Thầy Jäger- Hülsmann chuyên trách môn Deutsch Beruf (tiếng Đức hướng nghiệp), một môn học được coi là nặng và khó nhất trong các môn học mà chúng tôi phải trải qua suốt thời gian sáu tháng tại Akademie. Mười tám thành viên từ các quốc gia khác nhau, kẻ cực Bắc châu Á, người cực Nam châu Âu, màu da khác, trình độ chênh lệnh, tuổi tác cách xa, người mới đôi mươi, kẻ đã ngoài 60 chục. Gần hai chục cái tên rất lạ, ‘‘dài nhất quả đất‘‘ như tên mấy học viên Việt Nam chúng tôi, đến những cách viết đặc thù khó đánh vần của người Ả rập… Vậy mà, chỉ đến buổi học thứ ba là thầy đã thuộc tên, nhớ mặt chúng tôi, những tấm biển xưng danh trước mặt không cần dùng đến nữa.
1 - Từ… tấm bảng kín chữ trước giờ học…
Buổi học đầu tiên, sau chút ít thời gian dành cho màn chào hỏi thông lệ, giới thiệu bản thân, tuổi tác, nghề nghiệp… ngay lập tức tiết học chính thức bắt đầu, đến tận phút chót, thầy mới nhìn đồng hồ và chào tạm biệt. Buổi thứ hai, tôi vội vã để kịp chuyến tầu, vừa đến cửa lớp đồng hồ chạm đích. Hổn hển chào thầy. Thầy cười hiền, ánh nhìn thông cảm: Đưa hai đứa trẻ đến trường nhưng vẫn kịp giờ học, thế là đáng khen rồi. Tôi biết thầy động viên thôi, chứ đúng giờ, theo định nghĩa của người Đức là trước 5-10 phút. Ngồi yên vị, giở sách vở, nhìn lên bảng, đã thấy tấm bảng dày đặc chữ. ‘‘Những nội dung chính của buổi học hôm nay và các vấn đề cần lưu ý ‚‘‘Ồ, cả lớp đồng thanh ngạc nhiên. Chẳng rõ thầy đến từ bao giờ nhưng để viết đầy tấm bảng lớn choán gần hết bức tường, ít nhất cũng cần tới vài chục phút. Và sự ngạc nhiên của buổi đầu biến mất, khi điều đặc biệt này lặp lại suốt hàng trăm buổi học, kéo dài cả nửa năm trời. ‘‘Thầy tiết kiệm cho chúng mình từng phút‘‘, Sezita, cô bạn người Séc, nói tiếng Đức chuẩn gần như người bản địa, chậm rãi kết luận.‘‘Nhiều hôm có việc đột xuất cần về sớm một lúc, nhưng thấy thầy say sưa đến tận phút cuối, lại ngần ngại đứng dậy xin phép. Ít người được như thầy, ‘‘cô bạn chăm học chia sẻ. Thầy làm cho những kẻ lớt phớt, liên tục liếc đồng hồ trong tiết cuối như chúng tôi, đôi lúc cũng thấy ngượng ngùng vì sự chểnh mảng của mình…
2 - Đến… những giờ giải lao không nghỉ…
Buổi học của chúng tôi bắt đầu từ 8h30 và kết thúc vào 1h30. Năm tiết, nghỉ giải lao hai lần, mỗi lần 15 phút. Nhưng mười năm phút ít ỏi của Thầy thường bị học viên tận dụng tối đa. Hôm thì Igor - anh chàng người Kazakhstan hỏi thêm về vấn đề ngữ pháp chưa ‘‘thủng‘‘, hôm thì Giooc, anh chàng da màu có nụ cười maketting nhờ tư vấn riêng về khóa học chuyên ngành trong tương lai… Để thầy còn nghỉ chứ, tôi khó chịu xen vào, anh chàng có gương mặt na ná huyền thoại Mike-Tyson ghé tai: Mày dại lắm, phải tranh thủ thời gian nhờ thầy và tranh thủ cơ hội nói tiếng Đức với thầy chứ, có như vậy thì mới nhanh khá lên được… Anh chàng láu cá ấy có lý. Tôi mang tâm lý của người châu Á, luôn ngần ngại trước đám đông. Cộng thêm lỗi phát âm chưa chuẩn, nên luôn thu mình trong vỏ ốc. Nhiều lần trong giờ giải lao, thầy phải đến gần gợi chuyện. Thầy bảo: đừng ngại, hãy nhìn Giooc ấy, anh ta nói chưa chuẩn nhưng anh ta không sợ. Hãy vứt nỗi sợ của em đi là ổn thôi…
