Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Về thang lương, bảng lương
Tại khoản 1 Điều 1, khoản 2 Điều 2 và khoản 2 Điều 3 của dự thảo Nghị định giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp xây dựng, ban hành thang lương, bảng lương, nhưng tăng cường quản lý, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Cụ thể, tiếp tục giao doanh nghiệp xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương đối với người lao động theo quy định tại Bộ luật Lao động dựa trên mức tiền lương thực tế được hưởng gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh năm trước và năm kế hoạch; đồng thời bổ sung trách nhiệm của doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định và báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cho ý kiến, công khai tại doanh nghiệp trước khi ban hành.
Quy định quyền tự chủ của doanh nghiệp quyết định bảng lương đối với người quản lý sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động và có ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Đồng thời bãi bỏ bảng lương và tiêu chuẩn xếp hạng hiện hành do Chính phủ quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 52/2016/NĐ-CP.
Về yếu tố khách quan, đặc thù loại trừ khi xác định tiền lương
Tại khoản 2 Điều 1 và khoản 4 Điều 2 dự thảo Nghị định quy định bổ sung các yếu tố khách quan, đặc thù làm ảnh hưởng đến năng suất lao động và lợi nhuận cần loại trừ khi xác định tiền lương của người lao động và người quản lý theo Nghị định số 51/2016/NĐ-CP và Nghị định số 52/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Cụ thể, về các yếu tố ảnh hưởng từ quy định của Nhà nước: ngoài các yếu tố đã có, dự thảo bổ sung 2 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động và lợi nhuận của công ty, gồm điều chỉnh mức phí quản lý, hạn mức sản xuất, kinh doanh .
Về các yếu tố ảnh hưởng từ trách nhiệm thực hiện của công ty, dự thảo bổ sung các yếu tố sau:
Tham gia thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng (hiện nay có một số công ty thực hiện các dự án dầu khí, bảo đảm an toàn hàng hải, khai thác hải sản trên biển... ngoài việc sản xuất, kinh doanh còn có nhiệm vụ tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo).
Tiếp nhận, mua, bán, xử lý nợ và tài sản, khoanh nợ, giãn nợ, mua, bán sản phẩm, dịch vụ theo quy định hoặc yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều chỉnh chính sách hoạt động theo các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các Hiệp định, Hiệp ước hoặc quy định, khuyến cáo của tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên (đã được quy định tại Nghị định số 20/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ).
Thực hiện đề án cơ cấu lại, bổ sung hoặc thoái vốn đầu tư tại các doanh nghiệp khác; điều chỉnh (tăng/giảm) hoặc phát sinh mới trích dự phòng rủi ro tài chính, tín dụng.
Mua, bán, tiếp nhận, xử lý nợ, tài sản, doanh thu bằng tiền nhưng không được tính vào giá trị doanh nghiệp hoặc chưa được ghi nhận, hạch toán vào doanh thu, lợi nhuận của công ty.
Cung cấp sản phẩm, dịch vụ do nhà nước định giá nhưng chưa được điều chỉnh giá đủ bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý khi yếu tố hình thành giá thay đổi theo quy định của Luật Giá.
Thực hiện quy định của Chính phủ phân về bổ chi phí các dự án tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí ở nước ngoài không thành công.
Biến động doanh thu từ hoạt động nghiệp vụ lưu ký, tổ chức giao dịch chứng khoán ; Thay đổi môi trường, điều kiện khai thác khoáng sản đối với công ty khai thác khoáng sản .
Tuệ Minh