Lãi tiền gửi tăng vọt
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, hai đại diện lớn nhất của ngành bia Việt Nam vẫn chìm trong bức tranh kinh doanh ảm đạm. Tuy nhiên, một điểm sáng chung dễ thấy trong nửa đầu năm nay của Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco; HoSE: SAB) và Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, HoSE: BHN) là doanh thu từ hoạt động tài chính đều ghi nhận những bước nhảy vọt so với cùng kỳ.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính mới công bố của Sabeco doanh thu từ hoạt động tài chính của công ty trong 6 tháng đầu năm tăng từ 482 tỷ đồng lên 712 tỷ đồng, tương đương đương tăng gần 1,5 lần. Trong đó, chủ yếu đến từ thu nhập lãi tiền gửi ngân hàng với 684 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6/2023, tiền và các khoản tương đương tiền của công ty là 3.741 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu kỳ. Cụ thể, Sabeco đang sở hữu 966 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Ngoài ra, công ty cũng ghi nhận hơn 2.773 tỷ đồng các khoản tương đương tiền bao gồm tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn đáo hạn ban đầu không quá 3 tháng.
Ngoài ra, lượng tiền gửi ngân hàng ngắn hạn của Sabeco đạt 18.639 tỷ đồng, giảm 4% so với thời điểm đầu năm. Tuy có sự sụt giảm nhẹ nhưng lãi suất thu về trong nửa đầu năm của Sabeco vẫn ghi nhận cao hơn so với cùng kỳ. Có thể thấy, nguyên nhân chủ yếu là do lãi suất nửa đầu năm 2023 cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự với “người anh em" cùng ngành, Habeco cũng ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh. Nửa đầu năm, công ty thu về hơn 103 tỷ đồng đến từ hoạt động tài chính, tăng 91% so với cùng kỳ. Trong đó, chiếm đa số là lãi tiền gửi tiền cho vay. Đây cũng là khoản đem lại mức tăng đột biến trong doanh thu tài chính của Habeco trong nửa đầu năm 2023.
Chi tiết hơn về các khoản tiền gửi của Habeco, tại ngày 30/6/2023, tiền và các khoản tương đương tiền của Habeco ghi nhận đạt 696 tỷ đồng, tăng 35% so với số đầu kỳ. Trong đó, tiền gửi ngân hàng đạt 300 tỷ đồng. Ngoài ra, các khoản tiền gửi có kỳ hạn gốc đến 3 tháng ghi nhận đạt 387 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ.
Kinh doanh èo uột
Nhìn lại tình hình kinh doanh trong quý II/2023, dù đây là thời gian cao điểm tiêu thụ bia mùa hè nhưng hai ông lớn ngành bia đều ghi nhận kết quả kinh doanh kém sáng.
Theo đó, doanh thu thuần của Sabeco ghi nhận đạt 8.312 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Đi cùng với xu hướng trên, lợi nhuận gộp trong kỳ cũng ghi nhận mức sụt giảm 19% xuống còn 2.487 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, Sabeco báo lãi quý II/2023 đạt 1.210 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu của Sabeco đạt 14.621 tỷ đồng, giảm 10,9% so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu bán bia trong quý dù ghi nhận giảm nhưng vẫn chiếm phần lớn cơ cấu với 88%, tương đương 12.911 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các khoản thu từ bán nguyên vật liệu, nước giải khát, rượu và cồn trong quý đều ghi nhận xu hướng sụt giảm so với nửa đầu năm 2022.
Kết thúc nửa đầu năm 2023, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần sụt giảm 11% xuống khoảng 14.500 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 2.214 tỷ đồng, thấp hơn 27% so với cùng kỳ.
Năm 2023, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 40.272 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 5.775 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, công ty đã thực hiện được 36% kế hoạch doanh số và 38% chỉ tiêu về lợi nhuận.