Đến lúc tôi cô gắng tự tin, sắp ‘‘vứt‘‘ được nỗi e ngại, sợ sệt của mình, định tranh thủ thầy trong giờ giải lao, thì người đồng hương của tôi, chị Bình lại nhanh chân hơn. Chị Bình ngoài 60, chồng mới mất, chưa đến trăm ngày. Ông chồng người Đức đột ngột ra đi, không chỉ để lại nỗi trống vắng chẳng gì bù đắp, mà còn để lại cả khối giấy tờ đủ loại cần giải quyết tức thì, cho người vợ Việt tiếng Đức bập bõm, nhìn vào tài liệu ‘‘chữ được chữ không‘‘. Ngày nào chị cũng đến lớp với bộ dạng hớt hải: làm sao bây giờ, giấy tờ trợ cấp mai táng họ gửi đến, tao chẳng khai được… lương hưu của ông ấy nữa, giờ phải cắt đi, họ gọi điện đến, tao nghe bập bõm… Sút tám kg rồi em ạ. Tôi bảo, thôi đừng buồn nữa. Chị trầm ngâm: ừ, cũng dần nguôi ngoai, nhưng bây giờ thì lo nhiều hơn, lo nên mất ngủ, nên sụt cân. Sống sao đây khi nỗi sợ thường trực buổi sáng là mở hòm thư, thấy giấy tờ gửi đến. Nhìn vào hoa cả mắt, tra từ điển vẫn chẳng hiểu được. Lúc nào cũng đi phiên dịch thì tiền núi cũng chẳng đủ… Như kẻ chết đuối chị vớ được cọc, chị ‘‘túm chặt‘‘ lấy thầy trong mỗi giờ giải lao.
Và thế là khi tiết học vừa kết thúc, thầy lại gọi: Bình, hôm nay có thư từ gì cần trả lời không?... Thư viết xong, giấy tờ điền xong cũng là lúc chỉ còn dư vài phút. Ăn vội chiếc bánh mì khô mang theo từ sáng, chẳng kịp uống cafe, thầy bảo: Chậm vài phút mong các bạn thông cảm. Đáp lời thầy là ánh mắt biết ơn của chị Bình và gần hai chục nụ cười tươi hết cỡ của các học viên còn lại...
3 - Và… một câu chuyện xúc động, khắc khoải hơn bốn mươi năm qua…
Một lần trong giờ học, thầy bất ngờ hỏi tôi. Con sông nào lớn nhất Việt Nam, tôi bảo sông Mekong. Sông chảy qua mấy nước? Tôi đang liệt kê: Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc… nghĩ mãi chưa ra hai nước còn lại… thầy liền cứu nguy ngay: Thái Lan và Myanma nữa… Rồi thầy tiến tới tấm bản đồ thế giới giữa lớp, tìm ngay ra chấm đỏ Hà Nội - Việt Nam, hào hứng giới thiệu cho các thành viên trong khóa học… Tôi ngượng quá, những kiến thức địa lý thông thường từ thời phổ thông, lẽ ra phải thuộc như cháo chảy mới phải. Vậy mà…. thầy biết tôi ngại nên không hỏi tiếp mà say sưa mô tả ngọn Fanxipan, ngọn núi cao nhất Việt Nam và cũng là nóc nhà Đông Dương…
Tôi vớt vát, thầy đã từng đến Việt Nam? Thầy bảo, chưa, nhưng tôi mơ ước một lần. Hằng ngày tôi vẫn tích cực đi dạy để kiếm tiền, nhiều tiền thì mới có thể đi du lịch được, cả Việt Nam và châu Phi nữa. Thầy nháy mắt nhìn tôi và Giooc, anh bạn châu Phi luôn tìm cớ nói chuyện với thầy mọi lúc mọi nơi để tăng khả năng giao tiếp.
