Cách tính lương làm thêm giờ cho người lao động
Việc xác định người lao động có làm thêm giờ hay không và người sử dụng lao động có phải trả lương làm thêm giờ hay không tùy thuộc vào từng hình thức trả lương áp dụng đối với người lao động đó.
Cụ thể, đối với lao động hưởng lương theo thời gian thì sẽ được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài giờ làm việc bình thường theo yêu cầu của người sử dụng lao động.
Đối với lao động được hưởng lương theo sản phẩm và lương khoán thì sẽ được trả lương làm thêm giờ khi làm thêm số lượng sản phẩm, khối lượng công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động ngoài định mức được giao trong giờ làm việc bình thường.
Đối với một số đối tượng đặc biệt như người lãnh đạo, người phục vụ,… người sử dụng lao động nên quy định nguyên tắc xác định làm thêm giờ cụ thể để có căn cứ thanh toán tiền lương làm thêm giờ hợp lý.
Theo Điều 6 Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH, người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc như sau:
Đối với người lao động hưởng lương theo thời gian:
Tiền lương làm thêm giờ = Tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% x Số giờ làm thêm
Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc khoán:
Tiền lương làm thêm giờ = Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% x Số sản phẩm/khối lượng làm thêm
Trong đó, tiền lương giờ thực trả không tính lương làm thêm giờ, lương trả thêm khi làm vào ban đêm.
Mức ít nhất bằng 150% áp dụng với làm thêm vào ngày thường. Mức ít nhất bằng 200% áp dụng với làm thêm vào ngày nghỉ hằng tuần. Mức ít nhất bằng 300% áp dụng với làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, chưa kể tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương theo ngày.
Ngoài ra, nếu người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương và phụ cấp làm đêm (thêm ít nhất 30%), người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc làm vào ban ngày.
Làm thêm giờ vừa có lợi lại vừa có hại. Lợi khi người sử dụng lao động muốn hoàn thành công việc và người lao động muốn tăng thêm thu nhập. Hại khi người lao động phải hao phí sức lao động nhiều hơn. Vì vậy, đặt ra tiền lương làm thêm giờ nhằm bù đắp những tổn hại sức khỏe cho người lao động và hạn chế việc lạm dụng bóc lột sức lao động của người lao động.
Lương làm thêm giờ có phải đóng bảo hiểm xã hội không?
Căn cứ theo Khoản 2, Điều 30, Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương theo quy định tại Khoản 1, Điều này và các khoản bổ sung khác theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH. Cụ thể:
- Mức lương, ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.
- Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.
- Phụ cấp lương theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH gồm các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh.
Các khoản phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.
Các khoản bổ sung khác theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH là các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Như vậy, lương làm thêm giờ không nằm trong khoản phải đóng BHXH theo quy định của Luật pháp. Người lao động khi làm thêm giờ hoàn toàn được hưởng nguyên lương và không phải trích đóng vào quỹ BHXH.
Hoàng Mai