Theo con số thống kê được đưa ra, tính đến ngày 17/5, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức được 19 phiên đấu thầu vàng, với tổng khối lượng vàng được bán là 477.000 lượng vàng, tương đương hơn 18,3 tấn vàng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây lượng vàng đấu thầu bị ế ngày càng tăng. Trong tổng số 130.000 lượng vàng NH Nhà nước chào thầu trong 5 phiên liên tục gần đây, số bị ế lên đến 45.900 lượng. Ngay tại phiên đấu thầu thứ 19, có tới 18.000 lượng trong số 26.000 lượng vàng chào bán bị “ế”.
Đây được coi phiên “ế” nhiều vàng thứ hai kể từ khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu đấu thầu chính thức từ cuối tháng 3, sau phiên đầu tiên bị “ế” 24.000 lượng vàng.
Trao đổi với PV vào chiều 20/5, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, việc trong những phiên đấu thầu thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra những biện pháp hạn chế các doanh nghiệp tham gia đấu thầu là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vàng "ế".
"Việc giới hạn là phải đặt thầu ngay là 1.000 lượng vàng trở lên đã loại trừ ngay các doanh nghiệp khác mà chỉ có các Ngân hàng lớn mới có thể tham gia được. Với phạm vi như vậy, các ngân hàng về cơ bản đã thu xếp được việc tất toán vàng rồi nên họ không cần thêm nữa", TS Doanh nói.
Tuy nhiên, theo TS Doanh, việc quan trọng hơn trong lúc này chính là chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hiện nay vẫn ở mức cao.
"Vấn đề lớn ở đây là giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn còn chênh lệch như vậy thì ai được hưởng lợi?, thêm vào đó khoảng 300 - 400 tấn vàng hiện đang có ở trong dân thì sẽ phải có ý kiến như thế nào?. Vấn đề nữa là có nhiều ý kiến xung quanh Nghị định 24 cần phải được trả lời rõ ràng hơn...", TS Doanh đặt vấn đề.
Xung quanh, một số ý kiến cho rằng, việc vàng ‘ế’ là đánh dấu sự thành công của Ngân hàng nhà nước sau hàng loạt những động thái tham gia bình ổn, dùng mọi cách để không tạo sơn sốt vàng, TS Doanh nhấn mạnh: "Việc cho đến nay chưa để xuất hiện những cơn sốt vàng là một sự thành công, đáng ghi nhận. Thế nhưng, về lâu, về dài thì với chính sách này có giải quyết được hay không lại là một vấn đề khác. Bởi sau 30/6 các ngân hàng đã tất toán được vàng rồi thì Ngân hàng nhà nước có tiếp tục chính sách này nữa hay không là điều cần phải xem xét.
Nếu có tiếp tục chính sách này sẽ dẫn đi đến đâu? Một chính sách mà Ngân hàng nhà nước tự mình đưa ra quy định rồi tự mình tổ chức đấu thầu hay nói cách khác là vừa đá bóng, vừa thổi còi như vậy thì có bình thường không?...".
Từ chênh lệch giá vàng cao như hiện nay, TS Doanh cũng đặt thêm vấn đề: "Việc giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế còn chênh lệch lớn như vậy sẽ dễ dẫn đến tình trạng buôn lậu vàng. Và khi xảy ra tình trạng này thì ai sẽ là người được lợi?...
Về lâu dài như các chuyên gia đã chia sẻ thì cần phải có một sàn giao dịch vàng theo đúng cơ chế của thị trường".
Cũng trao đổi với PV, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh vàng cho rằng, trong các phiên đấu thầu vàng gần đây, mức giá sàn Ngân hàng Nhà nước đưa ra tiếp tục bằng hoặc rất sát giá thị trường nên không hấp dẫn doanh nghiệp tham gia.
"Lực mua trên thị trường hiện nay còn yếu, trong khi đó giá vàng thế giới lại biến động thất thường theo chiều đi xuống đã khiến cho doanh nghiệp không dám tham gia đấu thầu mua vàng nhiều vì sợ rủi ro.
Còn về phía các ngân hàng thương mại, hạn chót phải tất toán vàng là 30/6, trong khi Ngân hàng Nhà nước lại liên tục đấu thầu nên họ cũng không vội vàng mua gom vàng giá cao. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng ế vàng nhiều như vừa qua", vị này cho hay.
Theo Trí Thức Trẻ