Rồi thầy trầm giọng, ánh nhìn xa xăm: Tôi chưa từng đến Việt Nam, nhưng biết và gần gũi Việt Nam từ hơn 40 năm trước. Ngày ấy, năm 1971, tôi - chàng sinh viên năm cuối trường đại học Greifswald đang tất bật cho luận án tốt nghiệp thì bất ngờ gặp hai người bạn nước ngoài. Hai chàng sinh viên năm thứ nhất, lính mới tò te, người Việt, được chuyển đến ở cùng phòng. Hai chàng trai cùng nguyện vọng nghiên cứu về Medizin (ngành Y). Họ trẻ lắm, cỡ chừng mười chín hai mươi thôi, mới từ Việt nam sang, sau một “cua” tiếng Đức ngắn hạn ở quê nhà. Chẳng hiểu sao, lập tức chúng tôi có ngay thiện cảm đặc biệt với nhau. Hai người đều dong dỏng, gương mặt thanh tú, đôi mặt rất sáng. Chúng tôi nhanh chóng trở thành bạn, bạn thân và hơn thế nữa, như những người anh em trong cùng một nhà. Bữa tối chúng tôi thường ăn cùng nhau, những bữa ăn nóng hổi đặc trưng của người Việt, điều mà người một người Đức như tôi ít thực hiện được, chỉ trường kỳ đồ nguội và đồ nguội. Nhiều tháng liền, tôi trở thành người bạn lớn tuổi trong bếp ăn của nhóm bạn Việt Nam, trong đó có Diền và Dũng. Dũng và Diền đưa tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Từ vốn tiếng Đức hạn chế ban đầu, chỉ sau mấy tháng, họ nhanh chóng bật lên. Tôi vừa bận rộn làm luận án tốt nghiệp, vừa trợ giúp các bạn cắt nghĩa những từ khó trong các bài khóa về Medizin dài dằng dặc. Với tôi, một sinh viên người Đức, để hiểu một đoạn text về Medizin đã không hề đơn giản chút nào. Ngập tràn từ Latin và những từ Hy Lạp cổ. Đến bây giờ tôi phải cảm ơn thời gian ngắn ngủi chúng tôi được làm việc cùng nhau. Nhiều kiến thức về y học hôm nay tôi có được khi đứng trên bục giảng là nhờ những ngày tháng cùng họ cặm cụi bên bên những cuốn sách y khoa dày cộp ấy.
Thời gian này, chúng tôi làm việc rất căng, sớm nhất cũng 22h, 23 giờ đêm tôi mới lên giường. Diền và Dũng thường ngủ muộn hơn, khoảng một hai giờ sáng mới thấy họ tắt đèn. Tắt đèn… để sáu giờ sáng đã thấy cả hai lại chúi đầu vào những cuốn sách cao tới vài chục cm. Thực sự, suốt thời đi học và nhiều năm sau này, tôi chưa thấy ai siêng năng và chăm chỉ như hai người bạn Việt Nam ấy. Kết quả kỳ học đầu tiên đó - cả hai trở thành những sinh viên số một của trường đại học Greifwald, đã khiến tôi càng thêm ngưỡng mộ.
Sau đó chúng tôi không có nhiều cơ hội gặp gỡ và giúp đỡ nhau được nữa. Tôi phải chuyển tới thực tập ở một thành phố khác trong nhiều tháng. Rồi thời gian cuốn tôi đi, công việc nối tiếp công việc, tôi không có điều kiện trở lại trường và gặp lại họ. Nhưng có một điều tôi tin chắc rằng, Diền và Dũng vẫn sẽ tiếp tục xuất sắc trong những năm học tiếng theo và cả sau này, khi họ đã trở thành những bác sĩ thực sự…
Cả lớp lặng im, những đối tượng hay nói chuyện riêng hôm nay cũng trật tự một cách bất thường…
Giọng thầy nhỏ dần… Bây giờ, mỗi lần gặp những học sinh Việt Nam trong các khóa học tiếng Đức, như một sự liên hệ vô hình, tôi lại nhớ đến họ… Mấy chục năm qua, mỗi lần chia sẻ câu chuyện này, tôi chỉ mong các bạn có thêm động lực để học tốt tiếng Đức - một ngoại ngữ mà tôi biết là không hề dễ dàng với người châu Á nói chung… Và có một điều bây giờ tôi mới kể, tôi còn gửi gắm ít nhiều hy vọng trong câu chuyện của mình. Biết đâu trong số các bạn sẽ có ai đó là người thân của hai chàng trai ấy, Dũng và Diền năm nào… Tôi mong ước một lần được gặp lại họ…
Có thể ở một nơi rất xa, cách nước Đức hàng chục nghìn km, hơn bốn mươi năm qua họ vẫn nhớ tới thầy, như thầy vẫn luôn khắc khoải, mong ước, một ngày nào đó, có phép màu xảy ra, được gặp lại họ, được nắm tay nhau, trở lại ngôi trường đại học Greifswald năm nào… Tôi đã xúc động nói với thầy như vậy, khi nghe câu chuyện cảm động của thầy… Thầy bảo: Thầy tin rằng, những người chăm chỉ và thông minh như họ trong quá trình nghiên cứu sẽ gặp được nhiều người bạn Đức tận tình và tốt bụng. Nhưng trong sâu thẳm, thầy hạnh phúc và tự hào vì đã là người bạn thân thiết cùng họ chia sẻ ngọt bùi trong những ngày tháng đầu tiên khó khăn nhất, tất cả chỉ mới bắt đầu, khi họ bỡ ngỡ đặt chân tới Đức…
4 - Thay cho lời kết.