Tại Habeco, quý II/2023 công ty ghi nhận doanh thu thuần trên 2.078 tỷ đồng, giảm 2,57% so với cùng kỳ năm 2022. Với việc giá vốn hàng bán tăng 2,1% lên 1.547 tỷ đồng dẫn đến lãi gộp của Habeco đã giảm xuống mức 531 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ thuế và các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Habeco ở mức hơn 188 tỷ đồng, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy nhưng nếu so với khoản lỗ gần 4 tỷ đồng trong quý đầu năm, đây vẫn là tín hiệu tích cực ghi nhận sự phục hồi.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Habeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.251 tỷ đồng, giảm hơn 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế ở mức 184 tỷ đồng, giảm gần 23%.
Năm 2023, Habeco đặt mục tiêu doanh thu đạt 7.367 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 222 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm, Habeco đã hoàn thành 45% kế hoạch doanh thu và 83% mục tiêu lợi nhuận năm.
Nhiều mối lo, thách thức
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), ngành bia sẽ đối diện với một số thách thức trong nửa cuối năm 2023. Cụ thể, VIRAC nhận định, Nghị định 100/CP xử phạt đối với người uống rượu bia sẽ tiếp tục là rào cản lớn kìm hãm sự phục hồi của ngành bia trong năm nay.
Bên cạnh đó, giá nguyên liệu sản xuất dự kiến tiếp tục tăng mạnh, ảnh hưởng đến lợi nhuận, dự kiến một số nguyên liệu chính trong sản xuất bia điển hình như bột trợ lọc sẽ tăng khoảng 25%, hoa houblon tăng 10%, gạo tăng 4%, đường tăng khoảng 8%. Đặc biệt với malt là nguyên liệu đầu vào chiếm tỉ trọng lớn trong giá thành sản xuất dự kiến tăng khoảng 60% so với mức giá bình quân thu mua năm 2022.
Ngoài ra, VIRAC cũng cho biết, thói quen chi tiêu của người Việt đang có xu hướng giảm, bên cạnh đó sẽ tăng chi tiêu cho những khoản về sản phẩm tốt cho sức khỏe sau Covid 19. Đồng thời tâm lý chuộng hàng ngoại của người Việt cũng sẽ là thách thức lớn với các hãng bia nội địa.
Đồng thời, báo cáo cũng chỉ ra sự đe dọa từ các đối thủ cạnh tranh bia nhập khẩu, bia ngoại, bia sản xuất bởi các tập đoàn đa quốc gia. Ngoài đe dọa cạnh tranh những sản phẩm bia ngoại, trên thị trường hiện nay còn có những đối thủ là các sản phẩm chai PET, bia chai, bia lon của những doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ, với giá thành rẻ (giá thấp hơn các sản phẩm đã bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt) tại các địa phương.
Kỳ vọng về cơ hội phát triển các tháng cuối năm, VIRAC cho rằng, ngành bia sẽ tiếp tục phục hồi nhờ các hoạt động mở cửa, khuyến khích cho du lịch của Nhà nước.
Đây sẽ là cơ hội rộng mở để thúc đẩy tiêu dùng ngành bia nói riêng và ngành đồ uống nói chung. Đặc biệt, đầu năm nay, ngành cũng đặt kỳ vọng khi du lịch mở cửa trở lại có thể bù đắp một phần sự sụt giảm trong tiêu dùng nội địa, thúc đẩy triển vọng tăng trưởng ngành bia.
Tại một diễn biến khác, chia sẻ tại một sự kiện vào đầu tháng 7/2023, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), kiến nghị cơ quan quản lý xem xét, đánh giá lại, chưa sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, ít nhất trong thời gian 2023-2025 và ổn định chính sách thuế như hiện nay để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi.
Nêu quan điểm về vấn đề trên, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, không chỉ Nhà nước mà các tổ chức quốc tế đều mong muốn Chính phủ Việt Nam có sự tăng thuế suất đối với rượu bia. Như vậy có thể thấy đây là một đòi hỏi thực tiễn của xã hội để giảm mức tiêu thụ của rượu bia cũng như giảm tác hại trong đời sống của nhân dân bởi rượu bia.
Từ đó, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nằm ở việc điều chỉnh tăng thuế ở mức độ nào. "Đến thời điểm hiện tại, tôi cho rằng chúng ta đã có đầy đủ điều kiện và nên tăng thuế với rượu bia theo đề xuất mà Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đang đề ra”, ông Thịnh nói.