Tiên nữ giáng trần ở ngọn tháp người Chăm

Tiên nữ giáng trần ở ngọn tháp người Chăm

Thứ 7, 02/02/2013 17:24

Từ nhiều thế kỷ nay, người dân Nha Trang xem tháp Bà Po Nagar là nơi lưu giữ linh hồn người con gái của trời đã cứu độ muôn dân.

Tháp Bà Po Nagar hay còn gọi là tháp Thiên Y Thánh Mẫu Ana nằm trên đồi Cù Lao, thuộc phường Vĩnh Phước, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, từ lâu đã gắn với những điều huyền bí. Người dân Champa không chỉ tự hào về ngôi tháp có kiến trúc độc đáo và cổ kính này mà còn tôn thờ vị nữ thần trong tháp đã cứu dân thoát khỏi những thiên tai, đói khổ. Xuất hiện những tín ngưỡng ấy là bởi nơi đây đã có truyền thuyết về một vị nữ thần được tạo thành từ mây trời và bọt biển giáng trần trong một thiên tình sử bi tráng màu nhiệm. Cùng với truyền thuyết ấy là cả một quá trình đấu tranh gìn giữ pho tượng quý giá của người Champa xưa.

Huyền thoại vị nữ thần mồ côi

Trở về Khánh Hòa những ngày cuối năm, chúng tôi đến tháp Bà để tìm hiểu truyền thuyết về vị nữ thần mồ côi giáng trần. Huyền thoại về vị nữ thần Thiên Y được ghi chép khá cụ thể trên văn bia trong khuôn viên tòa tháp. Theo đó vào năm 1856, Phan Thanh Giản có cho khắc lên bia đá truyền thuyết về nữ thần Thiên Y có ghi trong Đại Nam Nhất Thống chí. Truyền thuyết kể rằng: Xưa kia ở đất Đại Điền có hai vợ chồng lão nông nghèo khổ, làm rẫy và sống bằng nghề trồng dưa hấu trên triền đồi Cù Lao. Cuộc sống đã cùng cực, mùa thu hoạch không hiểu sao dưa hấu cứ bị mất. Cực chẳng đã ông lão cất công canh chừng mấy đêm thì phát hiện có một bé gái hái những quả dưa của mình để đùa giỡn dưới trăng. Lúc đầu ông lão bực lắm, nhưng cũng gặng hỏi thì biết được cô bé là trẻ mồ côi, lại dễ thương nên đem về nuôi và thương yêu như con ruột.

Một hôm trời mưa to, gió lớn, cảnh vật hoang sơ tiêu điều, cô bé buồn bã mà kiếm đá chất thành ba đống lớn rồi cắm đầy những bông hoa xung quanh. Nhìn thấy thế, ông lão cho rằng con mình làm vậy là không hợp với nề nếp, bèn lớn tiếng rầy la. Ông đâu ngờ rằng cô bé chính là tiên giáng trần vì nhớ chốn bồng lai tiên cảnh của Tam Thần Sơn mà có hành động như vậy. Cô bé đứng bên bờ sông đang buồn vì cha la mắng, lại thấy khúc kỳ nam theo dòng nước trôi đến bèn nhập vào khúc kỳ nam mặc cho dòng nước đẩy đưa theo hướng xuôi về phương Bắc, dạt vào bờ tỏa hương thơm ngào ngạt. Dân sống ven biển thấy khúc gỗ to lớn, kỳ lạ liền xúm nhau vào khiêng về nhà. Tuy đông người nhưng khúc kỳ nam cứ như nặng ngàn cân, bao nhiêu người cũng không tài nào khiêng nổi.

