Chiêu thức ngày càng tinh vi
Tội phạm mạng tống tiền thanh thiếu niên bằng những video “chat khiêu dâm” đang là vấn nạn khiến nhiều gia đình ở Việt Nam lo lắng. Chưa có một con số thống kê cụ thể về hiện tượng này trên thực tế ở mức độ nào, nhưng trong “thế giới phẳng” với rất nhiều cạm bẫy, sự cảnh giác luôn là cần thiết. PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc trung tâm An ninh mạng Athena để đưa ra những phân tích, cảnh báo về thực trạng này.
Phóng viên: Là một trong những chuyên gia uy tín ở lĩnh vực an ninh mạng, ông có thể đưa ra đánh giá ban đầu về hiện tượng tội phạm mạng tống tiền thanh thiếu niên hiện nay? Chúng thường có những chiêu thức lừa đảo như thế nào nhắm vào thanh thiếu niên?
Ông Võ Đỗ Thắng: Trước hết cần khẳng định, tình trạng tội phạm tống tiền thanh thiếu niên trên mạng hiện nay đang diễn ra rất phức tạp. Thanh thiếu niên ở lứa tuổi hiếu động, luôn muốn thể hiện mình nhưng lại thiếu kỹ năng sống và hiểu biết. Bởi thế, đối tượng tội phạm thường nhắm vào các em. Với sự hồn nhiên ở lứa tuổi, các em rất dễ “sập bẫy” của các tổ chức tội phạm giăng sẵn.
Các đối tượng tội phạm tống tiền, tống tình qua mạng bằng cách chat video khiêu dâm với những thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, nhưng có thể nhận thấy ở một số biểu hiện cụ thể. Thông thường ban đầu khi muốn giăng bẫy thanh thiếu niên, các đối tượng sẽ đưa ra những yêu cầu tham gia nhiều hoạt động khác nhau. Từ những trò chơi thông qua ứng dụng game, hoạt động xã hội..., dần dần, chúng lôi kéo các em vào trong mạng lưới chat sex.
Khi các thanh thiếu niên đã sập bẫy, chúng dùng những thông tin cá nhân khai thác được từ các em để khống chế, khiến các em lệ thuộc đến mức không có cách thoát ra. Tiếp sau đó, chúng sử dụng những video chat sex để liên hệ với gia đình và tống tiền.
Tôi đã có quá trình theo dõi hiện tượng này và thấy rằng, nhóm thanh thiếu niên bị đối tượng nhắm đến thường có gia đình, cha mẹ điều kiện tốt, thậm chí có địa vị xã hội. Như thế, nạn nhân dễ dàng bị lệ thuộc và nghe theo lời sai khiến, đáp ứng nhu cầu của chúng. Chính những thông tin, hình ảnh qua chat sex là công cụ hữu hiệu để chúng khống chế và ép thanh thiếu niên cùng cha mẹ thực hiện điều chúng muốn. Áp lực về việc lộ thông tin xấu khiến nạn nhân sẵn sàng làm theo.
Hiện tượng này vẫn đang diễn ra trên thực tế. Chính việc thanh thiếu niên sập bẫy chat video sex khiến gia đình trở thành lệ thuộc. Một hành động dại dột dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Phóng viên: Tình trạng này ở Việt Nam có mức độ nguy hiểm thế nào?
Ông Võ Đỗ Thắng: Tôi không biết ở ngoài Bắc ra sao và chưa có cuộc khảo sát nào, nhưng hiện tại ở miền Nam, tôi đã gặp nhiều trường hợp gia đình rất khổ sở khi con cái họ đưa ra những hình ảnh chat sex. Cuối cùng, cha mẹ phải là người đi xử lý hậu quả.
Những thông tin đó khiến các em có suy nghĩ tiêu cực, phải bỏ học vì mặc cảm và rơi vào trạng thái trầm cảm. Nhiều em đã tìm đến cái chết vì không chịu đựng được áp lực.
Nhiều cạm bẫy "ký sinh" vào công nghệ
Phóng viên: Hiện nay ở Việt Nam, tình trạng này đã được khắc phục và xử lý như thế nào, thưa ông?
Ông Võ Đỗ Thắng: Với những website trong nước, chúng tôi có thể xử lý, nhưng với những website từ nước ngoài lại rất khó kiểm soát. Ví dụ trên facebook, mặc dù tốc độ lan truyền và phát tán rất mạnh mẽ nhưng chúng tôi có những biện pháp can thiệp và có thể đóng những thông tin đó.
Tuy nhiên, cần có những giải pháp từ gốc, ngăn chặn những nguồn thông tin không còn hiển thị trên mạng nữa.
Phóng viên: Rõ ràng chúng ta đã nhìn thấy hệ lụy, mặt trái của công nghệ thông tin. Nhưng vì sao hiện tượng này vẫn đang khiến nhiều phụ huynh đau đầu? Họ có thể làm gì để bảo vệ con em mình?
