Thu mua xe cũ, xe hỏng
Trước lợi nhuận của việc kinh doanh theo kiểu "phù phép" xe máy "dỏm" một số người chấp nhận buôn gian, bán lận. Đa số những nơi thu mua xe cũ là xe gian. Nhiều bằng chứng đã chứng minh những nơi sửa chữa xe máy cũng trá hình để "phù phép" xe gian. Những đối tượng này đứng ra thu mua xe của các đối tượng chuyên trộm cắp, sau đó để một nhóm "phù phép" xe. Được biết, cơ quan chức năng đã triệt phá rất nhiều đường dây chuyên trộm cắp xe máy liên tỉnh về bán lại cho các cơ sở "phù phép" xe gian. Chủ cơ sở nhập những chiếc xe gian này với giá chỉ vài triệu đồng, nhưng khi "hợp thức hóa", có thể bán được hàng chục triệu đồng.
Ngoài ra, chúng còn đứng ra thu mua xe thanh lý của cơ quan công an thu giữ của tội phạm. Các ông chủ yên tâm đưa những chiếc xe có giấy tờ đảm bảo của cơ quan chức năng về "phù phép" thành xe "xịn", bán với giá cao. Ngoài ra, một số ông chủ còn thu mua xe máy Tàu, xe cũ, xe hỏng, linh kiện, phụ tùng của xe hỏng để "mông má" cho xe mới.
Công nghệ "phù phép" vô tiền khoáng hậu
Những sản phẩm không rõ nguồn gốc sẽ được nhập vào những lò sửa xe chuyên dụng để làm lại số khung, số máy. Anh Thành, chủ cửa hàng sửa chữa xe máy trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Tôi hành nghề sửa xe nên chỉ nhìn qua là biết các bộ phận có bị làm giả hay không. Chỉ cần quan sát kỹ màu sắc thì thấy các bộ phận có độ bóng không đồng đều. Còn số khung, số máy thì khoảng cách giữa chúng không thể nào chính xác được như số máy thật". Cũng theo lời của anh Thành, hiện có rất nhiều cơ sở chuyên làm giả, "phù phép" những xe máy trộm cắp, xe không rõ nguồn gốc thành hàng chính hãng. Nổi cộm nhất là ở khu vực ngoại thành và quận Long Biên (Hà Nội)...
Có những cơ sở chuyên sản xuất ruột xe nhái. Chúng có thể giả ruột xe nhãn hiệu Casumina, Chengshin; dầu nhớt Honda, Yamaha, Castrol; các loại phụ tùng xe giả nhãn hiệu KMC, DID; IC mâm lửa... Để có thể làm được điều đó, các cơ sở này dùng máy ép ruột xe, máy ép bao bì, các khuôn chữ. Chính vì vậy, chúng có thể làm nhái các nhãn hiệu của tất các hãng như: Honda, Yamaha, Suzuki…
Công đoạn "phù phép" phụ tùng chủ yếu được tiến hành qua các bước như sau: Các bộ phận xe hỏng, xe cũ được "mông má" lại qua các khâu như: Gò, hàn, sơn, phun. Nhiều chủ còn đầu tư máy móc để chế tác linh kiện xe. Theo tiết lộ của một tay thợ chuyên sản xuất linh kiện cho một cơ sở "phù phép" xe "dỏm" cho hay: "Chúng tôi có thể chế tạo được tất cả các phụ kiện như chân chống, tay phanh, ốc vít, khóa, chân phanh, cần số, thậm chí cả lốc máy. Có những cơ sở quy mô lớn còn đầu tư máy móc hiện đại như máy đột dập, máy bào, máy cắt và bể mạ tĩnh điện. Đối với những ông chủ làm ăn chộp giật thì có thể liên hệ với những cơ sở chuyên sản xuất phụ tùng xe máy ở làng Rùa (xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội) để nhập phụ tùng với giá rẻ. Ngoài ra, nguồn linh kiện nhái có xuất xứ từ Trung Quốc cũng được những cơ sở sản xuất tận dụng vì giá rẻ.
Thợ đang chế tác bộ phận xe máy
Khi công đoạn "chế tác" đã xong, việc lắp ráp các bộ phận xe cũng được thực hiện khá tỉ mỉ. Mỗi cơ sở sản xuất sẽ tận dụng vài thợ lành nghề để có thể đảm nhận khâu lắp ráp này. Lắp ráp những bộ phận "chắp vá" cũng khá khó khăn, nếu chỉ sai lệch một chi tiết cũng có thể khiến cho xe không vận hành được thì thợ phải khắc phục nhanh chóng. Những xe trộm cắp sẽ được chúng dập lại số khung, số máy. Khi nhận được xe vừa "nhảy" về, chúng đánh phẳng số khung, số máy và đục lại. Nếu không phải là thợ xe thì rất khó phát hiện được đâu là số giả. Khi đã chế tác thành những sản phẩm, bước tiếp theo là "phù phép", hợp thức hóa giấy tờ. Theo tiết lộ của anh P. (nhân vật yêu cầu giấu tên), một công nhân đã có thâm niên làm giả giấy đăng ký xe đã giải nghệ thì mẫu đăng ký xe được mua lại từ các hiệu cầm đồ. Số tiền vốn bỏ ra để mua máy scan, in màu, máy tính khoảng 10 triệu đồng là có thể phù phép xe gian thành xe "chính chủ".
