Đang làm kĩ sư trưởng của tập đoàn danh tiếng Siemens với thù lao lên đến tiền triệu (USD), nhà cửa khang trang, con cái đề huề bên đất người, ấy vậy mà người đàn ông này lại quyết định từ bỏ.
TS Nguyễn Ái Việt bỏ lại nhà cửa, công việc và cả… con gái để về Việt Nam. Cậu con trai nhỏ và vợ theo ông về nước. Năm đó, con trai ông học lớp 6. Cậu con trai vốn là niềm tự hào của ông mỗi lần gặp giáo viên nhưng khi về Việt Nam, cậu bé đã thay đổi 180 độ. Tiếng Việt nói bập bẹ kéo theo việc hỏng tất cả các môn còn lại. Con trai ông như một đứa “dở ông dở thằng” vì Mỹ không Mỹ, Việt Nam không ra Việt Nam. Việc thay đổi môi trường sống và những khác biệt giữa hai nền giáo dục đã khiến cậu bé không thể hòa nhập với trường lớp, bạn bè. Tương lai đại học coi như mù mịt. Cô con gái lớn đã quen được sự bao bọc của bố mẹ, giờ bị “bỏ lại” cũng có phần buồn tủi. Thời gian đó, TS Việt lại đang bù đầu với mớ tin đồn thất thiệt từ bản hợp đồng với Microsoft. Nhìn lại, ông thấy mình có nguy cơ mất trắng. Đây là thời gian “khủng khiếp” nhất đối với ông. Với một người cha, không có gì đau khổ hơn khi nhìn thấy con cái hư hỏng.
TS Việt chia sẻ, trong lúc khó khăn đó, không ai hiểu cho ông vì nghĩ ông sướng lắm. “Chỉ có một người mà tôi coi như anh của mình là anh Vũ Đức Đam (hiện đang là Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ). Trong một buổi anh em ngồi nói chuyện, mọi người nói anh Đam khổ, vất vả nhiều thứ nhưng anh trả lời: “Việt là đứa khổ nhất”. Nghe câu đó, tôi cảm giác được chia sẻ rất nhiều. Ngoài chuyện tình cảm, tôi rất thích làm việc với anh Vũ Đức Đam. Nếu không về Việt Nam thì làm sao tôi có thể gặp được những con người như vậy”, vị TS này cho biết.
Tuy nhiên, giống như một người chạy đường dài đầy kinh nghiệm, Nguyễn Ái Việt biết giai đoạn nước rút rất quan trọng. Đa số mọi người thường bỏ cuộc khi gần cán đích, Nguyễn Ái Việt không thê. Ông luôn tin tưởng vào bản thân và cố gắng hết sức mình. Ông cùng vợ kèm cặp cậu con trai, động viên con gái và hoàn thành công việc. Thế rồi đâu lại vào đấy. Công việc êm xuôi cũng là lúc cô con gái cầm tấm bằng thạc sĩ truyền thông của một trường đại học danh giá trên đất Mỹ. Cậu con trai học chuyên Hà Nội Amsterdam, nộp đơn xin học bổng 14 trường thì được 13 trường gọi. Giờ cậu đang là sinh viên năm thứ 2 của trường đại học Stanford (1 trong 5 trường đại học uy tín nhất nước Mỹ).
Vị viện trưởng viện CNTT (ĐHQGHN) kể lại kỷ niệm, khi ông nói con trai học ở trường Stanford, mọi người cho rằng đó là điều hiển nhiên. Nhưng với ông, chẳng có thành công nào là tự nhiên. Một lần, ông “nói bóng gió” về tấm gương nhà toán học Andrew Wiles đã dành 10 năm để giải xong bài toán Fermat mà 200 năm không ai giải được, nhờ đó mà Andrew giành được giải thưởng Field, cậu con trai của ông trầm ngâm một hồi rồi trả lời: “Con nghĩ là con không có thời gian, con có nhiều việc phải làm lắm”. Từ đó, ông hiểu con trai mình có thiên hướng các môn xã hội và hết lòng ủng hộ.
Ông hướng con trai theo học ngành đạo diễn nhưng khi cậu quyết định học truyền thông, ông vẫn tin tưởng và ủng hộ. Cô con gái lớn cũng theo bước cha về Việt Nam lập nghiệp sau khi có bằng thạc sỹ ở Mỹ. Vẫn với tính tự lập, cô sống một mình ở TP. HCM và mở công ty ở đó. Với một người cha, không có điều gì hạnh phúc hơn khi được nhìn thấy sự con cái trưởng thành.
Cha giỏi toán chưa chắc con đã giỏi toán Khi con trai nhỏ của TS Việt còn học ở Mỹ, thấy cậu bé giải toán nhanh, ông đưa con đi đăng kí thi Olympic Toán. Trả lời câu hỏi của người quản lý tại sao lại đăng kí cho con trai đi thi Toán, vị TS nêu lý do đơn giản: “Trước đây tôi cũng học toán và tôi muốn con tôi giỏi toán”. Người quản lý trả lời thẳng thừng: “Đó không phải là lý do, ông giỏi toán nhưng chưa chắc con ông đã giỏi toán, quan trọng là đứa bé phải thích”. Nhận thấy lời nhận xét chuẩn xác, sau đó TS Việt đã để con trai tự bộc lộ thiên hướng. |
Xuân Thanh