Tiến sĩ hay cu li?

Tiến sĩ hay cu li?

Thứ 5, 27/12/2012 23:56

Kể ra xã hội có nhiều tiến sĩ cũng hay. Mới hôm rồi tôi được mời ăn tối ở nhà bạn. Chủ nhân giới thiệu khoảng một chục khách mời với nhau: này là tiến sĩ X, đây là tiến sĩ Y, kia là thạc sĩ Z.

Bàn ăn có vẻ bốc mùi trí thức. Nhưng vì thức ăn ngon và rượu thì nhiều nên mọi người ăn uống vui vẻ, rốt cuộc ai cũng no say. Chủ nhân rất hài lòng, hôm sau nói với tôi qua điện thoại là họ thực sự hân hạnh được đón tiếp những vị khoa bảng hôm qua, con cái họ học được nhiều từ các vị ấy.

Tôi nhớ hai cô cậu trẻ trong nhà, đều đang ở lứa tuổi ngoan, quả thật có vẻ bị ảnh hưởng bởi sự trân trọng bằng cấp cao của cha mẹ, chắc là chúng thấy làm tiến sĩ cũng oai.

Khi Steve Jobs qua đời, một chi tiết về đời tư của ông được nhiều phương tiện truyền thông khai thác. Ấy là mẹ ruột của ông mang thai khi chưa kết hôn và còn là sinh viên, đã quyết định đem đứa con mới sanh cho người khác nuôi. Yêu cầu của bà mẹ ruột đối với cha mẹ nuôi đứa bé là cho nó vào đại học. Cha mẹ nuôi của Jobs là những người lao động, đã cố gắng thực hiện lời hứa. Nhưng Steve chọn một trường đại học tư học phí rất đắt. Khi Steve nhận ra rằng mình đang tiêu những đồng tiền dành dụm ít ỏi cho tuổi già của cha mẹ, ông quyết định bỏ học, đi làm tự kiếm sống. Khi qua đời ở tuổi năm mươi ngoài, Steve Jobs là tỉ phú.

Xã hội - Tiến sĩ hay cu li?

Nguyện vọng của mẹ ruột Steve và cố gắng của cha mẹ nuôi Steve là điều hiểu được. Cho con học hành tới nơi tới chốn là ước nguyện của nhiều cha mẹ, giàu cũng như nghèo, hoàn toàn chính đáng. Các bậc cha mẹ hy vọng một nền giáo dục đại học bảo đảm tương lai cho con mình. Khiêm tốn thì mong chúng có được cái bằng đại học trong nước để trong hồ sơ xin việc. Có điều kiện hơn thì cho chúng du học, hay ráng kiếm tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ, trong ngoài nước đều được, để nâng cấp địa vị và bổng lộc. Ở xứ sở trọng bằng cấp, cần nắm ít nhất một tấm bằng trong tay như tấm vé để tiến vào quan trường. Ngay trong thị trường lao động tự do, bằng cấp cũng được nhiều nhà tuyển dụng đòi hỏi.

Bỏ học mà thành đạt như Steve Jobs là trường hợp đặc biệt. Nhưng không phải là trường hợp duy nhất. Những trường hợp bỏ học, hoặc không được học hành, trở thảnh kẻ thất bại, vô dụng, lận đận lẹt đẹt dưới đáy xã hội không hề ít. Nguyên nhân thành bại ở đời nhiều lắm, tùy vào ý chí và nỗ lực của từng con người, tùy thời vận, may rủi nữa. Một tấm bằng để kiếm chỗ làm là một ưu thế khi khởi đầu. Nhưng một số vốn để khởi nghiệp cũng là một ưu thế đáng kể. Nhiều người trẻ tin rằng họ chỉ cần có vốn để khởi đầu sự nghiệp. Vậy muốn giúp đỡ thanh niên thì giúp họ học hành lấy được bằng cấp cao hay hổ trợ vốn liếng để họ bỏ học mà khởi nghiệp?

Bill Gates là người bỏ học thành đạt, nhưng ông lại dùng tiền để đẩy mạnh giáo dục. Một thanh niên được học bỗng Gates thì được bảo đảm tài chánh để học tập nghiên cứu đến khi nào đạt được tri thức mình mong muốn. Học bổng này không giới hạn số tiền hay thời gian, mà tùy nhu cầu học tập của người được bảo trợ là bao nhiêu thì quĩ Gates chi bấy nhiêu. Điều này khuyến khích người nhận học bổng cố gắng vào những trường giỏi nhất, tham gia những chương trình nội/ngoại khóa bổ ích, trải nghiệm những thử thách thú vị, tận dụng mọi cơ hội để hoàn thiện bản thân, mà không bận tâm đến tiền bạc. Học bổng này nhằm đào tạo những lãnh đạo xuất sắc trong khoa học và trong cộng đồng.

Xã hội - Tiến sĩ hay cu li? (Hình 2).

Peter Thiel cũng là tỷ phú. Nhưng ông dùng tiền khuyến khích những người muốn bỏ học để kiếm tiền. Thực tế ở nước Mỹ có rất nhiều thanh niên tốt nghiệp đại học với một đống nợ. Thiel cho là bằng cấp đại học quá đắt và được đánh giá quá cao, khiến cho nhiều người trẻ tuổi rơi vào vòng luẩn quẩn: Vay nợ để học hành, đeo đuổi ước mơ tuổi trẻ; học xong lại phải gạt bỏ ước mơ, đi kiếm tiền trả nợ. Đã vậy, trong tình hình kinh tế suy thoái, thanh niên cầm bằng cấp đại học, kể cả bằng tiến sĩ, cũng khó kiếm được việc làm. Nhưng nếu không vào đại học thì làm gì? Thiel đề ra chương trình trợ vốn cho thanh niên không muốn hay không có tiền vào đại học. Ông hứa giúp 24 thanh niên, mỗi người 100.000 đô, trong hai năm, để sáng lập doanh nghiệp. Có 400 hồ sơ ứng cử. Tính ra tỷ lệ tuyển chọn còn căng hơn hơn tuyển vào đại học Harvard.

Thiel được coi là người suy nghĩ táo bạo (Brave Thinker) của năm 2011. Chương trình trợ vốn của ông chỉ mới bắt đầu trong nằm 2011, và cần thời gian để biết hiệu quả như thế nào. Những người phản bác ý tưởng của Thiel cho rằng giao 100.000 đô cho những người 18 tuổi không có kinh nghiệm, không đủ trình độ học vấn, cầm như tiêu tùng vốn liếng, có khi làm hư hỏng chúng luôn.

Thiel trả lời: Nếu sau hai năm làm ăn thất bại, chúng cắp sách đi học lại cũng chẳng muộn. Và lúc đó chúng sẽ hiểu hơn giá trị của học vấn. Ông rất hy vọng cuối cùng chúng sẽ thành công, cách này hay cách khác, hoặc bằng kinh nghiệm xương máu của chính mình. Thương trường cũng dạy người ta những bài học đáng giá.

Nhà văn Lý Lan

Cảm nhận cuộc sống cùng Người đưa tin blog

Độc giả có những cảm nhận về cuộc sống cần chia sẻ cùng bạn bè, người thân, hãy viết cảm xúc đó, và vui lòng gửi về chúng tôi theo địa chỉ email: blog@nguoiduatin.vn. Bài viết có tính chất phi thương mại nên không tính nhuận bút. Trân trọng!


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.