Với mẫu giấy đăng ký, thợ sẽ phô tô màu lại giấy đăng ký xe, che số khung, số máy, sau đó scan lên máy tính, chỉnh sửa các thông tin và in màu. Ngoài ra còn có những cơ sở có thể tự tạo được giấy đăng ký giả giống hệt với mẫu đăng ký thật bằng cách làm phôi giấy đăng ký xe nhờ sử dụng máy in màu. Sau đó, cũng scan lên máy tính và đánh số khung, số máy vào giấy đăng ký của chính những chiếc xe vừa trộm cắp, đồng thời tự tạo tên tuổi, địa chỉ chủ sở hữu mới vào giấy đăng ký xe. Kế tiếp là công đoạn lắp biển số. Các cơ sở này sẽ đến những nơi như: Chợ Giời hoặc khu phố Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để mua biển "xịn". Ngay cả biển đẹp, biển tiến cho đến tứ quý cũng mua được với giá rất rẻ, khoảng 100.000 - 250.000 đồng/biển. Biển được làm tùy theo đời xe, không mới, không cũ, nền biển được phủ nhũ trắng, chữ số sơn đen, được dập rất sắc và có phản quang. Đặc biệt, dấu quốc huy (dấu sao) được đúc rất tinh vi, người mua rất khó phát hiện đâu là biển giả, đâu là biển thật.
Như vậy, với công nghệ "phù phép" đó những chiếc xe ăn trộm, xe cũ, xe hỏng chỉ cần đầu tư khoảng một triệu đồng là có thể bán với giá hời rất cao.
Đường đi của xe gian
Chính nhờ những đường dây chuyên "mông má" xe này nên những sản phẩm "chắp vá" sẽ được tung ra thị trường với giá rất "bèo". Chúng vô tư bày bán ở các cửa hàng với giá cả hấp dẫn. Thậm chí, có cửa hàng còn treo biển bán xe SH giá 16 triệu đồng, Dream Nhật giá bảy triệu đồng, Jupiter giá năm triệu đồng... Để tránh bị lực lượng chức năng để ý, thời gian sau họ chuyển địa điểm bán. Những chiếc xe gian chủ yếu được rao trên các trang mạng. Tất cả các loại xe máy từ bình dân như Wave, Dream cho đến những loại xe đắt tiền như SH, Dylan, PS đều được rao bán trên mạng với giá rất rẻ. Sản phẩm rao bán kèm theo lời rao về những loại xe được mua với giá gốc ban đầu một cách chính chủ, hợp pháp.
Nhiều người ham mua xe rẻ nên đã trở thành nạn nhân của những chiêu trò "phù phép" này. Chị Nguyễn Thị Linh, trú tại đường Nguyễn Văn Linh (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: "Thấy một cửa hàng ở quận Hai Bà Trưng bày bán xe SH với giá rẻ, chỉ có 16 triệu đồng/chiếc, có bảo hành, tôi đã mua. Nhưng chỉ sau ba tháng bảo hành, xe chạy đã có hiện tượng ọch ạch, tiếng máy trở nên ồn hơn, những bộ phận khác của xe cũng bị hỏng hóc dần. Sau vài lần sửa ở hiệu mà mất toi mấy triệu bạc, giờ xe vứt xó, chẳng ai dám đi". Theo chị Linh, còn rất nhiều người khác cũng rơi vào trường hợp khốn khổ như chị.
Trước đây, trong một vụ án triệt phá xe máy chuyên trộm cắp, tiêu thụ xe máy liên tỉnh, công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã phát hiện nhiều ổ nhóm chuyên trộm cắp, tiêu thụ đường dây liên tỉnh do những đối tượng ở Gia Lâm, Long Biên cầm đầu. Cơ quan chức năng đã bóc gỡ được một đầu mối chuyên làm đăng ký giả cho các phương tiện do những đối tượng trộm cắp được để dễ tiêu thụ là Lương Thị Thúy (49 tuổi, phường Quỳnh Lôi, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Những chiếc xe máy trộm cắp được cơ sở này "phù phép" thay BKS giả, làm lại màu sơn, số khung, số máy rồi bán lại cho người có nhu cầu với giá từ 10 đến 25 triệu đồng/xe.
Hiện, công nghệ làm giả tinh vi nên rất ít người có thể phát hiện được những chiếc xe bị "phù phép". Chính vì vậy, khi mua xe, khách hàng cần xem xét cẩn thận về giấy tờ, nếu không phải xe chính chủ thì phải có sự xác nhận của cơ quan chức năng…
Mang vạ vì mua phải xe bị “phù phép” Anh Nguyễn Mạnh H., một sinh viên trú tại Cầu Giấy (Hà Nội) bị cơ quan chức năng kiểm tra và giam giữ vì chiếc xe anh đi là xe bị cướp cách đấy vài tuần. Sự việc chỉ được sáng tỏ khi cảnh sát bắt được tên cướp. |
Hoàng Thế Tào