Xã hội - Tiên nữ giáng trần ở ngọn tháp người Chăm

Toàn cảnh tháp Bà nhìn từ dưới chân đồi

Hay tin có sự kiện lạ, thái tử Bắc Hải, con vị vua cai trị mảnh đất này bèn đến tận nơi xem xét. Thấy khúc kỳ nam, thái tử bèn đưa tay nhấc thử. Lạ kỳ thay khúc gỗ tự nhiên nhẹ bỗng như lông hồng, thái tử trong lòng sung sướng bèn đem khúc kỳ nam về cung và xem như báu vật. Một đêm nọ, thái tử dạo chơi dưới trăng thanh gió mát, chàng chợt thấy một thiếu nữ tuyệt sắc bước ra từ khúc kỳ nam quý. Thái tử bèn chạy tới xem thử nhưng xung quanh vắng lặng như tờ, không một bóng người qua lại, chỉ còn mùi hương thơm dịu mát phảng phất bủa vây. Lấy làm lạ, thái tử bèn lặng thinh theo dõi khúc kỳ nam. Sau bao lần trông ngóng, chợt một đêm thiếu nữ hiện thân, thái tử liền vội vàng ôm lấy thiếu nữ. Quá hoảng hốt, lại không thể biến kịp vào khúc kỳ nam, thiếu nữ buộc phải nói cho thái tử biết tên mình là Thiên Y Ana và theo chàng đến gặp vua cha. Rung động trước vẻ đẹp của Ana, thái tử bèn tâu với vua cha xin cưới nàng làm vợ. Vợ chồng họ sống với nhau rất hạnh phúc và sinh được hai con, một gái, một trai khôi ngô tuấn tú.

Một thời gian sau, nàng Ana thấy nhớ nhà lão nông đã cưu mang mình và nàng có ý định hồi hương về phương Nam. Ana liền bồng hai con nhập vào khúc kỳ nam và trôi về phương nam theo cửa Cù Huân xui về Đại Điền. Về đến nơi thì vợ chồng ông lão trồng dưa đã qua đời. Ana liền cho đắp mộ thờ cúng họ. Cũng từ đó Ana dạy người dân cách trồng lúa, dệt sợi, cầy cấy, kéo vải để sinh sống và đặt ra các nghi lễ thờ cúng. Kể từ đó ruộng vườn luôn tươi tốt, dân trong vùng được ấm no hạnh phúc. Về sau Ana cho dân lấy đá từ núi Cù Lao về tạc tượng bà, rồi đang giữa ban ngày chợt có con hạc trắng từ trên trời bay xuống, bà bồng hai con cưỡi hạc bay về cõi bồng lai. Mãi về sau, thái tử cũng cho quân lính kéo thuyền về đây tìm vợ.

Tuy nhiên vừa về đến cửa Cù Huân thì quân lính hà hiếp dân lành, khinh miệt linh tượng. Ngay lúc đó chợt có một trận cuồng phong kéo tới lật úp con thuyền và biến nó thành một tảng đá lớn. Kể từ đó, dân chúng khắp vùng Đại Điền thường thấy Bà cưỡi voi, lụa, bay lượn trên bầu trời. Dân trong vùng bèn lập nên ngôi tháp trên đồi Cù Lao mà thờ phụng Bà và cầu mưa thuận gió hòa, tai qua nạn khỏi.

Những trận oanh tạc cướp tượng vàng Thánh Mẫu

Ngôi tháp cổ trên đồi Cù Lao trở nên nổi tiếng với những huyền thoại bởi thế dân chúng trong vùng hết sức cung kính với những người được thờ trong tháp. Hàng năm vào ngày 23/3 đều có những lễ vật kính dâng lên Thánh Mẫu Thiên Y Ana để mong mưa thuận, gió hòa, ấm no hạnh phúc. Những lễ vật ấy rất có giá trị, thậm chí có những thời kỳ tượng Bà còn được tạc bằng vật liệu quý giá để thờ cúng. Vì thế cho nên, cứ mỗi lần giặc càn quét là mỗi lần tháp Bà bị vơ vét trơ trọi. Điều đặc biệt ở ngôi tháp ngoài kiến trúc thượng tầng của nền văn hóa Champa còn phải kể đến những văn bia cổ để lại. Trên các văn bia có khắc các thời kỳ đấu tranh giữ tháp của các triều đại vua Champa. Một trong những công trình đắt giá nhất có thể nói đến đó là bức tượng nữ thần Bhagavati (hiện thân trên Thiên Y Thánh Mẫu) bằng vàng trong ngôi tháp. Tuy nhiên bức tượng ấy đã bị mất từ rất lâu và chưa biết nguyên do.

