Ngày 14/10, báo Pháp luật TP.HCM đưa tin, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang cho biết, UBND tỉnh đã có đề xuất với Bộ GTVT và thông nhất phương án xây dựng trạm thu phí trên tuyến tránh Cai Lây. Cũng theo ông Bon,Tiền Giang đang chờ Tổng cục ĐBVN, nhà đầu từ tuyến tránh Cai Lậy để thống nhất vị trí đặt trạm, sau đó sẽ giải phóng mặt bằng bàn giao nhà đầu tư thi công xây dựng trạm trên tuyến tránh.
Theo đó, tại thông báo kết luận của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật tại cuộc họp về phương án thu phí hoàn vốn đầu tư dự án BOT QL1 qua thị xã Lai Lậy (Tiền Giang) mới đây, thứ Trưởng Nguyễn Nhật giao Vụ đối tác công tư, Vụ tài chính, Tổng cục ĐBVN và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án tiến hành ngay các công việc cần thiết để triển khai thu phí theo phương án 2 đã được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 9 vừa qua. Đây là phương án UBND tỉnh Tiền Giang có ý kiến đề xuất bằng văn bản.
Bộ GTVT giao Tổng Cục ĐBVN khẩn trương làm việc với địa phương và triển khai ngay việc phân luồng giao thông đoạn qua thị xã Cai Lậy đảm bảo phù hợp, đúng quy định pháp luật để đảm bảo mục tiêu dự án, khai thác hiệu qủa tuyến tránh và giảm ùn tắc, tai nạn giao thông... ở khu vực trung tâm thị xã Cai Lậy.
Bộ GTVT cũng yêu cầu, nhà đầu tư khẩn trương xây dựng phương án, khái toán kinh phí đầu tư xây dựng mới trạm thu phí trên tuyến tránh thống nhất với địa phương vị trí đặt trạm. Dự kiến thời gian hoàn thành, báo cáo Bộ GTVT trước ngày 14/10/2019. Trên cơ sở phương án phân luồng của Tổng cục ĐBVN, tính toán lại thời gian hoàn vốn dự án. Vụ đối tác công tư chủ trì xem xét báo cáo của nhà đầu tư và của Tổng cục ĐBVN để báo cáo Bộ phương án tổ chức triển khai thu phí trở lại.
Theo báo Tiền phong, tại buổi làm việc của đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Quốc hội hôm 11/10, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất với Bộ GTVT và nhà đầu tư báo cáo Chính phủ chấp thuận chủ trương giải pháp tổng thể xóa trạm thu phí BOT Cai Lậy và tổ chức thu phí trở lại cao tốc TP.HCM – Trung Lương.
Theo doanh nghiệp này, cao tốc TP.HCM – Trung Lương dừng thu phí từ cuối năm 2018 đến nay dẫn đến không kiểm soát được lưu lượng và tải trọng phương tiện, làm hư hỏng, xuống cấp tuyến đường cao tốc, gây mất an toàn giao thông… Mặt khác, sự gia tăng phương tiện lưu thông trên cao tốc dẫn đến giảm lưu lượng trên QL1, nguy cơ không thể hoàn vốn cho các dự án trên QL1.
Hiện nay, dự án tuyến tránh Cai Lậy đang có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp từ hiện trạng này, đồng thời nhà đầu tư đang lâm vào khó khăn, gây rủi ro cho việc thu hồi vốn của Ngân hàng BIDV do bị dừng thu phí gần 2 năm nay.
Dự án BOT Cai Lậy (đầu tư, xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường QL1, đoạn từ km 1987+560 đến km 2014+000) do liên danh Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái và Công ty CP Đầu tư thương mại và xây dựng giao thông 1 làm chủ đầu tư. Công ty TNHH Đầu tư QL1 Tiền Giang là đơn vị quản lý, khai thác.
Tổng chi phí đầu tư dự án (có cập nhật kết luận của thanh tra, kiểm toán) là trên 1.380 tỷ đồng. Trong đó, tuyến tránh là hơn 680 tỷ đồng, phần tăng cường mặt đường QL1 là hơn 379 tỷ đồng, xây trạm thu phí trên 100 tỷ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng hơn 219 tỷ đồng.
Dự án khởi công năm 2014, hoàn thành năm 2017, bắt đầu thu phí ngày 14/8/2017, sau đó gặp sự phản đối gay gắt nhiều lần, buộc phải xả trạm và dừng thu phí cho đến nay.
Hoàng Mai (tổng hợp)