Ông Võ Đỗ Thắng: Đúng là những hệ lụy, mặt trái của công nghệ thông tin đang hiển hiện hàng ngày. Một điều hết sức quan trọng, thanh thiếu niên hiện nay tuy được trang bị đầy đủ, tiếp cận công nghệ hiện đại từ sớm nhưng lại thiếu kỹ năng chọn lọc thông tin. Phụ huynh thường ít chia sẻ thông tin và định hướng cho các em một môi trường tích cực. Chính điều này khiến các em bị ảnh hưởng bởi những thông tin trái chiều nhiều hơn là khai thác thông tin tích cực. Xã hội cũng thiếu môi trường có thể định hướng tốt cho các em.
Tôi nghĩ rằng rất cần những bài hướng dẫn cụ thể được dạy từ chính phụ huynh, kết hợp với những lớp học kỹ năng sống từ trường học. Nếu không có hướng dẫn, các em dễ dàng sập bẫy bởi thiếu kỹ năng ứng xử với cám dỗ. Cha mẹ cũng cần nâng cao nhận thức để định hướng cho các em ngay từ trong gia đình.
Công nghệ thông tin phát triển, nhiều cạm bẫy ký sinh vào đó để phát triển khiến việc tránh thông tin xấu rất khó. Tuy nhiên, mỗi chúng ta hoàn toàn có thể tự bảo vệ mình nếu tham gia học một lớp an ninh mạng. Giống như tham gia giao thông cần phải học luật An toàn giao thông, những người tham gia mạng lưới internet cũng cần học về an ninh mạng để tự bảo vệ chính mình. Chỉ cần bỏ ra 1-2 ngày là có thể nắm được kiến thức cơ bản.
Tiến tới, cần đưa những vấn đề này vào môi trường học từ nhỏ, song song với thời gian các em tiếp cận thông tin. Cần nâng cao ý thức và dạy cho các em hiểu, tự mình phân biệt, chọn lọc giữa những luồng thông tin tốt, xấu. Nếu không sẽ khó tránh được những hậu quả đau lòng như tôi nói ở trên.
Phóng viên: Vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong vấn đề này là rất quan trọng. Chúng ta có thể ngăn chặn ngay từ gốc, tức là có một “bức tường lửa” cho những thông tin xấu không thể xâm nhập, thưa ông?
Ông Võ Đỗ Thắng: Rõ ràng phải có ngăn chặn từ phía nhà mạng, có những biện pháp cụ thể và “tường lửa” để chặn từ gốc, không để thông tin xấu có cơ hội lan truyền. Người dân không thể biết được việc này, cơ quan quản lý Nhà nước phải thấy rõ.
Tôi nghĩ rằng với các trang web sex, chat sex, nhà mạng, cổng internet quốc gia hoàn toàn có thể chặn được. Nhưng vì sao họ không làm? Người dân làm sao biết để tránh? Tôi nghĩ việc ngăn chặn không quá khó, vì theo nguyên tắc là có thể ngăn chặn được hết. Tôi nghĩ việc này không đơn giản nhưng không có nghĩa là không thể làm được.
Rõ ràng, quản lý Nhà nước trong vấn đề này đang có những lỏng lẻo, nhất là về thông tin mạng. Chúng ta có thể cài đặt một số “tường lửa” để phục vụ gia đình. Nhưng không phải ai cũng biết để làm điều đó và với nhiều gia đình sẽ rất khó.
Tôi nghĩ rằng, cần có những giám sát chặt chẽ hơn, kiểm soát thông tin tốt hơn từ phía bộ chủ quản. Cũng như vấn đề sim rác, nếu không siết chặt và cứ thả nổi, lượng sim rác tràn lan trên thị trường không thể kiểm soát được. Nhưng khi bộ Thông tin và Truyền thông vào cuộc ráo riết, việc này đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Điều đó cho thấy, chúng ta có thể làm, làm tốt nhưng quan trọng là cách thực hiện và quyết tâm làm hay không. Nếu không ngăn chặn từ gốc, với những thông tin thả nổi tràn lan trên mạng, người dân sẽ còn sập bẫy.
Phóng viên: Ông có thể đưa ra những nhận định về mức độ nghiêm trọng của tình trạng tội phạm mạng tống tiền thanh thiếu niên ở Việt Nam hiện nay?
Ông Võ Đỗ Thắng: Thế giới phẳng là không có biên giới. Ở Việt Nam chưa có con số thống kê cụ thể nhưng vấn đề lạm dụng chắc chắn có. Tuy nhiên, mức độ có thể ở giai đoạn khởi đầu, có khả năng bùng phát mạnh mẽ, ảnh hưởng đến văn hóa, đạo đức xã hội trong tương lai. Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra, các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ để ngăn chặn tình trạng bùng nổ này.
Trân trọng cảm ơn ông!
Dương Thu (thực hiện)