Nội dung kịch kể về người con gái Phạm Thị Ngà mồ côi cha mẹ. Một hôm, Thị Ngà lai vãng quanh lễ hội Nõ - Nường, vô tình lúc ấy, sư Vạn Hạnh cũng ghé qua. Bỗng đất trời giao hòa, âm dương giao cảm, nên khi trở về Thị Ngà thấy trong mình khác lạ, biết là đã mang thai.
Thiền sư Thiền Ông là sư phụ của Vạn Hạnh vốn có tài thông thiên nên đã viết một bài tiên tri có ngụ ý rằng bào thai đang lớn dần trong cơ thể Thị Ngà có mệnh đế vương, sẽ xây dựng một triều đại lừng lẫy. Gò Rồng Ấp - nơi chôn cha mẹ của Thị Ngà chính là nơi phát mệnh đế vương.
Ở hương Diên Uẩn có một phú hộ tên là Hồng Kỳ vô tình biết chuyện. Cũng bởi lòng tham mà hắn đã bốc mả cha mình rồi đem táng ở gò Rồng ấp với hy vọng con cháu sau này sẽ làm nên nghiệp đế. Hắn lại biết Thị Ngà đang mang thai thiên tử nên đã bày đặt những âm mưu thâm độc để hãm hại Thị Ngà.
Đến kỳ sinh nở, Thị Ngà phải dùng mảnh sành tự rạch bụng để con chào đời. Tiếng trẻ khóc vang cũng là lúc Thị Ngà lìa xa cõi thế. Đứa bé đã được sư Khánh Văn đem về nuôi nấng để rồi sau này lớn lên đã trở thành vị Hoàng Đế khai quốc của triều Lý – người đã tạo dựng nên kinh đô Thăng Long nghìn năm rạng rỡ.Theo NSND Lệ Ngọc, vở kịch sẽ như một bức tranh mô phỏng xã hội Việt Nam thời kỳ đầu xuất hiện các triều đại phong kiến tập quyền độc lập.
"Không gian của vở diễn được xác định là nền văn minh châu thổ Sông Hồng với những phong tục tập quán đặc sắc của người Việt cổ, cùng tín ngưỡng phồn thực bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo dân tộc. Với vở diễn này, chúng tôi tham vọng không chỉ chinh phục khán giả trong nước mà cả khán giả nước ngoài" - NSND Lệ Ngọc cho biết.
Khi được hỏi: Vở kịch dự định sẽ mang đi Liên hoan Sân khấu Quốc tế, vậy ê -kíp sẽ phải làm thế nào để quảng bá vở kịch đồng thời cũng giới thiệu được văn hóa Việt Nam ra thế giới? NSND Lê Tiến Thọ - Nguyên thứ trưởng bộ VH,TT&DL, chủ tịch hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho hay: "Điều đầu tiên, cái tên Huyền thoại gò Rồng ấp dịch ra tiếng Anh rất dễ. Với một vở kịch mang màu sắc lịch sử thì cả ê - kíp sẽ cùng chuyển động, để vẫn giữ được nét xưa mà vẫn hội nhập được với thế giới.
Sân khấu vốn có tính ước lệ, nên ngôn ngữ nghệ thuật sẽ được cách điệu sao cho hài hòa, để người xem, nhất là khán giả quốc tế sẽ vẫn hiểu được văn hóa Việt Nam".
Vở kịch sẽ được giao cho NSƯT Triệu Trung Kiên làm đạo diễn. Nghệ sĩ này chia sẻ: "Khi được giao vở kịch này, bản thân tôi cũng rất hồi hộp, lo lắng. Tôi vốn được đào tạo là đạo diễn sân khấu, sau đó mới chuyển sang làm cải lương nên vẫn có vốn liếng nhất định. Kịch nói hay cải lương đều có những giá trị truyền thống chung. Tôi cũng từng chuyển thể khá nhiều kịch bản của PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ nên cũng thuận lợi hơn khi bắt tay vào vở mới".
Hiện tại, vở kịch đang được khẩn trương dàn dựng để kịp công diễn vào ngày 20/7 tại Hà Nội. Phần trang phục, sân khấu và đạo cụ được chú trọng để làm sao tạo ra được một không gian thuần Việt nhưng phải gọn nhẹ để có thể lưu diễn ở nước ngoài.