng lên rõ rệt nên số phương tiện đánh bắt xa bờ nghi vấn vi phạm IUU đã được giảm thiểu. Từ đó, góp phần giúp giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Tiền Giang vi phạm IUU.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu cấp ủy, chính quyền cơ sở phải chịu trách nhiệm chính, trực tiếp giám sát, nắm vững địa bàn quản lý ngư dân và phương tiện khai thác; vận động người dân tuân thủ pháp luật, đảm bảo “Dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm” cũng như theo dõi, ngăn chặn kịp thời các tàu cá khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài.
Mặt khác, tỉnh tiếp tục rà soát, thống kê cập nhật đội tàu cá của địa phương, nhập dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia, đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin, quản lý tàu cá ra vào cảng cá. Thực hiện nghiêm túc hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản; hoàn thành việc cấp Giấy phép khai thác thủy sản, đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá chặt chẽ.
Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang tổ chức trực ban 24/24 giờ, khai thác, sử dụng có hiệu quả Hệ thống giám sát tàu cá nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu cá địa phương trên biển.
Đơn vị tăng cường kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác, truy xuất nguồn gốc thủy sản gắn với đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, xử lý hành vi khai thác IUU…
Đồng thời, lập danh sách các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU về báo cáo, nhật ký khai thác; không có giấy phép khai thác thủy sản; không lắp đặt hoặc ngắt kết nối thiết bị VMS; khai thác sai vùng, vượt ranh giới phát hiện qua VMS, vi phạm về giấy phép thủy sản, tàu cá không cập cảng chỉ định theo quy định hoặc hành vi khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài.
Tỉnh giám sát chặt sản lượng bốc dỡ của tàu chuyển tải; phối hợp các tỉnh kiểm soát tàu cá các địa phương khác lưu trú thường xuyên trên địa bàn Tiền Giang và tàu Tiền Giang đi các tỉnh khác; phối hợp và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm do Trung ương và tỉnh khác thông báo về địa phương...
Thông qua thanh tra, tỉnh kiểm soát tốt các tàu cá trong và ngoài tỉnh gắn với tuyên truyền Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản, kiên quyết không cho tàu xuất bến khai thác khi chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện.
Đồng thời, Tiền Giang chú trọng nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá tại cảng cá, đầu tư mới Cảng cá Mỹ Tho đảm bảo phục vụ hậu cần nghề cá; kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Ban Quản lý cảng cá, Chi cục Thủy sản làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là trên lĩnh vực kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng nhằm phòng, chống khai thác IUU đạt hiệu quả cao nhất.
Mặt khác, tỉnh quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển ngành nghề, ổn định đời sống, sinh kế bền vững vừa bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Trong năm 2023, địa phương triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi nghề, ngư cụ cấm trên địa bàn tỉnh đồng thời khuyến khích ngư dân đầu tư đóng mới phương tiện hoặc hoán cải phương tiện, trang bị thiết bị máy móc hiện đại, công suất lớn đủ sức vươn khơi đánh bắt xa bờ nhằm phát triển bền vững nghề biển truyền thống vừa bảo vệ nguồn lợi biển cũng như môi sinh, môi trường. Từ đó, hướng tới mục tiêu hạn chế thấp nhất những ngành nghề khai thác ven bờ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy hải sản.
Trong năm 2022 vừa qua, Tiền Giang đã đạt sản lượng thủy sản trên 361.000 tấn, vượt gần 26% chỉ tiêu cả năm; trong đó sản lượng từ nuôi trồng gần 221.000 tấn, còn lại từ các hoạt động đánh bắt, khai thác biển khơi xa.
Minh Hoa (t/h)