Mấy ngày vừa qua dư luận cả nước khá bất ngờ trước thông tin cục NTBD mới cập nhật, phổ biến rộng rãi 324 ca khúc. Đây là các ca khúc này có sức sống, đi vào lòng dân qua hai thế kỷ. Quan điểm của ông ra sao về vấn đề này?
Việc cục NTBD thuộc bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành các văn bản cấp phép biểu diễn cho một số ca khúc đã trở thành “huyền thoại” của âm nhạc cách mạng Việt Nam đang trở thành tâm điểm của những tranh luận đa chiều. Có thể nói, việc cấp phép hoạt động cho những ca khúc mà trên thực tế nó đã trở thành giá trị vĩnh cửu được các thế hệ hậu chiến nằm lòng là việc làm “cứng nhắc”, “rập khuôn”, phản ánh sự quan liêu trong công tác quản lý của cục NTBD.
Việc cấp phép những ca khúc như Tiến quân ca hay Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng lại là việc làm có vẻ “hơi thừa”. Vì những ca khúc này từ lúc được sáng tác đến khi phổ biến đã thực sự trở thành một báu vật tinh thần quốc gia thì nghiễm nhiên nó đã được “thông hành” và được bảo vệ như một di sản dân tộc trong lòng công chúng.
Từng là thành viên hội đồng bình luận của Giai điệu tự hào, hơn ai hết ông là người hiểu rõ ý nghĩa của những ca khúc cách mạng đó?
Những ca khúc cách mạng đi cùng năm tháng được phát trong chuỗi chương trình Giai điệu tự hào là những ca khúc khơi lại sức mạnh cách mạng trong hai cuộc kháng chiến thần thánh và trong công cuộc kiến thiết đất nước của nhân dân Việt Nam.
Đặc biệt, những tác phẩm âm nhạc này không chỉ là tiếng nói về nghệ thuật, thẩm mĩ mà còn là tiếng nói tư tưởng và văn hóa dân tộc qua các chặng đường lịch sử. Khổng Tử viết trong Nhạc kí: “Âm nhạc từ lòng người mà sinh ra. Khi lòng buồn, vui, giận, kính, thương, thì tiếng nhạc tùy nơi lòng mà thành âm”. Cái “âm” mà Khổng Tử viết chính là tiếng nói từ “lòng người”. Lòng người ai oán, sầu thảm, thanh âm thê lương thảm thiết; lòng người phấn chấn, thanh âm bừng bừng khí thế. Tiếng nói từ “lòng người” qua âm nhạc biểu hiện suy nghĩ của con người về cuộc sống, về hoàn cảnh lịch sử, kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.
Chính những ý nghĩa nhân văn và sâu sắc đó là điều khiến dư luận bất bình trong thời gian qua khi liên tiếp nhiều ca khúc nổi tiếng qua nhiều thế hệ người Việt Nam bị cấm biểu diễn. Tuy nhiên, trước sự hoang mang của công chúng, cục NTBD cũng đã có văn bản đính chính thông tin, nhưng theo tôi đó vẫn chưa đủ.
Ông có thể nói rõ hơn về điểm này?
Hiện tại, thông tin này đang gây nên nhiều luồng tranh luận trái chiều và thậm chí, các khán giả yêu nhạc cho rằng, đây là chuyện “cười ra nước mắt”. Đó là còn chưa nói đến tính tất yếu bất khả xâm phạm về mặt lưu truyền. Tôi có thể lấy ví dụ như bài Tiến quân ca, đây là một ca khúc đã được đưa vào biểu diễn tại các sự kiện đặc biệt quan trọng của quốc gia dân tộc, nhưng giờ đây mới được bổ sung vào danh sách phổ biến rộng rãi, thì khác nào phủ nhận tính pháp lý của nó trong các sự kiện trong đại của dân tộc? Đặc biệt, ca khúc này là tài sản quốc gia khi khoản 3 Điều 13 Hiến pháp năm 2013 quy định rất rõ, quốc ca của Việt Nam là nhạc và lời bài Tiến quân ca. Vậy thì còn cần phải cấp phép nữa hay sao?
Đối với tác phẩm nghệ thuật, nhất là những tác phẩm đã vượt lên mức giá trị thông thường để trở thành di sản dân tộc, thì việc ban hành bất cứ văn bản nào liên quan đến nó cũng cần hết sức thận trọng và phải cân nhắc. Vì nó là hồn cốt của quốc gia, là sức mạnh tinh thần văn hoá của dân tộc.
Xin cảm ơn ông!
Phương Anh
Xem thêm >>> Ý kiến của Bộ VH,TT&DL về 324 bài hát vừa được bổ sung phổ biến