Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức: ‘Nên cầu thị ý kiến người dân về dự án Hanoi Lotus’

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức: ‘Nên cầu thị ý kiến người dân về dự án Hanoi Lotus’

Hà Thị Linh

Hà Thị Linh

Thứ 2, 31/07/2017 15:00

Những hình ảnh đầu tiên của Hanoi Lotus đã đón nhận nhiều luồng ý kiến. Trong cuộc trò chuyện với PV báo Người Đưa Tin, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã có những chia sẻ thẳng thắn về công trình đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận này.

Đặt vấn đề về công năng sử dụng lên hàng đầu

Hồi tháng Hai, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian tới thành phố sẽ xây dựng nhà hát opera tiêu chuẩn thế giới ở Hồ Tây, ông có quan tâm đến dự án này?

TS Nguyễn Viết Chức: Là người làm văn hóa, tôi rất hoan nghênh việc lãnh đạo TP.Hà Nội đã quan tâm đến văn hóa nghệ thuật. Đây cũng là tinh thần rất mới và rất cần, đó là suy nghĩ về việc xây dựng những giá trị văn hóa của thời đại Hồ Chí Minh. Năm nay kỷ niệm 72 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, trong quãng thời gian khá dài đó, do kinh tế cũng như nhưng điều khác chi phối nên chúng ta chưa có nhiều thời gian quan tâm đến văn hóa nghệ thuật. Thế nên, đã đến lúc chúng ta dành sự quan tâm đến các giá trị văn hóa.

Thời phong kiến cũng để lại những di sản vật thể như Văn Miếu, Hoàng Thành. Thời Pháp thuộc cũng có một số công trình để lại dấu ấn của thời gian, thời đại như: Nhà hát Lớn, cầu Long Biên. Rõ ràng, đến thời đại Hồ Chí Minh, văn hóa không chỉ có đàn ca – hát – múa mà phải nghĩ tới việc xây dựng các công trình có ý nghĩa để đời và coi đó là di sản văn hóa của thời đại Hồ Chí Minh. Tôi cho rằng, đây là một ý tưởng rất đáng hoan nghênh khi đã căn cứ vào những biểu tượng văn hóa của dân tộc để xây dựng một nhà hát tầm cỡ quốc tế. 

Giải trí - Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức: ‘Nên cầu thị ý kiến người dân về dự án Hanoi Lotus’

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng.

Thực tế, đã từng có những công trình xây dựng với chi phí lớn nhưng khi đưa vào sử dụng lại bất hợp lý, không mang lại hiệu quả. Theo ông, cần phải coi trọng điều gì khi bắt tay thực hiện một dự án lớn như Hanoi Lotus?

TS Nguyễn Viết Chức: Khi xây dựng một công trình vật chất thì phải hiểu rằng, ý nghĩ phi vật chất, tư tưởng và thẩm mỹ rất đáng được quan tâm. Trong văn hóa, nhất là những công trình nhà hát, trước tiên phải tính đến vấn đề về công năng sử dụng. Ví dụ, tại sao Nhà hát Lớn trở thành biểu tượng? Bởi, đó không chỉ là công trình vật chất có kiến trúc đặc biệt, đặc sắc mà ở đó còn diễn ra hàng trăm cuộc biểu diễn nghệ thuật tầm cỡ quốc gia, thế giới.

Thế nên, nhà hát xây dựng xong phải nghĩ ngay đến công năng, vừa sử dụng hiệu quả vừa có ý nghĩa về nghệ thuật tầm cao. Đã gọi là một công trình mang tầm cỡ thế giới, thì các chương trình biểu diễn nghệ thuật cũng phải xứng tầm. Tôi tin rằng, với nghệ thuật của Việt Nam, chúng ta sẽ tổ chức được những hoạt động mang tầm cỡ như vậy.

Nhưng, để thực hiện được công năng và ý nghĩa to lớn như vậy, việc lựa chọn địa điểm, không gian, thiết kế kiến trúc là rất quan trọng. Thực tế, đã từng có nhiều công trình kiến trúc xây dựng với kinh phí tiền tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng nhưng không để lại một ấn tượng lớn trong xã hội. Đó là một bài học sâu sắc cần rút kinh nghiệm.

Tuyệt đối không được copy ý tưởng

Ngay khi những hình ảnh đầu tiên của Hanoi Lotus được công ty Kiến trúc Australia Decibel tung ra, không ít người nhận xét, thiết kế này là sản phẩm “vay mượn”. Quan điểm của ông về vấn đề này?

TS Nguyễn Viết Chức: Thiết nghĩ, với một công trình lớn như Hanoi Lotus, thì không thể không tranh thủ một cách cầu thị ý kiến của đông đảo người dân, trong đó có các chuyên gia về lĩnh vực văn hóa, xây dựng. Bởi, đây không đơn thuần là công trình xây dựng đồ sộ, hoành tráng mà phải gửi vào đó thông điệp của bản sắc văn hóa Việt Nam, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Nói khái quát thì dễ, nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì rất khó, phải vô cùng cẩn trọng. Cũng xin nhấn mạnh rằng, với một công trình lớn như Hanoi Lotus thì tuyệt đối không được copy ý tưởng của một công trình nào khác.

TP.Hà Nội có kế hoạch xây dựng một công trình văn hóa được coi là tin vui, bởi chúng ta từng đánh giá, phát triển văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế. Tương xứng ở đây không phải là xây dựng nhiều công trình mà là quan tâm đến con người, giữ gìn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và ứng xử với môi trường thiên nhiên – xã hội. Văn hóa không đơn thuần chỉ là những công trình mà còn là sự kết tinh của năng lực, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và thể hiện được trình độ về kiến trúc của thời đại. 

Giải trí - Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức: ‘Nên cầu thị ý kiến người dân về dự án Hanoi Lotus’ (Hình 2).

Hình ảnh đầu tiên của dự án Nhà hát Opera Hanoi Lotus đang nhận nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.

Ông có kiến nghị hay đề xuất gì đối với dự án xây dựng Hanoi Lotus?

TS Nguyễn Viết Chức: Tôi cho rằng, trước khi bắt tay vào xây dựng công trình lớn này, chúng ta nên tổng kết tất cả những công trình xây dựng trước đó để biết khiếm khuyết ở chỗ nào, nguyên nhân vì sao. Từ đó, chúng ta rút kinh nghiệm, tránh những sai sót không đáng có để xây dựng Hanoi Lotus phù hợp văn hóa Việt Nam và mang tầm cỡ quốc tế. Mong rằng, Thủ đô Hà Nội trong tương lai sẽ có một công trình văn hóa nghệ thuật giá trị và ý nghĩa.

Xin cảm ơn ông!

Hà Linh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.