Tôi không phải người thân của hai chàng trai Việt Nam mà thầy Jäger yêu mến. Nhưng một cảm giác rất lạ, trên mức bình thường đã xâm chiếm tôi khi lần đầu tiên cầm trên tay bức ảnh đen trắng được gìn giữ cẩn thận hơn bốn mươi năm. Ảnh rất nét, không ố vàng, tất cả vẫn mồn một vẹn nguyên… Từ ngôi làng nhỏ cách thủ đô Berlin vài trăm km, bôn ba khắp nơi , thăng trầm đủ nghề, rồi miệt mài phấn đấu để trở thành Tiến sĩ triết học, chàng trai mảnh dẻ, tóc nâu hôm nào nay đã là người đàn ông tóc bạc, bụng phệ… vậy mà trong chiếc ngăn kéo nhỏ đầu giường vẫn dành một góc trọn vẹn cho quá khứ.
‘‘Hơn bốn mươi năm rồi, bây giờ cả hai cũng đã già như tôi, không hiểu họ có còn nhận ra chính mình trong bức ảnh đen trắng này không? Thầy Jäger chớp mắt, đưa tôi tấm ảnh, và quay đi lau kính. Chúng tôi già hết cả, ngày ấy lâu lắm rồi…
Đêm ấy, tôi mơ một giấc mơ rất lạ. Tôi thấy mình đèo thầy Jäger bằng xe máy chạy chầm chậm quanh Bờ Hồ. Thầy ngồi sau xe, căng thẳng bám chặt vào yên. Đi loằng ngoằng thế nào, suýt va phải người bên cạnh. Quay lại định xin lỗi thì bắt gặp hai thanh niên rất trẻ, mặt mũi sáng sủa… Trông họ quen lắm, dù chưa gặp lần nào. Bỗng thầy Jäger kêu lên bằng tiếng Đức: Hình như Dũng và Diền… Tôi Jäger đây… Họ ớ ra vài giây, rồi tất cả lao vào nhau. Hai chiếc xe máy đổ kềnh. Tôi đứng trơ ra giữa hè phố, ngơ ngác… Phía xa, có một người phụ nữ tóc vàng chạy tới… Ai như Frau Baade, cô giáo của tôi, đồng nghiệp của thầy Jäger… Em chào cô... Cô trò ôm nhau xúc động…
Tôi choàng mắt… Hóa ra tôi đã gục đầu bên bàn máy tính ngủ thiếp từ lúc nào… Chợt nhớ tới những lần cô giáo kiên nhẫn gọt bút chì cho tôi, đứa học trò đoảng tính, hay quên, nhớ cái ôm trìu mến của cô lúc chia tay trong buổi học cuối cùng. Tôi mong được gặp lại em trong một khóa học cao hơn. Ich liebe dich (Tôi yêu quý em). Tôi đã suýt bật khóc vì biết rằng, người Đức chỉ dành câu nói đó cho một nửa của mình và cho những người thân trong gia đình, như lời trìu mến của cha mẹ dành cho con cái.
Hơn bốn mươi năm, biết bao biến cố có thể xảy ra với mỗi đời người. Nhưng tôi tin, hai người bạn của thầy sẽ không chỉ nhận ra mình và những người bạn cùng lớp cùng trường – Greifswald ngày ấy. Sẽ có nhiều và rất nhiều người khác, nhận ra thời tuổi trẻ sôi nổi của chính mình tại một nơi rất xa quê hương… Và nơi ấy sẽ có một ngày họ cùng nhau thăm lại…
Tôi cầu mong hai người bạn của Tiến sĩ Jäger –Hülsmann đọc được câu chuyện này. Hai chàng trai năm xưa Dũng và Diền (có thể là Điền, vì trong tiếng Đức không có chữ Đ), nay đã ở độ tuổi ngoài 60 (cuộc gặp gỡ của họ vào năm 1971) là bác sĩ trong một bệnh viện nào đó (có thể đã về hưu). Thầy Jäger còn nhớ, quê quán của hai người, một ở Hà Nội và một ở ngoại thành Hà Nội. Nếu ai quen biết hoặc là người thân của hai bác Dũng và Diền, vui lòng thông tin giúp chúng tôi.
Dương Hương (Theo Nhân dân)