Một số người cao tuổi sống gần ngọn đồi Cù Lao kể rằng: Ngay từ khi Thánh Mẫu Thiên Y Ana còn sống, thì ngôi tháp được dựng lên ban đầu chỉ là bằng gỗ. Nhiều tư liệu cho thấy trong ngôi tháp bằng gỗ ấy lại thờ tượng nữ thần Bhagavati bằng vàng. Trận càn quét cướp bóc của quân Nam Đảo (tức Indonesia bây giờ), đã phá hủy ngôi tháp gỗ và cướp tượng vàng vào năm 774. Sau đó tháp được xây lại bằng gạch bởi vua Satyavarman vào năm 784 và tồn tại cho đến ngày nay. Đến đời của vua Harivarman I và Vikrantavarman III đã lần lượt xây thêm 5 tòa tháp nữa trong tổng số sáu tòa tháp. Tuy nhiên, những tư liệu này có phần không hợp lý theo nghiên cứu của các nhà khoa học lẫn những cứ liệu trên văn bia ghi lại.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì bức tượng Bhagavati bằng vàng sau này mới có. Đó là vào năm 918 vua Indravarman III mới cho đúc tượng Bhagavati bằng vàng. Và bức tượng này bị quân Chân Lạp (Khmer) đánh cướp vào khoảng năm 945. Cho đến mãi năm 965, bức tượng nữ thần Bhagavati bằng đá mới được xây dựng. Tuy nhiên, theo những ghi chép được sao lại từ các văn bia tại tháp bà còn lưu giữ ở trường Viễn Đông Bác Cổ cho thấy tượng Bhagavati bằng vàng được đặt tại tháp bà sau năm 774. Theo đó tượng được dặt tại đây vào khoảng năm 817 đến năm 918.

Tháp Bà chính thức bị quân Chân Lạp (Khmer) do vua Cam-bốt Rajendravarman xâm lược vào năm 945 và cướp vào năm 950. Mãi đến năm 965 thì vua Haya Indravarman mới làm lại bằng đá và cho đặt tại đây. Vào năm 1050, vua Sri Paramesvarvarman tôn xưng nữ thần là thánh và lấy tên là Yang Pu Nagar. Nữ vương Po Nagar được thờ trong tháp chính và dân chúng khắp vùng tôn xưng là vị thần cứu rỗi muôn dân.

Cũng chính vì thế mà tháp Bà được dân chúng trong vùng sùng bái và tôn thờ bằng các cống vật có giá trị. Đó cũng là nguyên do của nhiều cuộc xâm lăng hòng vơ vét của cải nơi tháp Bà. Năm 1203, đội quân của Chân Lạp (Khmer) lại chiếm đóng lần nữa và cướp vô số của cải bao gồm tượng Bà. Sau bảy năm chiến đấu gian khổ, vị vua của đất Champa là Paramesvaravarman II mới giải phóng được tháp Bà và cho trùng tu lại. Lần này tượng Bà được tạc bằng gỗ trầm hương quý giá. Mãi đến năm 1946 giặc Pháp tiến quân vào xâm chiếm và cướp mất tượng Bà bằng gỗ trầm hương. Về sau này, tượng Bà được cho đúc lại bằng đá hoa cương, cao 260cm, đặt trên bệ đá hình đài sen, lưng tựa vào phiến đá lớn hình lá đề, biểu tượng của nhà phật.  

Lễ lớn nhất trong năm

Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa cho hay lễ hội tháp Bà Po Nagar là ngày lễ lớn nhất trong năm của loại hình dân gian tỉnh Khánh Hòa. Theo các văn bia được ghi chép lại thì từ thời xây dựng tháp mỗi năm đều diễn ra nhiều nghi lễ thờ cúng. Theo đó có rất nhiều lễ vật được cung kính cho Bà. Các lễ cúng thường là cúng ruộng với các lễ vật dâng lớn nhằm cầu mùa màng bội thu. Vào năm 1165 bia ký có ghi là đã dâng cúng một kim mão quý giá cho Bà. Về sau này cho tới ngày nay, ở gần đồi Cù Lao có riêng một xóm, gọi là xóm Bóng chuyên phục vụ các ngày lễ cúng. Và nghi thức cúng ngày nay bao gồm lễ rước Bà và các nét văn hóa Champa như múa, hát, trình diễn dệt thổ cẩm, làm gốm cổ truyền cùng nhiều loại hình đặc sắc khác mang đậm chất văn hóa Champa.    

Hoàng Minh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.